Về thăm ngôi nhà giản dị của "hot girl" làng bóng đá nữ Hoàng Thị Loan: "Nhìn con chiến đấu lăn xả, người làm cha mẹ nào cũng xót..."
Loan xinh xắn, đáng yêu, được người hâm mộ mệnh danh là "hot girl", "hoa hậu" của làng bóng đá nữ Việt Nam. Sau chiến thắng trước Thái Lan, bố nữ cầu thủ đã có những chia sẻ chân thành về cô con gái nhỏ nhưng vô cùng mạnh mẽ của mình.
- 09-12-2019Nhiều fan Việt kì thị giới tính cầu thủ nữ Thái Lan: Cổ động viên bóng đá văn minh sẽ không làm thế!
- 09-12-2019Tuyển nữ Việt Nam huỷ lịch bay, ở lại cổ vũ trận chung kết bóng đá nam SEA Games 30
- 09-12-2019HLV Park Hang-seo tự tin tuyên bố: "Việt Nam sẽ thâu tóm HCV cả bóng đá nam và nữ"
"Hình như cái Loan vào sân từ phút 84..."
"Không phải, tôi nhớ là phút 89".
Không khí yên tĩnh bên trong căn nhà nhỏ của Hoàng Thị Loan ở làng Kì Thuỷ, xã Bích Hoà, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Hai người đàn ông, một là chú Hoàng Văn Sâm (52 tuổi, bố Loan), 2 là bác hàng xóm, đang tranh luận về khoảnh khắc Loan vào sân thay người trong trận chung kết Sea Games 30, khi Việt Nam hạ gục Thái Lan bằng cú đánh đầu của Phạm Hải Yến.
Bố Loan nhớ chắc rằng con gái mình đã có cơ hội vào sân từ những phút cuối của trận đấu. Nguyễn Thị Xuyến rời sân, nhường chỗ cho cô gái chỉ cao 1m58, nặng 50 kg, nhưng đủ sức lăn xả để đối đầu với những tiền đạo cao to bên phía Thái Lan. Và với những nỗ lực tuyệt vời, chúng ta lại được chiêm ngưỡng màn thể hiện đẳng cấp của những cô gái vàng Việt Nam, với tinh thần quyết giữ ngôi hậu và "truyền thống" săn vàng của Quốc gia.
Đêm qua (8/12), một lần nữa, đội tuyển nữ Việt Nam xưng hậu trong trận đấu đánh bại đội tuyển Thái Lan, bảo vệ thành tích 6 năm liên tiếp đoạt vàng Sea Games. Ảnh: Sport5.
Hoàng Thị Loan - hot girl của đội tuyển nữ. Ảnh: Sport5.
"Nhìn con xô xát với đội bạn, chú xót nhưng vẫn xem đó là nhiệm vụ con gái phải hoàn thành"
Hoàng Thị Loan sinh trưởng trong gia đình có 4 người con, Loan là chị hai. Năm 13 tuổi, Loan bắt đầu bộc lộ đam mê với trái bóng tròn. Cô bé theo chân một người bạn trong làng, xuống huyện Thanh Oai tập luyện cùng nhiều anh chị em, đều đặn một tuần 3 lần.
Tập luyện được một năm, bố mẹ không cho Loan tiếp tục con đường bóng đá. "Con gái chân yếu tay mềm, có nhiều bộ môn khác sao lại không chơi, mà nhất quyết cứ phải là bóng đá?" - chú Sâm đanh thép.
Đáp lời bố, Loan chỉ nói: "Mỗi lần đá bóng, con thấy vui và tràn đầy nhiệt huyết".
Cô giáo dưới huyện bèn lên nhà xin cho Loan được theo đuổi sự nghiệp "quần đùi áo số". Đến nước này, chú Sâm chẳng biết nói gì, "kệ" luôn con gái, trao toàn quyền quyết định tương lai và cuộc sống sau này vào chính Loan - cô bé khi đó chỉ mới 14 tuổi.
Từ đó, Hoàng Thị Loan bắt đầu tập luyện nghiêm túc cùng lứa trẻ của đội bóng đá nữ Hà Tây (trước khi sát nhập với CLB bóng đá nữ Hà Nội). Cô bé được nhận xét xinh xắn, dễ thương, đặc biệt có tố chất, tư duy và sức mạnh.
Chú Hoàng Văn Sâm, 52 tuổi, bố của Loan.
Loan xuất thân là một trung vệ, nhưng có thể đá tốt ở nhiều vị trí: hậu vệ phải, hậu vệ trái, tiền vệ phải lẫn tiền vệ phòng ngự. Bởi lẽ đó, cô được mệnh danh là phiên bản nữ của Phạm Đức Huy đội tuyển nam quốc gia.
Sau hai năm vắng bóng trên ĐTQG, cô trở lại vào năm 2018, nhưng chưa thực sự tạo được vang dội cho cái tên Hoàng Thị Loan. Một suất tham dự Sea Games 30 chính là thời điểm tạo nên cơ hội và cả thách thức đối với cô gái trẻ 24 tuổi.
Không để cổ động viên và người hâm mộ phải chờ đợi quá lâu, trong trận bán kết tại sân Binan, Hoàng Thị Loan cho thấy lối đá thông minh, nhanh nhẹn của mình, góp công lớn vào chiến thắng 2-0 trước đội chủ nhà Philippines. Đặc biệt, chúng ta đã được chứng kiến hơn 90 phút máu lửa, đi kèm mồ hôi và nước mắt của cô gái mang áo số 4 cùng những người đồng đội trước khi giành được tấm huy chương vàng đầy quý giá.
Trái ngược với khuôn mặt nhẹ nhàng và nữ tính, khi bước vào sân cỏ, cô nàng họ Hoàng như hoá.... "hung tàn", không ngại đối đầu với bất cứ đối thủ nào. Hình ảnh một Hoàng Thị Loan vô cùng nhỏ bé bên cạnh tiền đạo cao lớn Sung-Ngoen của Thái Lan, càng chứng minh nhận định trên của người hâm mộ là hoàn toàn chính xác.
"Nhìn Loan 'chiến đấu' lăn xả, thậm chí trong một vài tình huống xô xát với đội bạn, nhưng chú xem đó là nhiệm vụ con gái phải hoàn thành. Tất nhiên, người làm cha làm mẹ nào cũng sẽ xót con, nhưng không thể đổ lỗi cho chấn thương mà không ngừng phấn đấu. Thành quả của con và đồng đội là quá đỗi xứng đáng, chú và cả gia đình đều rất tự hào".
Căn nhà nhỏ chứa đầy những kỷ niệm, hình ảnh của cầu thủ Hoàng Thị Loan.
"Em nó chưa muốn lấy chồng"
Trên sân cỏ, Loan kiên cường, mạnh mẽ bao nhiêu thì ngoài đời thường, đặc biệt trong mắt bố mẹ, cô đáng yêu, nhí nhảnh bấy nhiêu. Đứa con gái bé nhỏ năm 13 tuổi còn lững thững, nũng nịu đòi đi đá bóng bằng được, thì nay đã có thể góp sức mang về vinh quang cho Tổ quốc. Đó là điều chú Sâm chưa từng nghĩ, hay thậm chí đặt kỳ vọng ở con mình. Với chú, cho Loan đi đá bóng là để "thoả mãn đam mê của em nó".
Thường sau mỗi trận đấu, Loan đều gọi điện về cho bố mẹ. Trong đêm chung kết, niềm vui như vỡ oà khi con gái cùng đồng đội bước lên bục vinh quang, giơ cao tấm huy chương vàng. Loan là mẫu cầu thủ không dễ kiếm và theo như đánh giá từ chính HLV phó Phạm Văn Vương của CLB nữ Hà Nội, đây là một cầu thủ đầy tiềm năng và sẵn sàng chiến đấu một cách mạnh mẽ nhất, luôn khao khát chiến thắng.
"Mọi người trong gia đình đều tập trung cổ vũ cho Loan, thành công được đổi bằng máu và nước mắt. Nhưng con không được xem chiến thắng này là tất cả, mà còn phải cố gắng và phấn đấu hơn nữa, vươn xa hơn nữa, để làm sao các trận đấu khác cứ phải là thành công hơn".
Mọi thứ đều rất đơn sơ, mộc mạc.
Loan xinh xắn, đáng yêu, được người hâm mộ mệnh danh là "hotgirl", "hoa hậu" của làng bóng đá nữ Việt Nam. Sau chiến thắng trước Thái Lan, cô nàng hé lộ: "Em chưa có người yêu", và chính chú Sâm cũng khẳng định điều này.
"Em nó chưa muốn lấy chồng. Bản thân chú cũng không có tiêu chí gì kén rể, cái này tuỳ em nó. Chú phụ thuộc và hoàn toàn tin tưởng con gái. Nó yêu ai thì mình chỉ biết thế thôi, còn đâu là quyền của nó".
Dứt câu, chú Sâm bật cười khanh khách.
Ông Phạm Hai Dong - trưởng thôn Kì Thuỷ vui vẻ tới nhà bắt tay chú Sâm, "yêu cầu" gia đình có bao nhiêu huy chương của Loan, cấp tốc đem xuống dưới nhà... trưng bày.
"Này nhé, anh Sâm, cái chỗ này anh cất cái đồng hồ đi, làm một cái tủ kính treo hết huy chương, giấy khen của Loan vào đây, để mai mốt nó về, vui cửa vui nhà với hàng xóm láng giềng".
"Qua giải Sea Games, bản thân chúng tôi rất vinh dự vì quê hương có một cầu thủ ghi danh, là cháu Hoàng Thị Loan. Đây là một dịp may hiếm có đối với chúng tôi. Xin chúc tất cả đội tuyển của các môn, bình tĩnh, tự tin để hái vàng mang về Tổ quốc" - ông Dong xúc động bày tỏ.
Tiếng lục đục bên trong căn nhà nhỏ, người tìm huy chương, người rót trà mời khách, con xóm nhỏ được dịp hân hoan, rộn ràng chuẩn bị đón "người hùng nhỏ bé" trở về.
Chú Sâm cùng trưởng thôn "trang hoàng" nhà cửa.
Những tấm huy chương vàng danh giá của Hoàng Thị Loan.
Trí thức trẻ