VEFAC (VEF) muốn tăng vốn thêm 8.500 tỷ đồng, triển khai dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc Gia và Khu đô thị Đông Anh
Nếu đợt phát hành thành công, vốn điều lệ của doanh nghiệp này sẽ tăng gấp hơn 6 lần, từ 1.666 tỷ lên mức 10.196 tỷ đồng.
- 16-05-2023Góc nhìn CTCK: VN-Index điều chỉnh ngắn hạn để hướng tới đỉnh cao mới
- 16-05-2023Khánh Phương: Mua cổ phiếu không vì lãi chục tỷ đồng mà muốn kiểm soát công ty
CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC - mã VEF) đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 dự kiến diễn ra vào ngày 25/5 với nhiều nội dung quan trọng trong đó đáng chú ý nhất là tờ trình xin về kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, VEF muốn chào bán gần 853 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1:5,12 tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu VEF có quyền mua thêm 5,12 cổ phiếu phát hành mới. Nếu đợt phát hành thành công, vốn điều lệ của doanh nghiệp này sẽ tăng gấp hơn 6 lần, từ 1.666 tỷ lên mức 10.196 tỷ đồng.
Cổ đông có thể chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu cho nhà đầu tư khác và bên nhận chuyển nhượng quyền mua không được phép tiếp tục chuyển nhượng cho bên thứ ba. Cổ phiếu phát hành cho bên có quyền mua không bị hạn chế chuyển nhượng.
Giá phát hành dự kiến 10.000 đồng/cp, tương ứng số tiền thu về gần 8.530 tỷ đồng. Trong đó, VEF sẽ dùng 1.467 tỷ đồng để bổ sung vốn thực hiện dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc Gia (Hà Nội); gần 6.976 tỷ đồng để thực hiện dự án Khu đô thị mới tại huyện Đông Anh (Hà Nội) và 87 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động.
Đáng chú ý, trong hai năm 2021 và 2022 trước đó, VEF cũng đã lên kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ nhưng đều chưa thể thực hiện được. Dù vậy, nhà đầu tư dường như vẫn rất hào hứng với kế hoạch tăng vốn khủng lần này.
Ngay sau khi kế hoạch tăng vốn được hé lộ, cổ phiếu VEF trên thị trường đã tăng dựng đứng. Với 2 phiên trần liên tiếp vừa qua, thị giá cổ phiếu này đã leo lên mức 109.000 đồng/cp, tăng gần 50% sau hơn một tuần. Giá trị vốn hoá cũng theo đó tăng thêm gần 5.700 tỷ, lên mức 18.200 tỷ đồng.
Ngoài kế hoạch tăng vốn, VEF cũng sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch không chia cổ tức năm 2022, toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sẽ được giữ lại để bổ sung vốn kinh doanh.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, VEF đặt mục tiêu doanh thu đạt 10 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ và nhưng chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế lại giảm 37% so với thực hiện năm ngoái, xuống mức 200 tỷ đồng.
Những năm gần đây, lợi nhuận của VEF không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà chủ yếu nhờ lãi các khoản tiền gửi và cho vay. Vì thế, không bất ngờ khi chỉ tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp này lại cao gấp nhiều lần so với doanh thu.
Trong năm nay, VEF sẽ tiếp tục triển khai đồng thời các dự án tại Hà Nội gồm Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia; Khu đô thị mới Đông Anh; Tổ hợp Trung tâm Thương mại Dịch vụ tại 148 Giảng Võ, Ba Đình và Khu Chức năng Đô thị Nam Đại lộ Thăng Long tại Mễ Trì.
Nhịp Sống Thị Trường