VERP: Tổng chi phí cho các tổ chức quần chúng công năm 2014 là hơn 71.000 tỉ đồng
Tổng chi phí xã hội cho các tổ chức quần chúng công ước tính khoảng 1,7% GDP, trong đó riêng ngân sách Nhà nước phải chi khoảng 14.000 tỷ đồng.
- 07-06-2016Chính phủ quyết vượt thu ngân sách năm nay
- 05-06-2016Vay tiền ngân sách đầu tư: “Cân nhắc tỷ lệ 10% để lại”
Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) vừa công bố báo cáo ước lượng chi phí kinh tế cho các tổ chức quần chúng công gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên và Công đoàn.
Báo cáo cho thấy, các đơn vị này được phân bổ lượng ngân sách nhà nước lớn và hưởng nhiều chính sách ưu đãi.
Cụ thể, theo ước tính của nhóm nghiên cứu, tổng chi phí kinh tế của xã hội cho các tổ chức quần chúng công theo kịch bản trung bình là 52.688,91 tỷ đồng, và kịch bản thấp là 45.670,59 tỷ đồng.
Với kịch bản khả quan, tổng chi phí kinh tế của xã hội cho các tổ chức quần chúng công năm 2014 là hơn 71 nghìn tỷ đồng, ước bằng 1,7% GDP của cả nước.
Trong đó, Ngân sách nhà nước chi cho các hoạt động này ước khoảng 14.023 nghìn tỷ đồng.
Ngoài số tiền thu từ ngân sách nhà nước, các tổ chức công còn có khoản thu khác đến từ nguồn thu hội phí, thu từ hợp tác quốc tế, chi phí cơ hội bất động sản, hệ thống nhà nghỉ công đoàn...
Theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, ngân sách hỗ trợ các tổ chức quần chúng công được lấy từ hai Nguồn: ngân sách Trung ương (dành cho Trung ương hội của các tổ chức này) và ngân sách địa phương.
Ngân sách Trung ương
Dành cho MTTQ và 5 tổ chức đoàn thể
Ngân sách Trung ương dự toán dành cho Trung ương hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 5 tổ chức chính trị - xã hội trong năm 2014 là 1.261 tỷ đồng. So với thời điểm năm 2006, khoản ngân sách này tăng hơn gấp đôi (từ 532,5 tỷ đồng).
Trong đó, 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận được phân bổ ngân sách (dự toán) nhiều nhất trong năm 2014 là Hội Nông dân Việt Nam (401,45 tỷ đồng), Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (359,96 tỷ đồng), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (270,32 tỷ đồng), và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (154,88 tỷ đồng).
MTTQ Việt Nam được phân bổ 74,6 tỷ đồng trong năm 2014, thấp nhất trong nhóm sáu tổ chức chính trị - xã hội.
Dành cho các Hội đặc thù được Nhà nước hỗ trợ kinh phí
Chi phí của ngân sách nhà nước để hỗ trợ các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp Trung ương tăng mạnh trong giai đoạn 2006 - 2014. Cụ thể, nếu khoản ngân sách dành cho nhóm này năm 2004 là 248,88 tỷ đồng, thì nó đã tăng gần gấp bốn lần và đạt đỉnh vào năm 2010 với 936,59 tỷ đồng; dự toán đạt 638,6 tỷ đồng vào năm 2014
Tổng số tiền ngân sách hỗ trợ cho Trung ương Hội của các tổ chức quần chúng công trong giai đoạn 2006 - 2014 tăng từ 781,3 tỷ đồng (2006) lên 1.899,7 tỷ đồng (dự toán 2014), chiếm khoảng 1,1% dự toán tổng chi ngân sách Trung ương cho các bộ, cơ quan Trung ương trong năm 2014. Đây là khoản tiền tương đương với mức dự toán chi cho bộ Kế hoạch - Đầu tư (1.873 tỷ đồng), bộ Khoa học - Công nghệ (1.768 tỷ đồng), và Bộ Công thương (1.916 tỷ đồng). Trong năm quyết toán 2012, tổng số tiền này là 2.196 tỷ đồng.
Ngân sách địa phương
Ước lượng tổng chi ngân sách địa phương (cấp tỉnh) cho các tổ chức chính trị - xã hội và hội đặc thù trên cả nước vào năm quyết toán gần nhất (2012) là 4.069 tỷ đồng. Đây là con số tăng gần gấp ba lần so với năm 2006 (1.478 tỷ đồng), gần nhỉnh hơn mức tăng GDP (2.3 lần).
Tuy vậy, do số liệu này chưa bao gồm chi phí hỗ trợ ngân sách cho công đoàn của các địa phương, dù theo Luật ngân sách nhà nước, hoạt động của công đoàn địa phương được ngân sách nhà nước bảo đảm. Nếu tính thêm khoản này, VERP ước lượng tổng chi ngân sách địa phương cho toàn bộ các tổ chức quần chúng công là 4.598 nghìn tỷ đồng trong năm 2012.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế càng lớn, chi cho các tổ chức quần chúng công càng nhiều. Hà Nội và TP. HCM là vùng có số lượng chi cho các tổ chức quần chúng công lớn nhất.
Tổng chi ngân sách cấp huyện cho các tổ chức quần chúng công ước tính bằng 2.952 tỷ đồng. Cộng thêm phần chi phí ngân sách dành cho công đoàn, ta có tổng chi phí dành cho các tổ chức quần chúng công của từng vùng là 3.336 nghìn tỷ đồng.
Ước tính tổng chi ngân sách cấp xã trong năm 2012 cho các tổ chức quần chúng công đạt 2.508 tỷ đồng.
Tổng ngân sách địa phương cho các tổ các tổ chức quần chúng công = chi ngân sách cấp tỉnh + chi ngân sách cấp huyện + chi ngân sách cấp xã, phường, thị trấn và thấp hơn.
Theo đó, ước tính tổng chi ngân sách địa phương cho các tổ chức quần chúng công là 9.529 tỷ đồng (cộng 3 con số màu đỏ nói trên, ước tính trong năm 2012).
Cộng với dự toán chi ngân sách Trung ương cho Trung ương hội của các tổ chức này vào năm 2012, ước đoán chi ngân sách cho các tổ chức quần chúng công trong năm 2012 (2.196 tỷ đồng) đạt 12.638 tỷ đồng.
Quy đổi giá trị của con số trên về thời giá năm 2014, có giá trị chi ngân sách nhà nước cho các tổ chức quần chúng công là: 14.023 nghìn tỷ đồng.
Đánh giá
Tuy vậy, theo đánh giá của VEPR, cơ chế phân bổ ngân sách cho hệ thống này vẫn chưa cụ thể, đặc biệt là ở hệ thống hội đặc thù. "Việc quyết định hội nào được nhận hỗ trợ từ nhà nước chưa có nguyên tắc rõ ràng, chưa có tiêu chí thống nhất, dễ dẫn đến tình trạng thiếu minh bạch, công bằng trong việc phân bổ ngân sách", các chuyên gia của VEPR nói.
VEPR cũng nhìn nhận, các tổ chức này đang rơi vào một quá trình Nhà nước hóa, hành chính hóa khá mạnh, thể hiện ở bộ máy biên chế cồng kềnh, thiếu linh hoạt, chồng chéo trong hoạt động. Thêm vào đó, mô hình tổ chức hoạt động còn chưa thích ứng với sự phát triển của xã hội.
Do đó, nhóm nghiên cứu của VEPR đề xuất, cần xây dựng một Luật riêng về các tổ chức quần chúng công, hoặc một phần quan trọng trong Luật về hội nói chung.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng cần các tổ chức này công khai, minh bạch chi tiêu trong báo cáo tài chính trước ban giám sát và công chúng. "Cần phải có cơ chế giám sát, chất vấn hoạt động tài chính. Mặt trận tổ quốc Việt Nam, với tư cách là liên minh chính trị của các tổ chức trên, nên đảm trách nhiệm vụ này", nhóm tác giả của báo cáo đề xuất.
Trí thức trẻ/CafeBiz