MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Vết rạn' ở Trần Phú Cable

03-07-2021 - 11:00 AM | Doanh nghiệp

'Vết rạn' ở Trần Phú Cable

Đại diện cổ đông nhà nước đã bỏ phiếu đồng thuận sửa đổi điều lệ vào năm 2018, góp phần đẩy nhanh sự chi phối của nhóm cổ đông tư nhân tại Trần Phú Cable.

Cổ đông thiểu số đòi quyền lợi

Ngày 27/6 tại Hà Nội, CTCP Cơ điện Trần Phú (Trần Phú Cable) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021. Đại hội có sự tham gia của 10 cổ đông, sở hữu và đại diện cho 99,59% vốn điều lệ công ty.

Tại Đại hội, ban lãnh đạo Trần Phú Cable cho biết dự kiến vận hành nhà máy mới tại VSIP Hải Dương vào tháng 7/2021, có công suất sản xuất dây điện gấp đôi nhà máy hiện hữu tại 41 Phương Liệt. Nhà máy được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho 2 năm đầu và 50% cho 2 năm tiếp theo. Khu đất hiện hữu ở 41 Phương Liệt sẽ được hợp tác phát triển dự án bất động sản, dù vậy đang đàm phán lại với đối tác để thu về khoản lợi lớn hơn.

Năm 2021, Trần Phú Cable đặt kế hoạch doanh thu 2.650 tỷ đồng, tăng 113% so với năm 2020, tuy nhiên chỉ tiêu lợi nhuận lại chỉ ở mức 184 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm ngoái, do không còn nhận được cổ tức từ CTCP Dây điện và Phích cắm Trần Phú (năm 2020 là 140 tỷ đồng).

Trước áp lực cạnh tranh từ các đối thủ, đặc biệt từ Cadivi, lãnh đạo Trần Phú Cable nhấn mạnh muốn vươn lên phải sản xuất trung thế, cáp siêu nhiệt, tự sản xuất đồng, làm nhựa và hướng tới sản xuất cao thế.

Toàn dự án mở rộng các nhóm sản phẩm trên ước tính cần 6.000 tỷ đồng, trong đó vốn tự có chiếm một nửa. Tính đến hết năm 2020, vốn chủ sở hữu của công ty là 1.185 tỷ đồng, bao gồm lãi sau thuế chưa phân phối là 977 tỷ đồng.

"Như vậy, công ty cần tiếp tục tích luỹ tiền, tăng tổng nguồn vốn tự có, không chia cổ tức để sẵn sàng cho kế hoạch đầu tư", lãnh đạo Trần Phú Cable chia sẻ với cổ đông tại Đại hội.

Tuy nhiên nội dung này đã vấp phải sự phản đối của cổ đông nhà nước, là UBND TP. Hà Nội (sở hữu 38,88%), với yêu cầu chia cổ tức 100% lợi nhuận còn lại. Cùng với đó, một nhóm gồm cổ đông khác sở hữu 9,48% cổ phần công ty cũng phản đối việc không chia cổ tức.

Hệ quả là tại tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2020, có tới 48,57% cổ phần có quyền biểu quyết tại Đại hội đã bỏ phiếu phủ quyết, trong khi số phiếu tán thành là 51,43%.

Không quá xung khắc như nội dung phân phối lợi nhuận, song một số tờ trình khác cũng ghi nhận sự khác biệt, chủ yếu đến từ nhóm cổ đông tư nhân thiểu số.

Nhóm này đã bỏ phiếu phủ quyết tại 4 nội dung, gồm nội dung số số 2 (Kế hoạch SXKD năm 2021 và giai đoạn 2021-2025), nội dung số 3.1 (Báo cáo hoạt động của HĐQT năm 2020, kế hoạch năm 2021), nội dung số 5.1 (Báo cáo tài chính năm 2020), nội dung số 6.1 (Thông qua trích quỹ thưởng năm 2020 cho HĐQT); đồng thời, bỏ phiếu trống tại 11 nội dung khác.

Đáng chú ý, nhóm cổ đông thiểu số đối lập này đã kiến nghị bổ sung nội dung vào chương trình Đại hội, nhưng nhanh chóng bị phủ quyết bởi nhóm cổ đông chi phối với tỷ lệ 51,34%, trong khi cổ đông nhà nước bỏ phiếu trống.

Kết quả, tất cả tờ trình đã được thông qua, bao gồm cả kế hoạch không chia cổ tức, đồng nghĩa với những phiếu phủ quyết của các nhóm cổ đông đối lập gần như chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, khi mà Điều lệ hiện hành (được thông qua vào năm 2018) cho phép giảm tỷ lệ thông qua tại ĐHĐCĐ từ 65% xuống 51% (trừ một số nội dung), đồng thời, túc số tham dự ĐHĐCĐ cũng được giảm từ 65% về 51%.

Cổ đông nhà nước đã bỏ phiếu đồng ý sửa đổi điều lệ năm 2018, và tới nay chính họ chịu thiệt hại với quy định mới, khi suốt nhiều năm qua đi "đòi" cổ tức nhưng không được chấp thuận.

Ai đang chi phối Trần Phú Cable?

Trở về thời điểm trước năm 2014, Trần Phú Cable trực thuộc UBND TP. Hà Nội, do Nhà nước sở hữu 65%. Năm 2015, doanh nghiệp này tăng vốn gấp đôi, Nhà nước đấu giá phần lớn quyền mua, dẫn tới tỷ lệ giảm mạnh về 38,88% như hiện nay.

Ngay sau khi Nhà nước thoái lui, nhóm nhà đầu tư có liên hệ tới CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTC) đã nhanh chóng xuất hiện và cử người vào HĐQT Trần Phú Cable từ năm 2016.

Nhóm PTC nhiều khả năng chỉ đứng vai trò "thu xếp", "dọn đường" cho ông chủ thực sự của Trần Phú Cable - doanh nhân Đặng Quốc Chính được bầu vào HĐQT doanh nghiệp này vào năm 2017, và kiêm luôn vai trò TGĐ từ đầu năm 2018.

Tới cuối năm 2019, nhóm này hoàn tất sở hữu quá bán 50,79% (trong đó trực tiếp ông Đặng Quốc Chính nắm 25,83% và CTCP Du lịch Lâm Đồng nắm 24,96%), nhà nước 38,88%, cựu Chủ tịch HĐQT Lê Thanh Sơn có 5,79% và cổ đông khác có 4,54%. Tỷ lệ này duy trì cho đến lần cập nhật gần đây nhất vào cuối năm 2020.

Sang tới ĐHĐCĐ năm 2020, nhóm cổ đông Đặng Quốc Chính chính thức nắm quyền chi phối Trần Phú Cable, khi đại diện của Du lịch Lâm Đồng là ông Huỳnh Bình Thanh được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Vợ ông Chính - bà Trần Thanh Hương cũng được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025.

Ông Đặng Quốc Chính sinh năm 1959, có học vị Tiến sĩ kinh tế, trải qua 17 năm giảng dạy ở Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội (1979-1996), trước khi làm trợ lý Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội trong 4 năm (1996-2000).

Từ năm 2008, ông đảm trách vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Dây điện và Phích cắm Trần Phú, pháp nhân từng là công ty con của Trần Phú Cable, trước khi chuyển về công ty liên kết trong năm ngoái.

Theo Thanh Hương

Nhà đầu tư

Trở lên trên