MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vị bác sĩ thành tỷ phú nhờ Covid: Nghề y từng là lựa chọn đau đớn

15-08-2021 - 17:40 PM | Sống

Nhưng thực tế chứng kiến đã khiến ông Loo thay đổi: "Nghề y không phải là trò chơi. Không phải bạn đến giảng đường nghe giảng bài chỉ để vượt qua các kỳ thi, mà những gì bạn biết có thể cứu sống sinh mạng của con người".

Tháng 8/2020, bác sĩ Loo Choon Yong, đồng sáng lập và là chủ tịch điều hành tập đoàn Y tế Raffles Medical đã được Forbes vinh danh là một trong 50 người giàu nhất Singapore với khối tài sản ròng đạt 610 triệu đô la Mỹ.

Sau một năm "bơi lội" làm ăn trong mùa dịch, theo cập nhật mới nhất cho đến thời điểm ngày 8/8/2021, trên bảng xếp hạng chỉ số tỷ phú của Bloomberg (Bloomberg Billionaires Index), giá trị tài sản của Loo Choon Yong đã vượt mốc một tỷ USD nhờ lợi nhuận ròng của tập đoàn cung cấp dịch vụ y tế Raffles Medical tăng hơn gấp đôi trong nửa đầu năm nay. Cổ phiếu cũng tăng 104% so với tháng 3/2020.

Vị bác sĩ thành tỷ phú nhờ Covid: Nghề y từng là lựa chọn đau đớn - Ảnh 1.

Bác sĩ Loo Choon Yong trở thành tỷ phú nhờ hoạt động kinh doanh tiến triển tốt trong mùa dịch Covid-19 (Ảnh: Straits Times)


Vị bác sỹ tỷ phú 72 tuổi đang sở hữu khoảng 52% cổ phần trong tập đoàn có hơn 100 phòng khám khắp nơi cùng bệnh viện Raffles nổi tiếng, thu hút hàng triệu lượt đến Singapore thăm khám và chữa bệnh hàng năm.

Tại Việt Nam, bởi nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ngày càng cao cùng những yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng dịch vụ của nhóm khách hàng có mức thu nhập từ trung bình cao trở lên, hàng loạt các hệ thống phòng khám theo tiêu chuẩn quốc tế, được đầu tư 100% vốn nước ngoại đã và đang "ồ ạt" đổ bộ vào các thành phố lớn tại Việt Nam, trong đó có Raffles Medical.

Tập đoàn Raffles Medical đánh dấu sự tham gia của mình thông qua việc tiếp quản ba phòng khám đa khoa tại TP.HCM, Hà Nội và Vũng Tàu vào năm 2015. Đến năm 2017, hệ thống phòng khám Raffles Medical chính thức được thành lập nhằm cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao được thừa hưởng từ tập đoàn "mẹ" là Raffles Medical tại Singapore.

Vị bác sĩ thành tỷ phú nhờ Covid: Nghề y từng là lựa chọn đau đớn - Ảnh 2.

Tại Việt Nam, Raffles Medical có hệ thống bệnh viện và phòng khám tại TP. HCM, Hà Nội và Vũng Tàu (Ảnh: vietnam-lifestyle)


GIEN KINH DOANH TỪ LÚC 6 TUỔI!

Ông Loo có một tuổi thơ khá chật vật khi cả gia đình gồm bố mẹ và 6 anh chị em phải sống chen chúc trong một căn phòng chật chội ở khu phố lao động nghèo.

Phần lớn thu nhập để duy trì cuộc sống của gia đình hàng ngày đều chủ yếu dựa vào lương của một công chức ngân hàng mà bố ông đang đảm trách. Ngoài ra, bố ông còn kiêm công việc làm thêm khác bằng nghề giáo viên dạy tiếng Anh vào buổi tối và cuối tuần để kiếm thêm tiền trang trải cho nhu cầu chi tiêu của một gia đình đông con.

"Căn phòng nhỏ đến nỗi tôi phải ngủ trên chiếc thảm trải ở góc phòng. Rồi sau đó cả nhà chuyển đến ở tạm trong một kho hàng mà chủ đang tạm để trống không sử dụng", ông Loo kể lại trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí.

"Tối tăm ẩm thấp, bức bí vì cửa đóng kín suốt ngày mà không có điều hòa. Cả mấy chục con người sử dụng chung một nhà vệ sinh. Đó là cách mà tôi đã lớn lên".

Người thân của bác sĩ Loo kể lại rằng, ông có khiếu kinh doanh khi chỉ mới là một cậu bé 6 tuổi. Lúc ấy, mẹ của ông có một tiệm bánh kẹo nhỏ ngay trong trường tiểu học nơi cậu con trai của mình đang theo học. Nhờ thế, cậu bé Loo nghiễm nhiên đảm trách chân "trợ lý kinh doanh" cho mẹ mình.

Để có thể kiếm được vài đô la mỗi ngày, cậu bé Loo đã bắt xe buýt lặn lội đến khu phố sầm uất Rochor Road nơi tập trung nhiều tiệm đồ ngọt bán sỉ lớn để chọn những loại bánh kẹo mà đám bạn bè trong trường thích rồi mua về để mẹ mình bán.

"Tôi còn chịu khó làm nước giải khát để bán mỗi ngày nữa. Tôi mua đá cục, đường, một ít trái cây tươi rồi tự chế biến thành món cocktail đá bào mang bán cho tụi bạn cùng trường với giá 5 cent/cốc (khoảng 2000 đồng)", ông Loo hồi tưởng về giai đoạn "tuổi thơ dữ dội" của mình trong dịp được vinh danh là Doanh nhân của Năm tại Singapore vào tháng 5/2010.

Và khi mẹ phải ở nhà sinh con, cậu bé là con thứ 3 trong gia đình có 6 anh chị em này được chính thức tiếp quản công việc kinh doanh tại tiệm bánh kẹo của mẹ mình.

"Lúc ấy tôi được 8 tuổi, và trong khi tụi bạn vẫn phải xin gia đình vài đồng để ăn quà vặt mỗi ngày thì tôi đã được mẹ tôi bổ nhiệm làm ‘Quyền giám đốc điều hành’ tiệm bánh kẹo của mẹ trong trường", ông Loo kể lại cùng tràng cười vui vẻ.

NGHỀ BÁC SỸ - "MỘT QUYẾT ĐỊNH KHIẾN TÔI ĐAU ĐỚN"

Ngay khi đang học trung học phổ thông ở Raffles Institution, một ngôi trường tư thục lâu đời dành riêng cho nam sinh, ông Loo đặc biệt yêu thích và có kết quả nổi trội ở các môn vật lý và toán.

Vị bác sĩ thành tỷ phú nhờ Covid: Nghề y từng là lựa chọn đau đớn - Ảnh 3.

Bác sĩ Loo (trái) và người bạn đồng môn Loh (phải) tại buổi lễ tốt nghiệp trường y thuộc Đại học quốc gia Singapore năm 1973. (Ảnh:Raffles Medical Group)


Trong thời gian chuẩn bị hồ sơ vào đại học, khi bố ông hỏi xem cậu con trai định thi vào ngành nào thì trong đầu ông hiện lên hình ảnh của một nhà khoa học nguyên tử như là ước mơ từ thời thơ ấu của mình.

"Sao con không chọn khối ngành Y-Dược?", bố ông gợi ý. "Con sẽ kiếm được nhiều tiền để phụ bố mẹ lo cho các em".

Với những đứa trẻ đang lớn nhanh như thổi và ham học, người bố biết rằng bản thân sẽ không thể lo chu toàn mọi thứ trong gia đình bằng các khoản thu nhập khiêm tốn của mình. Và thế là ông Loo đành gạt đi kế hoạch được theo đuổi đam mê làm khoa học của mình, "cua gấp" sang con đường trở thành bác sĩ để thực hiện "sứ mệnh" mà bố mình gửi gắm.

"Quả thật là một quyết định khiến tôi đau đớn bởi tôi phải từ bỏ môn toán yêu thích của mình", ông Loo chia sẻ.

Thế nhưng, những thực tế được chứng kiến từ ngành học vốn từng phải miễn cưỡng theo đuổi đã làm thay đổi suy nghĩ của ông. Buổi thực hành đầu tiên tại bệnh viện đa khoa Singapore với những trường hợp bệnh nhân bị tai nạn kinh hoàng khiến chàng sinh viên 23 tuổi choáng váng.

"Đó là lúc mà tôi nhận ra rằng, nghề này không phải là trò chơi. Không phải bạn đến giảng đường nghe giảng bài chỉ để vượt qua các kỳ thi, mà là những gì bạn biết có thể giúp cứu sống sinh mạng của con người", vị bác sĩ đa khoa hồi tưởng. "Và cũng từ đó, ngành Y trở thành một phần của cuộc đời sinh viên mà tôi quyết tâm theo đuổi một cách nghiêm túc".

Kể từ đó, ông Loo không còn cảm giác hối hận với quyết định của mình để trở thành bác sĩ bởi ông nhận ra rằng, trách nhiệm và niềm tin chính là những giá trị mà bản thân ông luôn tâm niệm hướng tới, và ngành Y là nơi mà con người của ông có thể tìm đến để là được là chính mình.

"Khi bạn được bệnh nhân trao gửi niềm tin, bạn cần phải có thái độ trách nhiệm cao nhất để giúp họ trở nên khỏe hơn mỗi ngày. Và kể cả khi không thể làm gì thêm được thì ít nhất bạn cũng nắm lấy tay họ để nói những lời an ủi", ông Loo bày tỏ quan điểm về nghề chữa bệnh cứu người mà mình đang theo đuổi ngay từ khi đang là sinh viên ngành Dược và Ngoại khoa tại Đại học quốc gia Singapore, sau đó chuyển tiếp sang học ngành Tim mạch và Luật tại Đại học London (nước Anh).

"HÃY CHĂM SÓC BỆNH NHÂN THẬT TỐT, TỰ KHẮC VIỆC KINH DOANH SẼ TỐT"

Tập đoàn y tế tư nhân Raffles Medical vốn được khởi đầu bằng 2 phòng khám nhỏ do ông Loo cùng người bạn đồng môn là bác sĩ Alfred Loh mở ra ở Singapore từ năm 1976.

Vị bác sĩ thành tỷ phú nhờ Covid: Nghề y từng là lựa chọn đau đớn - Ảnh 4.

Từ 2 người bạn đồng môn, họ trở thành đồng nghiệp của nhau trên cương vị đồng sáng lập tập đoàn Raffle Medical. Ảnh chụp năm 1995 nhân dịp khai trương Trung tâm Phẩu thuật Raffles tại Singapore năm 1995. (Ảnh: Raffles Medical Group)

Động cơ khiến 2 bác sĩ trẻ này quyết định khởi nghiệp bằng cách mở dịch vụ khám bệnh tư nhân chỉ đơn giản là: họ nhận ra hệ thống y tế công cộng của đảo quốc sư tử thời bấy giờ hoạt động quan liêu, không hiệu quả cũng như không đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

"Khi bắt đầu mở phòng khám, chúng tôi chỉ quan niệm một cách đơn giản rằng, hãy chăm sóc bệnh nhân thật tốt, tự khắc việc kinh doanh sẽ tốt lên theo", bác sĩ Loo nói.

Với triết lý "lấy bệnh nhân làm trung tâm" cùng phương thức kinh doanh đậm chất "thị trường" này, công việc làm ăn của ông Loo và ông Loh lên nhanh như diều gặp gió.

Từ chỉ 2 phòng mạch khiêm tốn ban đầu vào năm 1976, hàng loạt các phòng mạch khác được mở ra. Tiếng lành đồn xa, những y bác sĩ và kỹ thuật viên giỏi cũng lũ lượt kéo đến đầu quân cho Raffles Medical. Trung tâm phẫu thuật ngoại trú đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á được mở ra ở Đại lộ Clemenceau vào năm 1993. Đến năm 1996, họ đã có trong tay 30 chi nhánh mang tên Raffles Medical hiện diện trên phạm vi cả nước.

Cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á năm 1997 đã nhấn chìm hàng loạt doanh nghiệp ở khu vực này khiến Raffles Medical cũng bị rơi vào vòng xoáy của nợ nần và các vấn đề quản lý cũng như sự bế tắc trong đường hướng kinh doanh.

Và thế là vị thuyền trưởng này đã quyết định phải làm "một cuộc cách mạng" để giải cứu chính mình bằng cách đầu tư một bệnh viện quy mô lớn mang tên Raffles Hospital được xây dựng trên khuôn viên gần 7.000 m2, 13 tầng với 312 giường bệnh đạt tiêu chuẩn và chất lượng phục vụ cao cấp.

Vị bác sĩ thành tỷ phú nhờ Covid: Nghề y từng là lựa chọn đau đớn - Ảnh 5.

Bác sĩ Loo trong một lần xuất hiện trước công chúng năm 1997 (Ảnh: Raffles Medical Group)


Năm 2011, sau 35 năm hoạt động, doanh nghiệp chuyên kinh doanh dịch vụ y tế mang tên trường trung học mà ông Loo theo học thời niên thiếu đã có được con số lợi nhuận ròng ở mức khủng là 57.2 triệu đô la Mỹ với tổng cộng 76 phòng khám tại Singapore và 04 trung tâm y tế ở Hong Kong và Thượng Hải.

Khi đại dịch Covid-19 tấn công loài người vào đầu năm 2020, tập đoàn y tế Raffles Medical, lúc này đang sở hữu hơn 60 phòng khám cùng một bệnh viện đa khoa quy mô lớn tại đảo quốc sư tử, đã ngay lập tức có các hành động kịp thời.

Raffles Medical đã thiết lập và vận hành 15 trung tâm phục vụ công tác tiêm chủng vắc-xin trên khắp đất nước Singapore. Bên cạnh đó, tập đoàn này còn hỗ trợ chính phủ kiểm tra sàng lọc ở sân bay, cung cấp dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại các ga tàu điện ngầm... Đây là một minh chứng rõ nét cho khả năng thích nghi và xoay sở cũng như trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trong những giai đoạn nhiều khó khăn như đại dịch Covid-19 đang diễn ra.

"Khi đất nước đang phải đối mặt với những thách thức như thế này, chúng tôi không thể khoanh tay ngồi yên được", bác sĩ Loo chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn. "Mặc dù Raffles Medical là một doanh nghiệp tư nhân, nhưng chúng tôi cũng là một phần không thể tách rời của hệ thống y tế nước nhà".

Vị bác sĩ thành tỷ phú nhờ Covid: Nghề y từng là lựa chọn đau đớn - Ảnh 6.

Tập đoàn Raffles Medical là một trong những doanh nghiệp y tế tư nhân có đóng góp tích cực cho công cuộc phòng chống Covid-19 bằng cách vận hành 15 trung tâm tiêm phòng vắc-xin Covid-19 tại Singapore. (Ảnh: Straits Times)

Nhờ nỗ lực và sự sẵn sàng tham gia của các doanh nghiệp y tế tư nhân như Raffles Medical mà Singapore đã không ngừng tăng tốc độ tiêm vaccine Covid-19 với mục tiêu 80% dân số sẽ được tiêm chủng đầy đủ vào tháng 9/2021.


Theo Nguyễn Thuận

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên