Vì Covid-19, bạn tôi mất đi cơ nghiệp 10 năm chỉ sau một bài phát biểu dài 15 phút nhưng cách anh ấy vực dậy tinh thần sau đó mới đáng nể phục
Trong thời khắc khó khăn nhất, con người càng cần phải bình tĩnh để đương đầu với mọi chuyện.
- 27-03-2020Những người thích sống trầm lặng, đa số đều có thực lực rất cao...
- 27-03-2020Vô tình nghe được câu chuyện trong quán ăn, nhà sư cự tuyệt lời nhờ cậy của 1 thanh niên và hồi kết đáng ngẫm
- 27-03-20203 thói quen để sống đẹp như nhà triết học Aristoteles: Ngoài duy trì sự can đảm, lạc quan, còn cần điều quan trọng này nữa
Trong thời điểm hoang mang như hiện nay, tôi đã quyết định hỏi thăm từng người quen của mình qua điện thoại suốt những ngày qua. Lý do tôi thực hiện điều này là vì muốn đảm bảo tất cả mọi người đều ổn.
Tôi đã hy vọng rằng tất cả mọi người trong danh bạ đều đang ở nhà nghỉ ngơi bên cạnh gia đình trong những cách ly này. Thế nhưng, mọi chuyện đã rẽ sang hướng khác khi tôi gọi cho một người bạn lâu năm.
Chúng tôi đã gặp nhau trên mạng xã hội khi tôi còn là thiếu niên. Không có anh ấy, tôi sẽ không thể theo đuổi sự nghiệp âm nhạc như hiện giờ. Anh là người đầu tiên khiến tôi tin rằng những nỗ lực sáng tạo của mình sẽ được đền đáp. Đây chính là động lực để tôi tiếp tục sáng tác tới tận hôm nay.
Suốt 10 năm qua, anh đã tự mình xây dựng nên một doanh nghiệp lớn trong ngành khách sạn với rất nhiều nhân viên. Anh đã biến đam mê về ẩm thực, giải trí, âm nhạc và dịch vụ khách hàng của mình thành một cơ nghiệp không ngừng phát triển. Điều khiến tôi yêu mến người đàn ông này hơn cả là anh luôn luôn khiêm tốn và quan tâm tới những người làm việc cùng, như thể họ là ruột thịt của mình.
Cuộc hội thoại của chúng tôi bắt đầu thế này:
“Anh dạo này sao rồi?”
“Cả tuần nay anh đã khóc đủ cho một đời rồi. Cả cơ nghiệp của anh mất rồi, chỉ sau một bài phát biểu dài 15 phút.”
Giây phút đó quả thực rất kỳ lạ. Tôi không nghĩ mình sẽ được nghe về ảnh hưởng của Covid-19 lên chuyện kinh doanh sớm như vậy. Bài phát biểu mà bạn tôi đang đề cập đến là của Thủ tướng Australia. Nó rất ngắn gọn và súc tích - chỉ đơn là một lệnh cấm tụ tập đông người. Ông ấy khuyến khích tất cả mọi người hãy ở trong nhà.
Đây là một biện pháp quan trọng, nhưng đối với ngành khách sạn, nó chẳng khác nào một đòn giáng nặng nề. Tất cả các quán bar, câu lạc bộ và nhà hàng chỉ còn 2 lựa chọn: bất chấp lệnh cấm và trả tiền thuê, hoặc trả lại tất cả các mặt bằng và không chịu sự ràng buộc nào với chủ nhà nữa.
Đa số người trong ngành công nghiệp đều lựa chọn cách thứ hai. Điều đó có nghĩa là mọi hoạt động kinh doanh đều bị ngưng lại, chấp nhận tình hình tài chính xuống dốc.
Khi nghe những lời cuối cùng trong bài phát biểu đó, bạn tôi biết số phận anh ấy đã được định đoạt. Chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ tiếp theo, điện thoại anh nháy liên tục và hộp thư thì đầy ắp. Mọi khách hàng của anh đã hủy hợp đồng và ngừng việc kinh doanh. Không có một nơi nào tiếp tục mở cửa. Hầu hết các khách hàng của anh đều trong tình trạng sợ hãi và hoảng loạn. Đến cuối ngày, toàn bộ cơ nghiệp mà anh xây dựng bấy lâu nay đều tan biến vào hư không. Anh không còn lựa chọn nào khác ngoài cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc.
Thế nhưng, đây không phải là câu chuyện buồn. Cách anh ấy đối mặt với bước ngoặt đầy nghiệt ngã này lại là điều khiến tôi ngạc nhiên nhất.
Khi tôi hỏi anh sẽ giải quyết tình hình ra sao, anh đưa tôi một danh sách những chiến lược có thể giúp bạn vượt qua thời điểm khó khăn này.
Đi bộ
Đi bộ mỗi ngày giúp tâm trí anh được thông suốt. Vẫn tuân thủ chặt chẽ lệnh cách ly xã hội, anh ấy tìm thấy bình yên trong bằng cách đi bộ đường dài.
Giống như người bạn của tôi, bạn có thể sống ở ngoại ô trong suốt 10 năm nhưng chưa từng đi bộ xung quanh khu phố mình ở.
Bạn tôi dùng cơ hội này để thay đổi điều đó. Ngày nào anh cũng đi bộ xung quanh khu dân cư và bắt đầu chú ý đến những thay đổi dù là nhỏ nhất. Tại sao những con vịt lại chạy? Tại sao hồ nước kia lại có sóng nước dập dềnh? Công viên trông sẽ ra sao khi vắng bóng người?
Làm vườn
Tôi chẳng thể ngờ được rằng bạn mình lại tìm thấy sự an ủi bên trong khu vườn. Anh ấy trồng những giống cây hoa mới với hy vọng nó sẽ lớn lên, cũng như nỗi đau đớn vì thất bại trong lòng anh cũng sẽ dần nguôi bớt.
Khu vườn là nơi chúng ta có thể chứng kiến sự sống được tái sinh, khi mà cuộc sống con người đã mất đi sự vui vẻ vốn có vì một chủng virus mới. Thiên nhiên sẽ chữa lành tâm hồn và xóa bỏ những vết thương từ việc kinh doanh.
Nghĩ về những người đang gặp khó khăn ngoài kia
Bất cứ khi nào anh ấy cảm thấy có lỗi với bản thân, ý nghĩ về những nhân viên đang gặp khó khăn ngoài kia lại an ủi anh phần nào.
Tất cả các nhân viên mà anh cho nghỉ việc đều được hưởng 2 tuần lương. Ở Australia, nhân viên ngành khách sạn không có mọi cơ chế bảo hộ như các ngành khác. Hôm nay bạn có thể rất ổn, đủ tiền để trả nợ từ thời sinh viên, nhưng sau một đêm, bạn có thể trở thành kẻ không xu dính túi, đến hóa đơn tiền điện cũng phải chật vật trả.
Dịch bệnh có thể khiến anh khốn khổ đôi chút nhưng nỗi đau ấy không thể nào lớn bằng những nhân viên đang phải gồng mình để mưu sinh từng bữa ngoài kia.
Tập trung suy nghĩ của mình vào những khó khăn của người khác sẽ giúp bạn gắng gượng và giải tỏa được những suy nghĩ ích kỷ của bản thân.
Giữ bình tĩnh
Bạn tôi nói đi nói lại rằng bí quyết khiến anh ấy không đánh mất bản thân trong thời khắc khó khăn này là giữ bình tĩnh.
Điều này đồng nghĩa với việc anh ấy loại bỏ tất cả những gì khiến bản thân phiền muộn ra khỏi cuộc sống. Anh ấy đọc đọc tin ít hơn và dành nhiều thời gian nhiều nhất có thể bên hai cô con gái bé bỏng của mình.
Thật khó để anh tức giận với cuộc đời, khi mà xung quanh anh là hai cô con gái đáng yêu đang cần anh chăm sóc. Nụ cười của chúng chính là xoa dịu tâm hồn anh.
Hãy giúp người khác cảm thấy ổn hơn lúc bạn tìm thấy họ
Sau khi nói lời tạm biệt, tôi kết thúc cuộc gọi với một vài suy nghĩ:
- Bạn sẽ quay lại khi cảm thấy sẵn sàng
- Hãy nghỉ ngơi
- Các mối quan hệ sẽ không mất đi
- Mọi người sẽ ghi nhớ cách bạn đối xử với họ
- Một sự cố tồi tệ có thể là khởi đầu cho những ý tưởng kinh doanh mới
Chúng tôi đã giữ liên lạc trong suốt những năm qua vì tôi luôn hứng thú với cách anh ấy đối mặt với cuộc đời.
Anh ấy luôn khiến cho bạn cảm thấy thoải mái hơn lúc anh ấy tìm thấy bạn.
Anh ấy sẽ khiến bạn cười.
Anh ấy sẽ nói với bạn về vẻ đẹp của cuộc sống.
Anh ấy cực kỳ trung thành.
Anh ấy xây dựng những mối quan hệ giữa con người với con người, không phải những mối quan hệ làm ăn.
Và điều tôi yêu thích nhất: Anh ấy gọi bạn không vì lý do gì cả.
Mọi người đều thích làm việc cùng anh và anh luôn sống theo đúng nguyên tắc: Điều đúng đắn là luôn luôn làm điều đúng đắn.
***
Nhìn cách anh ấy đối mặt với đại dịch và thất bại trong kinh doanh này, điều khiến tôi thích thú nhất là anh ấy không để chúng đánh bại mình. Trái tim và tâm hồn anh đều xoay quanh sự cố này; anh cũng không hề ngại khi thừa nhận mình đã khóc rất nhiều. Đó là cách mà một người đàn ông thực sự sẽ đối mặt.
Bạn có thể nỗ lực rất nhiều nhưng vẫn thất bại một ngày nào đấy. Đó chính là sự may rủi của trò chơi kinh doanh.
Vấn đề không phải là bạn mất thứ gì, mà là bạn trở thành con người như thế nào trong khoảnh khắc khó khăn và đầy hoang mang ấy.
Bài chia sẻ của Tom Dennings - blogger người Australia, hiện đang viết bài cho CNBC và Business Insider.
(Theo Medium)