Vị cựu CEO này đã từng khiến giá cổ phiếu P&G tăng 70% sau chưa đầy 2 năm: Một người thành công hay không chính là nhờ phẩm chất sau đây
Tuy nhiên, điều giúp họ thành công trong vai trò là một cá thể riêng biệt không đủ để đảm bảo rằng họ cũng sẽ thành công với vai trò là nhà lãnh đạo.
Khi A.G Lafley trở thành Giám đốc điều hành của P&G năm 2000, ông đã từng làm việc cho một CEO tiêu cực, bi quan và thiếu khiêm tốn. Dưới thời người lãnh đạo trước, công ty đã mất 320 triệu USD chỉ trong một quý. Một nửa số thương hiệu đã bị mất thị phần và công ty đang phải đấu tranh với những vấn đề tinh thần. Khi thay vị trí này, Lafley đã thổi một luồng gió mới vào công ty. Thay vì mắng mỏ mọi người, ông yêu cầu họ trình bày những vấn đề mà họ sợ phải công khai và giải quyết chúng trong phòng hội nghị. Lafley lạc quan bình tĩnh hỏi ý kiến và ý tưởng của mọi người, xem xét và sẽ áp dụng vào thực tế những ý tưởng ông cho là tốt nhất. Điều này sẽ giúp mọi người sẽ phản ứng tích cực hơn với sự tôn trọng hơn là khi cảm thấy bị thuyết giảng.
Kết quả: Sau khi thực hiện các đề xuất của nhân viên, số lượng nhân viên đồng ý với tuyên bố "Chúng tôi đang theo sát và góp phần vào kết quả kinh doanh" tăng từ 18% lên 49% trong vòng 12 tháng. Chỉ chưa đầy 2 năm sau khi Lafley trở thành CEO, giá cổ phiếu tăng 70%!
Vậy phẩm chất nào giúp Lafley trở thành lãnh đạo thành công đến vậy?
Trí thông minh xã hội là nhận thức được động lực của riêng mình cũng như cảm xúc của người khác, biết điều chỉnh hành vi cho phù hợp với từng tình huống xã hội khác nhau, và biết làm người khác chú ý.
Thường người ta sẽ được bầu làm lãnh đạo khi những đóng góp cá nhân của họ mang đến sự thành công. Tuy nhiên, điều giúp họ thành công trong vai trò là một cá thể riêng biệt không đủ để đảm bảo rằng họ cũng sẽ thành công với vai trò là nhà lãnh đạo. Trí thông minh xã hội là một trong những tính cách quan trọng nhất quyết định mạnh mẽ đến sự thành công của một nhà lãnh đạo, bởi vì bản chất của lãnh đạo là tính xã hội. Các nhà lãnh đạo phải thúc đẩy mọi người nỗ lực hết sức và điều chỉnh các hành vi cho phù hợp với mục tiêu của tổ chức khi nhà lãnh đạo giao tiếp với người khác.
Tế bào thần kinh phản chiếu cho phép chúng ta cảm nhận được cảm xúc của người khác, trạng thái này được gọi là "sự thấu cảm lẫn nhau". Sự tồn tại của tế bào thần kinh phản chiếu cũng có nghĩa là cảm xúc của chúng ta thực sự rất dễ bị ảnh hưởng. Cảm xúc của những người xung quanh sẽ ảnh hưởng đến chính chúng ta, theo hướng tích cực hoặc tiêu cực.
Chính vì điều đó, các nhà lãnh đạo nên nhạy cảm với cảm xúc của người khác. Người ta sẽ cảm thấy được kết nối và tin tưởng người lãnh đạo khi họ biết thấu hiểu cảm xúc của họ. Các nhà lãnh đạo cần chủ động điều khiển cảm xúc của mình bởi vì cảm xúc rất dễ lây lan. Nhà lãnh đạo cần phải lạc quan, tự tin, thân thiện và dễ gần.
Nhà lãnh đạo giỏi sẽ biết cách hoà nhập. Khi người khác cảm thấy lạc lõng, nó được gọi là "nỗi đau xã hội", tức là cảm giác bị cho ra rìa đã kích hoạt phần não bộ của con người. Người cảm nhận họ lạc lõng sẽ rút khỏi một đội nhóm hay có những hành động phá hoại chúng. Trong khi đó, những người cảm thấy được hoà nhập sẽ trải qua những cảm xúc tích cực, và chúng tiếp thêm năng lượng cho họ.
Một nhà lãnh đạo có trí thông minh xã hội sẽ tránh được những hành vi mang lại cảm xúc tiêu cực cho người khác. Những hành vi mang lại cảm xúc tiêu cực cho người khác bao gồm: phải chiến thắng bằng mọi giá, đưa ra quan điểm của mình mọi cuộc họp, luôn chứng tỏ cho người khác thấy họ thông minh, mỉa mai hoặc dìm người khác.
Vậy làm sao để phát triển trí thông minh xã hội trong tập thể
Nhanh chóng kết nối với người mới. Nếu bạn gặp ai đó lần đầu tiên, thì hãy học thói quen nhắc tên của họ vài lần trong cuộc trò chuyện để bạn nhớ tên họ. Một cách khác để nhớ tên là nghĩ đến người mà bạn biết có cùng tên với người đó. Khi những sở thích và kinh nghiệm chung giữa mọi người được khám phá thì sự kết nối giữa họ cũng được phát triển. Để làm được điều này, hãy đặt câu hỏi: "Sở thích của bạn là gì?"
Tập lắng nghe chủ động. Nghe kỹ và tham gia vào cuộc trò chuyện. Khi bạn nói chuyện với người khác, hãy nhớ tương tác bằng mắt và không làm những hành động phân tâm như đảo mắt, mơ mộng hoặc kiểm tra email, điện thoại. Trong suốt cuộc trò chuyện, hãy để tâm xem người ta nói gì, chủ động đặt câu hỏi và viết xuống những vấn đề mà bạn cần nhớ.
Đừng che giấu sự đồng cảm. Đồng cảm là sức mạnh của giao tiếp. Nếu một cá nhân phản hồi bằng cách thể hiện cảm xúc, thì điều đó thật đáng trân trọng, hãy cho phép bản thân mình bộc lộ cảm xúc thay vì cứ phải kìm nén nó. Ví dụ, nếu một cá nhân thể hiện sự nhiệt tình, hãy cố gắng cảm nhận nó. Nếu một ai đó đang buồn, hãy cùng buồn với họ. Nếu bạn cảm nhận được nỗi đau của người khác thường sẽ giúp họ giảm bớt nỗi đau ấy và cảm thấy tốt hơn.
Tìm kiếm cơ hội để khích lệ và giúp đỡ người khác. Khi bạn khích lệ người khác và giúp đỡ họ, đó là lúc bạn kết nối với họ. Khi ai đó làm việc tốt, hãy nói trực tiếp với họ rằng bạn đánh giá rất cao năng lực của họ. Hãy học thói quen khen ngợi và giúp đỡ người khác, và nhớ giữ lời hứa.
Khi bạn cảm thấy sợ hãi hoặc tức giận, hãy dành thời gian để bình tĩnh và nhìn nhận lại. Sợ hãi và tức giận khiến bạn muốn gây chiến với người khác, lúc đó cảm xúc của bạn cao hơn lý trí. Khi bạn cảm thấy sợ hãi hay tức giận, hãy dùng lại mọi chuyện để hít thở thật sâu và đếm tới 10, lúc đó, bạn có thời gian để thư giãn và suy ngẫm trước khi hành động. Nếu như bạn còn tiếp tục thấy sợ hãi, hãy để cho bản thân hoặc sự việc được lắng xuống. Khi phản hồi, đừng làm mọi việc thêm căng thẳng, ưu tiên dùng chủ ngữ "tôi" hơn là "bạn". Ví dụ, bạn nên nói là "Tôi rất buồn vì bạn đã không giúp tôi làm những công việc ngoài giờ." thay vì nói "Bạn chẳng bao giờ giúp tôi làm những công việc ngoài giờ."
Nghĩ tốt về người khác. Khi ai đó nói hoặc làm điều gì ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ với bạn, hãy nghĩ rằng người đó không có ý làm hại bạn hay không phải là không có thiện chí. Tha thứ và thương xót (tức là chấp nhận những thiếu sót của người khác, cho họ cơ hội thứ 2, và không báo thù) cũng là những điểm mạnh!
Làm gương và huấn luyện đồng đội của bạn. Để phát triển trí thông minh xã hội của những người bạn lãnh đạo, bạn phải làm gương, do đó, họ có thể quan sát và mô phỏng những gì bạn làm. Một vài người có thể muốn bạn huấn luyện. Nếu bạn cảm thấy ai đó không có trí thông minh xã hội (tức là ngắt kết nối với người khác), hãy dành thời gian để nói chuyện riêng với họ. Khi đó, hãy chắc chắn rằng bạn khen ngợi họ trước rồi sau đó mới nói với họ mối quan tâm của bạn "Tôi tin là bạn sẽ làm tốt hơn nếu …..". Khi bạn đưa ra một phản hồi mang tính xây dựng, hãy cố gắng nhẹ nhàng và tử tế, có tông giọng phù hợp để người khác không phải rơi vào thế phòng thủ.
Trí thức trẻ