MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người phụ nữ "ban phép màu" cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn: Làm mẹ đơn thân, nuôi con bệnh tật vẫn kiên trì nghiên cứu trong phòng lab mỗi ngày

10-03-2020 - 11:10 AM | Sống

Trong hầu hết các giai thoại về phát minh khoa học, nhà nghiên cứu luôn làm việc tới đêm muộn, một mình trong phòng lab. Đột nhiên, giây phút thiên tài lóe sáng: một quả táo rơi vào đầu, một tia sét đánh vào chiếc chìa khóa, một đĩa Petri bị nhiễm bẩn, và thế là một phát hiện mới ra đời.

Tuy nhiên, câu chuyện của Miriam Menkin lại hơi khác. Vào một thứ Ba của tháng 2/1944, kỹ thuật viên phòng lab 43 tuổi này đã thức cả đêm để dỗ đứa con mới mọc răng của mình. Sáng hôm sau, bà lại tới phòng lab, giống như bao ngày trong 6 năm vừa qua. Thứ Tư thường là ngày bà cho trứng và tinh trùng mới vào trong một chiếc đĩa thủy tinh chuyên dụng và hy vọng chúng sẽ tạo thành phôi.

Là kỹ thuật viên cho chuyên gia về sinh sản tại ĐH Harvard - John Rock, Menkin có một mục tiêu duy nhất: thụ tinh cho trứng bên ngoài cơ thể người. Đây là bước đầu tiên trong kế hoạch của Rock nhằm chữa bệnh hiếm muộn - căn bệnh còn là bí ẩn khoa học lúc bấy giờ. Ông muốn giúp đỡ những phụ nữ bị tắc vòi dẫn trứng dù buồng trứng khỏe mạnh - nguyên nhân gây ra 1/5 số ca vô sinh tại phòng khám của mình.

Thông thường, Menkin sẽ cho trứng và tinh trùng tiếp xúc trong khoảng 30 phút. Thế nhưng, lần này bà lại không làm vậy. 

“Tôi đã quá kiệt sức và buồn ngủ khi quan sát tinh trùng bơi xung quanh trứng qua kính hiển vi. Tôi quên không nhìn đồng hồ cho tới khi nhận ra rằng cả một tiếng đồng hồ đã trôi qua… Nói cách khác, tôi phải thừa nhận là sau gần 6 năm thất bại, thành công này đến từ một phút lơ đãng công việc, thay vì một ý tưởng thiên tài”, bà nói trong một cuộc phỏng vấn.

Người phụ nữ ban phép màu cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn: Làm mẹ đơn thân, nuôi con bệnh tật vẫn kiên trì nghiên cứu trong phòng lab mỗi ngày - Ảnh 1.

Năm 1944, trứng người lần đầu tiên được thụ tinh thành công ngoài cơ thể. (Ảnh: Center for the History of Medicine, Countway Library, Harvard University)

Sáng thứ Sáu, khi quay trở lại phòng lab, Menkin phát hiện ra điều kỳ diệu: các tế bào đã hợp nhất và đang phân chia. Đây chính là khoảnh khắc đầu tiên mà trứng người được thụ tinh trong đĩa thủy tinh. 

Thành tựu của Menkin đã mở ra một kỷ nguyên mới của công nghệ sinh sản, khi mà phụ nữ hiếm muộn có thể mang thai bằng cách thụ tinh ngoài cơ thể. Năm 1978, thế giới chào đón đứa trẻ đầu tiên được thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) - Louise Brown. 

Menkin nói về thành công của mình một cách khá khiêm tốn, nhưng sự thực thì điều này không hề tình cờ. Giống như mọi phát hiện vĩ đại khác, bà cũng mất nhiều năm nghiên cứu, hoàn thiện các kỹ thuật phức tạp và kiên nhẫn tiến hành thí nghiệm nhiều lần.

Thiên tài bị từ chối vào đại học chỉ vì là phụ nữ

Miriam Menkin (tên thời con gái là Friedman) sinh tại Riga, Latvia vào 8/8/1901. Khi còn bé, bà cùng gia đình di cư sang Mỹ - nơi cha bà kiếm sống bằng nghề bác sĩ - và có một tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc. Thường xuyên được nghe cha kể các câu chuyện về khoa học, bà nhanh chóng cảm thấy say mê lĩnh vực này.

Sự nghiệp khoa học của Menkin vốn rất rộng mở, bởi bà tốt nghiệp ĐH Cornell với hai tấm bằng lịch sử và giải phẫu so sánh vào năm 1922. Năm tiếp theo, người phụ nữ này lại hoàn thành bằng thạc sĩ về di truyền học tại ĐH Columbia rồi chuyển tới New York để dạy sinh học và sinh lý học.

Người phụ nữ ban phép màu cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn: Làm mẹ đơn thân, nuôi con bệnh tật vẫn kiên trì nghiên cứu trong phòng lab mỗi ngày - Ảnh 2.

Bệnh viện nơi Menkin đến lấy trứng mỗi ngày. (Ảnh: Center for the History of Medicine, Countway Library, Harvard University)

Thế nhưng, khi Menkin định nối nghiệp cha và đăng ký vào trường y, bà gặp phải thách thức đầu tiên: bị từ chối bởi hai trường y khoa hàng đầu cả nước. “Tôi không biết tại sao. Tôi nghĩ là do tính cách của mình”, bà nhớ lại. Trên thực tế, vấn đề nằm ở giới tính của bà. Vào thời bấy giờ, rất ít trường y uy tín chấp nhận phụ nữ vào học; nếu có chấp nhận, họ cũng sẽ đưa ra những yêu cầu hết sức khắt khe.

Chính vì thế, bà quyết định kết hôn với một sinh viên y khoa tại ĐH Harvard - Valy Menkin - và giúp đỡ ông trong quá trình nghiên cứu. Lợi dụng điều này, bà có cơ hội được tiếp cận với giới học thuật, tham gia các khóa về vi khuẩn học và phôi học, đồng thời hỗ trợ chồng thực hiện thí nghiệm trong phòng lab. 

Nhờ đó mà bà gặp được Gregory Pincus - một nhà sinh học từ ĐH Harvard. Ông nổi tiếng là “nhà khoa học Frankenstein” vì đã tạo ra “những chú thỏ không cha” bằng việc thụ tinh trên đĩa. Để thử trình độ của Menkin, ông yêu cầu bà trích xuất hai hormone quan trọng từ tuyến yên, sau đó tiêm vào tử cung của thỏ cái để chúng rụng thêm nhiều chúng. Menkin hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này, nhưng thời gian làm việc trong phòng lab của bà chẳng kéo dài được bao lâu. Bà mất việc khi Pincus quay trở về Anh do không được bổ nhiệm tại Harvard.

May thay, Menkin sau đó đã được nhận vào làm việc tại phòng lab của John Rock - người cùng Pincus có công phát minh ra thuốc tránh thai sau này. Là người thông minh, chỉn chu và kiên trì, người phụ nữ này phát huy tài năng của mình nhanh chóng như cá gặp nước.

Người phụ nữ ban phép màu cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn: Làm mẹ đơn thân, nuôi con bệnh tật vẫn kiên trì nghiên cứu trong phòng lab mỗi ngày - Ảnh 3.

Tiến sĩ John Rock (trái) và Miriam Menkin (phải).

Niềm vui bất ngờ sau 138 lần thí nghiệm thất bại

Cứ đúng 8h sáng thứ Ba hàng tuần, Menkin sẽ đứng chầu chực ở bên ngoài phòng phẫu thuật của một bệnh viện từ thiện chuyên chữa trị miễn phí cho phụ nữ tại bang Massachusetts. Nếu may mắn, Rock sẽ đưa cho bà một tế bào trứng tí hon mà ông xin được từ bệnh nhân. Sau đó, Menkin sẽ nhanh chóng vượt qua 4 tầng cầu thang để tới phòng thí nghiệm, tách lớp nang bên ngoài để tiếp cận tế bào trứng bên trong.

Kỹ thuật này không hề dễ dàng chút nào. Dù đây là tế bào lớn nhất trong cơ thể người, nó vẫn bé hơn cả một dấu chấm câu. Người bình thường phải cần tới kính lúp để nhìn rõ, nhưng Menkin có thể xác định tế bào này hỏng hay bình thường hoàn toàn bằng mắt thường. 

Tuần nào Menkin cũng lặp lại cùng một lịch làm việc: lấy trứng vào thứ Ba, thụ tinh cho trứng vào thứ Tư, cầu nguyện vào thứ Năm, quan sát bằng kính hiển vi vào thứ Sáu. Suốt 6 năm trời, cô đã nhìn vào lồng ấp hơn 138 lần với cùng một kết quả: trứng không thể thụ tinh và hàng loạt tinh trùng chết.

Vào ngày thứ Sáu định mệnh năm 1944 ấy, khi Menkin mở cửa lồng ấp, bà đã hét lên gọi Rock. “Thông thường, ông ấy đỡ đẻ trong một bệnh viện ở đầu kia thành phố”, người phụ nữ này nhớ lại. “Khi ông ấy nhìn thấy thứ trong chiếc đĩa thí nghiệm, khuôn mặt ông trở nên trắng bệch như ma”. 

Người phụ nữ ban phép màu cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn: Làm mẹ đơn thân, nuôi con bệnh tật vẫn kiên trì nghiên cứu trong phòng lab mỗi ngày - Ảnh 4.

Ngày nay, kỹ thuật IVF đã giúp nhiều gia đình hiếm muộn được thỏa mãn niềm mong mỏi có con.

Sau đó, mọi người đổ xô đến để quan sát “đứa trẻ bé nhất mà họ từng thấy”. Dù vậy, Menkin luôn giữ phôi thai trong tầm mắt của mình. “Tôi không dám để thứ báu vật quý giá ấy ra khỏi tầm mắt mình - đó là giấc mơ dang dở suốt 6 năm qua của tôi”, bà từng viết. Menkin làm việc liên tục trong nhiều giờ liền, một tay ăn sandwich, tay kia nhỏ từng giọt chất bảo quản vào đĩa thí nghiệm suốt đêm.

Tuy nhiên, phôi thai đầu tiên đó cuối cùng lại thất bại. Dù vậy, Menkin vẫn lặp lại kỳ tích của mình thêm 3 lần nữa. Những người phụ nữ hiếm muộn đã gửi hàng trăm bức thư mỗi ngày, hỏi Rock và Menkin rằng liệu khoa học có thể chữa trị cho họ không.

Sự nghiệp của Menkin nhẽ ra sẽ còn thăng tiến hơn nữa, nhưng Menkin không ngờ được rằng chồng mình sẽ mất việc. Là một người vợ và một người mẹ, bà buộc phải theo chồng tới ĐH Duke tại bang Bắc Carolina - nơi IVF bị phản đối dữ dội. 

Người phụ nữ ban phép màu cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn: Làm mẹ đơn thân, nuôi con bệnh tật vẫn kiên trì nghiên cứu trong phòng lab mỗi ngày - Ảnh 5.

Sự thành công của IVF trở thành tiêu đề nóng hổi trên toàn thế giới. (Ảnh: Getty Images)

Quyết tâm nghiên cứu dù làm mẹ đơn thân, con bị động kinh

Menkin không chịu đầu hàng trước nghịch cảnh. Bằng sự kiên trì của mình và một chút may mắn, bà đã nhanh chóng quay trở lại nghiên cứu về sinh sản.

Dù chồng làm ở chỗ nào, Menkin cũng tìm kiếm cơ hội cộng tác với các nhà khoa học ngành sản. Bà thậm chí còn nhờ Rock viết thư giới thiệu, nhưng đều bị từ chối thẳng thừng.

Năm 1945, bà viết thư cho Rock và nói rằng “mọi công việc nghiên cứu sinh sản ở đây đều không triển”. Vì thế, họ quyết định làm việc với nhau từ xa. Năm 1948, bộ đôi này đã công bố đầy đủ bài báo cáo về phương pháp IVF đầu tiên và Menkin được đề tên là tác giả chính.

Thế nhưng, Menkin lại phải đối mặt với một rào cản mới khi theo đuổi nghiên cứu IVF. Trong vòng nhiều năm, bà đã trì hoãn việc ly hôn với Valy - người giữ các món tiền tài trợ và đe dọa đánh bà trước mặt con cái - Lucy và Gabriel. “Tôi đã tin rằng điều này sẽ khiến con cái bị tổn thương, đặc biệt là Gabriel”, người phụ nữ ngậm ngùi cho biết.

Tuy nhiên, khi chồng Menkin ngày càng quá quắt, bà quyết định chấm dứt hoàn toàn cuộc hôn nhân đau khổ này. “Tôi không muốn tự tử bằng cách chậm rãi này”, bà viết. Vì thế, bà thuê luật sư, nộp đơn ly hôn và giành được quyền nuôi Lucy.

Người phụ nữ ban phép màu cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn: Làm mẹ đơn thân, nuôi con bệnh tật vẫn kiên trì nghiên cứu trong phòng lab mỗi ngày - Ảnh 6.

Miriam Menkin và cô con gái bị động kinh - Lucy. (Ảnh: Center for the History of Medicine, Countway Library, Harvard University)

Là mẹ đơn thân, Menkin phải chật vật tìm cách kiếm sống. Như thể bà chưa đủ gánh nặng trên vai, đứa con gái nhỏ Lucy vốn bị bệnh động kinh nay lại thường xuyên đau ốm và phải đi gặp bác sĩ. Nhiều nhà nghiên cứu đề nghị Menkin cộng tác không lương, nhưng vì miếng cơm manh áo, bà không thể nhận lời.

Đầu thập niên 50, Menkin quay trở lại Boston và gửi Lucy vào trường dành cho những đứa trẻ đặc biệt. Nhờ thế, bà có thể tiếp tục làm việc cùng Rock trong phòng thí nghiệm. Lúc này, vì Rock đang chuyển hướng nghiên cứu sang thuốc tránh thai, Menkin quyết định lùi về sau hỗ trợ ông, tham gia nghiên cứu và xuất bản báo cáo về các đề tài khác như ổn định kinh nguyệt của phụ nữ hoặc chữa trị chứng vô sinh tạm thời ở đàn ông.

Thật khó để biết rằng liệu Miriam Menkin sẽ như thế nào nếu cuộc đời bà rẽ lối sang một hướng khác - nếu bà không cưới Valy hay không nhận bằng tiến sĩ. Tuy nhiên, câu chuyện của bà đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người phụ nữ khác, dám đứng lên đấu tranh vì đam mê của chính mình. 

“Bà chính là một nhà khoa học, với tư duy, sự chính xác, niềm tin vào sự quan trọng của việc tuân thủ nguyên tắc của một nhà khoa học”, nhà sử học Margaret Marsh của Đh Rutgers nhận xét.

Và quả thực, Miriam Menkin là một nhà khoa học, không phải cái bóng của bất kỳ ai.

Theo BBC

Ngọc Hà

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên