Vì đâu ngân hàng đua nhau vay nóng Ngân hàng Nhà nước?
Trong 1 tháng qua, gần như toàn bộ lượng OMO mà NHNN chào thầu đều được các ngân hàng ôm trọn với lượng lớn thành viên tham gia.
- 27-11-2024Một ngân hàng vừa tăng mạnh lãi suất tiết kiệm sau 3 tháng 'nằm im'
- 20-11-2024Xuất hiện những tín hiệu đáng chú ý trên thị trường tiền tệ
- 15-11-2024NHNN tiếp tục tăng tỷ giá trung tâm, giá USD liên ngân hàng tiến gần ngưỡng can thiệp
Trong phiên giao dịch 26/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục chào thầu trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) với khối lượng 20.000 tỷ đồng, kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 4,0%. Kết quả, có 15/15 thành viên tham gia trúng thầu toàn bộ 20.000 tỷ đồng mà NHNN chào thầu.
Như vậy, trong 1 tháng qua, gần như toàn bộ lượng OMO mà NHNN chào thầu đều được các ngân hàng ôm trọn với số lượng lớn thành viên tham gia. Điều này cho thấy nhu cầu hỗ trợ thanh khoản của hệ thống ngân hàng là tương đối lớn.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng không còn mặn mà với kênh hút tiền qua tín phiếu của NHNN với khối lượng trúng thầu mỗi phiên chỉ vài trăm tỷ đồng, dù lãi suất đã tăng lên 4%/năm.
Trong bối cảnh các ngân hàng đẩy mạnh vay nóng và hạn chế mua tín phiếu của NHNN, tổng lượng OMO lưu hành trên kênh cầm cố đã tăng lên gần 78.000 tỷ đồng vào cuối phiên 26/11, trong khi lượng tín phiếu lưu hành giảm về còn 17.450 tỷ đồng. Tính chung, NHNN đang ở trạng thái bơm ròng gần 60.550 tỷ đồng cho hệ thống ngân hàng.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), điểm đáng lưu ý về hoạt động trên thị trường mở trong tháng 11 chính là số thành viên tham gia/trúng thầu ở kênh cho vay cầm cố luôn ở mức cao. Điều này cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng trên diện rộng.
Diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng phù hợp với nhận định này khi lãi suất cho vay qua đêm bình quân trong 20 ngày đầu của tháng ở mức 5,17%/năm, cao hơn 1,55 điểm % so với mức bình quân của tháng trước. Đồng thời, lãi suất cho vay bình quân các kỳ hạn dưới 1 tháng cũng tăng từ 1,03 -1,45 điểm %.
Tuy nhiên, mức thay đổi thấp hơn ở kỳ hạn 3 tháng (tăng bình quân khoảng 0,85 điểm % so với tháng trước) cho thấy tình trạng khó khăn về thanh khoản của hệ thống diễn ra trong ngắn hạn vào mùa cao điểm của tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm.
Trên thị trường 1, lãi suất huy động của các NHTM có sự điều chỉnh tăng mạnh hơn tháng trước, với thay đổi diễn ra nhiều hơn ở các kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng ở nhóm NHTM cổ phần thuộc nhóm 2 (chẳng hạn như VIB và Nam A Bank).
Ở nhóm NHTMCP Nhà nước, Agribank là ngân hàng đã tăng lãi suất liên tiếp trong 4 tháng trở lại đây, trở thành NHTMCP Nhà nước có lãi suất huy động cao nhất, lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng lần lượt là 2,4%/năm, 2,9%/năm, 3,6%/năm và 4,8%/năm. Tuy vậy, lãi suất huy động tại Agribank vẫn thấp hơn đáng kể so với mức lãi suất huy động bình quân của nhóm NHTMCP tư nhân.
"Áp lực tỷ giá tiếp tục tăng trong tháng 11/2024, tuy nhiên, theo quan sát của VDSC, NHNN không phải bán ngoại tệ như tháng trước, có thể do nhu cầu ngoại tệ không quá lớn. Vì vậy, lý do thanh khoản hệ thống trở nên eo hẹp trong tháng 11/2024 phần nhiều vẫn là do nhu cầu vốn trong giai đoạn cuối năm", nhóm phân tích đánh giá.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán MB (MBS) cũng cho biết lãi suất liên ngân hàng tăng cao đã phát tín hiệu về thiếu hụt thanh khoản. Theo MBS, việc NHNN phát hành tín phiếu và Kho bạc Nhà nước (KBNN) rút hơn 4,5 tỷ USD từ ba ngân hàng lớn trong quý III/2024 là yếu tố khiến áp lực thanh khoản tăng cao.
“Mặc dù NHNN có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ như bơm tiền qua kênh OMO, lãi suất qua đêm vẫn ở mức trên 5%, cho thấy áp lực đáng kể trong hệ thống”, MBS nhận định.
MBS cho rằng diễn biến này là một yếu tố góp phần thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản. Các chuyên viên phân tích của MB dự báo lãi suất đầu vào sẽ tăng nhẹ thêm 0,2 điểm % vào cuối năm nay.
Nhịp sống Thị trường