MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

1.000 tỷ đổi mới công nghệ: Ai làm thật, mời nộp hồ sơ!

Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia với nguồn vốn lên tới 1.000 tỷ đồng/năm vừa mới ra mắt. Liệu có dễ tiếp cận quỹ này?...

Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia với nguồn vốn lên tới 1.000 tỷ đồng/năm để hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, mới đây đã chính thức ra mắt.

Liệu doanh nghiệp có dễ dàng tiếp cận quỹ? Cơ chế kiểm soát quỹ thế nào để tránh xin – cho, đảm bảo quỹ hoạt động hiệu quả?...

Trả lời VnEconomy và báo giới, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nói:

- Doanh nghiệp có thể trông đợi vào quỹ này vì Việt Nam hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, doanh thu và lợi nhuận còn rất khiêm tốn, không có đủ năng lực để tự đầu tư và đổi mới công nghệ.

Ta đang vào nền kinh tế thị trường, mở cửa, dỡ bỏ hàng rào thuế quan, dỡ bỏ các rào cản thương mại, nếu doanh nghiệp không đổi mới công nghệ, không có sản phẩm mới, các sản phẩm không có sức cạnh tranh tiêu chuẩn quốc tế thì sẽ bị thua ngay trên sân nhà.

Vì thế Chính phủ phải hỗ trợ cho doanh nghiệp khẩn trương đổi mới công nghệ.

Tôi cho rằng, với những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, với sự hỗ trợ của chính phủ, có khi chỉ một vài tỉ đồng đã có thể giúp họ thay đổi công nghệ, tạo được sản phẩm mới. Chưa kể tác dụng gián tiếp của các đề tài nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, các trường đại học đã được nhà nước đầu tư trong rất nhiều năm qua với nguồn đầu tư tương đối lớn.

Quỹ này trước hết là nhằm vào các doanh nghiệp khoa học công nghệ, những doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp được thành lập từ kết quả nghiên cứu của các viện, các trường đại học và những doanh nhân có tinh thần khoa học, có bằng sáng chế, có kết quả nghiên cứu, có giải pháp hữu ích… và bây giờ họ đưa vào sản xuất kinh doanh.

Có hiệu quả thì hãy nộp hồ sơ

Thưa ông, với quỹ khoa học công nghệ quốc gia, nhiều doanh nghiệp cho biết nhìn thấy nguồn vốn nhưng tiếp cận thì không dễ, thủ tục hành chính phức tạp, vậy với quỹ đổi mới công nghệ quốc gia thì sao?

Quỹ hoàn toàn cởi mở và minh bạch. Doanh nghiệp có thể tham khảo trên website của quỹ và của Bộ hướng dẫn quy trình thủ tục và hồ sơ. Tất nhiên, quỹ dù lớn đến đâu thì cũng hữu hạn.

So với khoảng 500.000 doanh nghiệp Việt Nam thì nguồn vốn 1.000 tỷ đồng chỉ có thể đáp ứng được 1/100 số doanh nghiệp. Vì mỗi dự án được hỗ trợ một vài tỷ thì chỉ được vài trăm dự án.

Như vậy, tính cạnh tranh rất cao, mà đã cạnh tranh thì sẽ có doanh nghiệp không thể đạt được nguyện vọng của mình.

Vì thế, các doanh nghiệp nên cân nhắc kĩ trước khi nộp hồ sơ. Dự án nào thực sự có đổi mới công nghệ, làm thật, có hiệu quả thật, thì hãy nộp hồ sơ!

Vậy quỹ có áp dụng cơ chế khoán không?

Có thể áp dụng sử dụng theo cơ chế khoán được, tại vì các doanh nghiệp khi tiếp nhận nguồn vốn tài trợ của quỹ để xây dựng các nhiệm vụ khoa học công nghệ, tức là các đề tài dự án và nếu đề án nào có sản phẩm cuối cùng đáp ứng được tiêu chí do hội đồng tư vấn xác định thì có thể được áp dụng cơ chế khoán.

Bộ sẽ giám sát như thế nào để việc xét duyệt những dự án được cấp tiền cho khách quan, tránh cơ chế xin - cho?

Chắc chắn chúng tôi sẽ không để cho cơ chế xin - cho chi phối, vì quy trình thủ tục là các doanh nghiệp khi có nhu cầu đổi mới công nghệ tạo ra sản phẩm mới thì phải xây dựng dự án, và phải được thông qua một cấp quản lý về lĩnh vực đó.

Ví dụ ở địa phương thì phải phù hợp với xu hướng, định hướng, chiến lược phát triển của địa phương; ở bộ, ngành phải phù hợp với chiến lược phát triển ngành.

Quỹ này không tài trợ mua sắm thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, phải là những doanh nghiệp thực chất có tinh thần đổi mới, người chủ doanh nghiệp và thực hiện phải có trình độ nhất định, có tâm huyết và được lựa chọn để không có động cơ sử dụng sai mục đích.

Bộ cùng với quỹ đổi mới công nghệ quốc gia sẽ giám sát toàn bộ quá trình sử dụng kinh phí cho dự án của doanh nghiệp. Có đánh giá định kỳ, giữa kỳ, kiểm tra đột xuất để đảm bảo doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết của mình. Cuối cùng là đánh giá sản phẩm nghiệm thu của dự án.

Chúng tôi hy vọng sự tham gia sử dụng nguồn vốn này có tính cạnh tranh, công khai minh bạch, và Bộ sẽ cố gắng để đảm bảo hiệu quả. Nếu không sử dụng hiệu quả thì Chính phủ sẽ không tiếp tục nguồn vốn.

Nhưng nếu đầu ra không đảm bảo như tiêu chí, yêu cầu mong muốn thì sao?

Chắc chắn phải có chế tài, vì tài trợ của quỹ cho doanh nghiệp chỉ nằm trong phạm vi liên quan đến khoa học công nghệ thôi. Nếu cuối cùng doanh nghiệp không tạo ra được sản phẩm như hợp đồng thì sẽ phải đánh giá. Nếu do nguyên nhân khách quan thì doanh nghiệp vẫn phải hoàn lại ngân sách Nhà nước một tỷ lệ tối thiểu.

Nếu nguyên nhân chủ quan thì chế tài có thể nặng hơn, doanh nghiệp có thể phải hoàn trả lại toàn bộ kinh phí mà Nhà nước đã tài trợ và hỗ trợ, đồng thời còn có thể bị xử phạm vi phạm hành chính, thậm chí xử lý hình sự, nếu có dấu hiệu tham nhũng lợi dụng cơ chế để làm tổn hại ngân sách.

Dùng hết lại có 1.000 tỷ mới

Mức cao nhất mà doanh nghiệp có thể nhận được hỗ trợ từ quỹ?

Hiện chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa khoảng 30% tổng kinh phí của dự án do doanh nghiệp xây dựng. Doanh nghiệp phải tự bỏ ra tối thiếu là 70%. Tùy thuộc vào nội dung của dự án, nếu dự án có hàm lượng khoa học cao thì nhà nước cũng chỉ tài trợ tối đa 30%, còn hàm lượng thấp thì tài trợ ít hơn.

Liệu có lo giải ngân hết quỹ không, thưa ông?

Quỹ 1.000 tỷ đồng này là quỹ thường xuyên. Hàng năm Nhà nước bố trí 1.000 tỷ đồng, vấn đề là chúng ta có sử dụng quỹ hiệu quả hay không. Nếu năm nay sử dụng hết 1.000 tỷ, thì sang năm Nhà nước lại giao 1.000 tỷ mới.

Vì thế, trách nhiệm của doanh nghiệp, của cơ quan quản lý về việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn do nhà nước hỗ trợ phải được đặt ra hàng đầu.

Mục tiêu dài hạn và ngắn hạn của quỹ là gì, thưa ông?

Hằng năm quỹ có kế hoạch, nằm trong chiến lược chung. Trong đó, dài hạn là quỹ phải giúp cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ để cạnh tranh khi mở cửa hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới. Dự kiến tốc độ đổi mới công nghệ phải trên dưới 20%, cứ 5 năm thì toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam phải nâng tầm công nghệ lên một trình độ mới.

Kế hoạch ngắn hạn hằng năm là chọn lựa những doanh nghiệp khoa học công nghệ, lựa chọn những doanh nghiệp nằm trong lĩnh vực ưu tiên của Nhà nước.

Trong số đấy lại ưu tiên những doanh nghiệp nào có đề án khả thi nhất, đáp ứng được nhu cầu phát triển của chiến lược của một ngành, của một lĩnh vực đó, có tâm huyết, trình độ, nằm trong  đơn vị nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp...

Với nhiều tiêu chí, tôi tin là quỹ sẽ chọn đúng doanh nghiệp để đầu tư và sẽ có hiệu quả.

Theo Thủy Diệu

PV

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên