18 tỉ USD xây sân bay Long Thành: Tự vay, tự trả
Bộ GTVT tự tin khẳng định sẽ giải được bài toán “tiền đâu” do nhiều người đặt ra.
- 10-10-2014Tạo vốn xây sân bay Long Thành bằng đất Tân Sơn Nhất?
- 09-10-2014Nhà đất “nóng” theo sân bay Long Thành
- 09-10-2014Xác định rõ nguồn vốn xây sân bay Long Thành
- 07-10-2014Không mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất
Giải phóng mặt bằng: 18.500 tỉ
Nếu chủ trương xây dựng sân bay Long Thành được Quốc hội thông qua, nguồn vốn thực hiện sẽ lấy từ đâu khi mà vốn trái phiếu chính phủ rất khó đáp ứng?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường: Theo tính toán, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 của sân bay Long Thành vào khoảng 165.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 84.000 tỉ đồng. Nguồn vốn này sẽ được dùng để chi trả cho việc giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng giao thông, sân đỗ… Các hạng mục này phải dùng vốn nhà nước vì đây là những hạng mục không sinh lời nên không thể kêu gọi vốn khu vực ngoài nhà nước. Còn lại là vốn vay, vốn huy động đầu tư từ các nguồn khác.
Ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV): Dự án sẽ do nhà đầu tư là các doanh nghiệp, trong đó có Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, thực hiện bằng vốn tự vay và tự trả. Chúng tôi vay vốn ODA của Nhà nước và tự trả. Thực tế thời gian qua chúng tôi đã xây dựng nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất và nhà ga T2 Nội Bài theo cách này.
Trong giai đoạn 1 của dự án, chúng tôi đề nghị Nhà nước chi 18.500 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng. Còn lại là đơn vị sẽ tự vay, tự trả. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị Nhà nước hỗ trợ một số cơ chế, chính sách để thực hiện dự án.
Nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng sân bay Long Thành sẽ gia tăng áp lực lên nợ công vốn đã ở mức cao, Bộ GTVT đánh giá sao về việc này?
Ông Nguyễn Hồng Trường: Tác động của các khoản vay thực hiện dự án lên GDP theo giá hiện hành của từng năm là không đáng kể, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2019; tới năm 2022 dự kiến chỉ vào khoảng 0,091%. Tỉ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) của dự án là 22,1% nên dự án có khả năng trả nợ tốt.
Trong quá trình đầu tư dự án, ngay từ đầu Bộ GTVT đã trình Quốc hội rằng sẽ đầu tư bằng nhiều nguồn vốn. Ngoài vốn ngân sách còn có vốn vay ODA ưu đãi để kéo dài trả nợ trong nhiều năm. Hiện có nhiều nước rất quan tâm tới dự án và sẵn sàng cung cấp vốn ODA. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa chọn nhà đầu tư nào mà vẫn đang lựa chọn cả nguồn vốn, công nghệ.
Bán đất Tân Sơn Nhất cũng không đủ
Có ý kiến cho rằng nên tạo nguồn vốn xây dựng sân bay Long Thành bằng quỹ đất từ sân bay Tân Sơn Nhất?
Ông Nguyễn Hồng Trường: Nếu thực hiện phương án này thì số tiền thu được rất nhỏ, không đủ để xây dựng sân bay Long Thành. Vì tổng vốn đầu tư xây dựng sân bay Long Thành ở cả ba giai đoạn là 18 tỉ USD, riêng giai đoạn 1 đã 7,8 tỉ USD.
Cũng có ý kiến hỏi sao không mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đáp ứng nhu cầu vận chuyển 50 triệu khách/năm thì cần giải phóng mặt bằng khoảng 140.000 hộ dân với 500.000 người và nguồn vốn cần lên đến 9,1 tỉ USD, chưa kể chi phí mở rộng sân bay. Số tiền này lớn hơn nhiều xây dựng một sân bay ở điểm mới. Trong khi đó, theo quy hoạch, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn được giữ lại để phục vụ các đường bay nội địa, quân sự và hàng không chung.
Nếu xây cảng hàng không ở Long Thành thì khả năng kết nối, tạo thuận lợi cho hành khách đi lại sẽ ra sao?
Ông Nguyễn Nguyên Hùng: Cảng hàng không quốc tế Long Thành được quy hoạch tại tỉnh Đồng Nai, cách TP.HCM 45 km đường chim bay, nằm tại trung tâm khu vực kinh tế lớn nhất của cả nước. Các quy hoạch giao thông khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đảm bảo kết nối giữa Long Thành với các địa phương khác thông qua hệ thống đường sắt, đường cao tốc (TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành; Biên Hòa - Vũng Tàu). Do đó việc kết nối, đi lại giữa sân bay Long Thành với các địa phương là hết sức thuận lợi.
Gấp gáp khi trình dự án? . Tại sao một dự án lớn như vậy mà trình ra Thường vụ Quốc hội xin chủ trương báo cáo Quốc hội lại chỉ có 30 ngày chứ không phải 60 ngày như quy định? Vì sao có sự gấp gáp này? + TS Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội KHKT cầu, đường Việt Nam, chuyên gia phản biện độc lập của Hội đồng phản biện nhà nước: Dự án sân bay Long Thành không phải bây giờ mới được nhắc đến. Thực tế dự án đã được đưa vào phác đồ quy hoạch giao thông Việt Nam từ trước năm 2000, đưa vào quy hoạch năm 2005 và tới năm 2011 được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Tháng 7-2014, ông Bùi Quang Vinh là chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước đã đưa ra kết luận cuối cùng để bảo đảm thời hạn trình Thủ tướng và trình Quốc hội theo đúng thời hạn. Chúng tôi đã lật đi lật lại rất kỹ báo cáo đầu tư dự án và cho rằng ACV làm khá đầy đủ, chi tiết và thận trọng. Với tư cách chuyên gia phản biện độc lập, tôi có thể bảo đảm dự án đã được rà soát kỹ càng. |
Theo Thành Văn