20 tỷ USD TQ vào Việt Nam: Vòng vo rồi chìm xuồng?
Câu chuyện về chênh lệch số liệu nhập khẩu tới 20 tỷ USD giữa thống kê của Việt Nam với phía Trung Quốc có thể đã khép lại, nếu các cơ quan quản lý của Việt Nam không thực sự có động thái truy xuất về sự bất thường trên.
Số liệu của Trung Quốc có chính xác?
Sau khi Tổng cục Thống kê lên tiếng giải thích về con số "vênh" 20 tỷ USD, cơ quan hải quan cũng đưa ra các lý giải tương tự.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Mạnh Tùng, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin và thống kê, Tổng cục Hải quan, nói: "Số liệu Trung Quốc thống kê chưa ai thẩm định được là có chính xác? Ở đây, chúng ta mới tiếp cận trên cơ sở mặc nhiên thông tin thống kê của ta sai và cần phải đưa ra giải pháp ở phía chúng ta".
Ông Tùng cho rằng: "Cần phải nhìn nhận khách quan vấn đề này. Đừng nặng về con số 20 tỷ USD mà đánh giá sai lệch".
"Việc chênh số liệu có các nguyên nhân liên quan phương pháp thống kê khác biệt (như Tổng cục Thống kê công bố - PV), nhưng đó đều là các phương pháp dựa trên chuẩn mực quốc tế, trên các văn bản quy định pháp luật của Việt Nam. Ngược lại, có nguyên nhân chủ quan do công tác quản lý, là gian lận thương mại, nhập lậu", ông nói.
Ông Tùng chia sẻ: "Ai cũng biết, giữa Việt Nam và Trung Quốc là có chuyện buôn lậu, gây ảnh hưởng tới việc tính toán số liệu. Song, để nắm được con số buôn lậu với Trung Quốc trong 20 tỷ USD trên là bao nhiêu thì đã không còn... buôn lậu". Để giải quyết vấn đề này không phải một sớm một chiều, cần có thời gian nghiên cứu, phân tích làm rõ.
Theo ông Tùng, hải quan hai nước sẽ phải thiết lập cơ chế thoả thuận hợp tác với nhau. Trước mắt, cần ngồi với nhau để trao đổi về phương pháp thống kê rồi mới rà soát lại từng số liệu.
Tuy nhiên, ông Tùng cũng thừa nhận, hiện giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa có hợp tác chính thức nào ở cấp Trung ương về lĩnh vực thống kế xuất nhập khẩu. Một số thoả thuận hợp tác đã ký về nội dung chống buôn lậu, có nói đến thống kê, nhưng chỉ ở phạm vi nhỏ, cấp tỉnh.
“Vì thế, tới đây chúng tôi sẽ kiến nghị với Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, các đối tác thương mại lớn nên có thỏa thuận với hải quan Trung Quốc về đối chiếu rà soát số liệu", ông Tùng nói.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Cục này, đề xuất trên còn phụ thuộc vào hải quan Trung Quốc. Phía bạn có thể chấp thuận hoặc từ chối. Trên thực tế, Việt Nam đã từng đặt vấn đề rà soát số liệu với một số nước, nhưng câu trả lời nhận được là "chưa có nhu cầu và chưa thấy cần thiết". Do vậy, vấn đề này cũng cần có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ hoặc của Bộ Tài chính.
Cho đến nay, hải quan Việt Nam mới chỉ có một đợt rà soát đối chiếu số liệu với Indonesia và Malaysia vào cuối năm 2012, trong khuôn khổ có dự án hỗ trợ của ASEAN.
Ông Nguyễn Việt Hùng, chuyên viên trực tiếp phụ trách việc thống kê số liệu của Cục này, lý giải: "Từ năm 2010, độ vênh về số liệu nhập khẩu từ Trung Quốc ngày càng lớn khi quy mô thương mại giữa hai nước cũng phát triển ngày càng lớn. Thống kê xuất nhập khẩu của Trung Quốc vênh với tất cả các nước như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Úc, Thái Lan, Singapore,... nên Việt Nam không là ngoại lệ. Đó là việc không thể tránh khỏi".
Ông Hùng khẳng định, hoàn toàn có thể truy xuất bóc tách được số liệu. Khi làm việc nước bạn, hải quan có thể làm rõ bao nhiêu tỷ USD đi qua cửa khẩu nào, bằng đường bộ hay đường biển. Việc chênh lệch tập trung ở ngành hàng nào? Rồi bao nhiêu ước tính là hàng lậu,...
Đừng vội nghĩ 20 tỷ USD là 100% nhập lậu
Ngay sau khi câu chuyện chênh lệch tới 20 tỷ USD trong thống kê nhập khẩu được đại biểu Mai Hữu Tín đưa ra Quốc hội, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế Hà Nội (VEPR) cũng gấp rút tiến hành nghiên cứu để làm rõ nội hàm độ vênh lớn này.
Giám đốc VEPR, TS. Nguyễn Đức Thành, chia sẻ: "Cảm nhận của một người nghiên cứu kinh tế phân tích con số thì 20 tỷ USD là con số khổng lồ. Và thường thì, không ai có thể nhập lậu lớn đến cả 20 tỷ USD".
"Chúng tôi sử dụng các thuật toán để bóc tách làm rõ số liệu, dự kiến sẽ công bố trong thời gian ngắn tới. Trước mắt có thể thấy rõ là ở phía Việt Nam, số liệu bị khuyết một số hạng mục như hàng hoá tạm nhập tái xuất... Nhưng trong 20 tỷ USD chênh lệch đó, phần tạm nhập vào Việt Nam rồi tái xuất là bao nhiêu, con số có thể do địa phương phía Trung Quốc khai khống lên là bao nhiêu, còn lại nhập lậu là bao nhiêu? Phải nghiên cứu mới có thể trả lời được".
"Như đại biểu Tín nói, nhập lậu là lớn, là áo giáp rách nhưng về quy mô thì con số nhập lậu chắc chắn thấp hơn 20 tỷ USD nhiều", TS. Thành nhìn nhận.
Có thể thấy, theo phương pháp của Việt Nam, hải quan sẽ ghi nhận nước xuất khẩu là nước xuất xứ của hàng hoá. Nói cách khác, một mặt hàng công nghệ cao như Iphone, máy tính Apple tuy thương hiệu Mỹ nhưng nếu là hàng “made in China” sẽ được tính vào kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc, không phải từ Mỹ.
Trung Quốc là công xưởng của cả thế giới, nên với Việt Nam, các mặt hàng của các nước G7 nhưng là "made in China" trở nên rất phổ biến, từ thời trang may mặc cho đến hàng tiêu dùng. Về lý thuyết, Việt Nam đáng lẽ sẽ ghi nhận một con số nhập khẩu lớn hơn hoặc tương đương 63 tỷ USD mà Trung Quốc ghi nhận.
Thừa nhận điều này, ông Hùng nói: "Trong 63 tỷ USD mà Trung Quốc thống kê đã xuất sang Việt Nam, nhiều hàng hoá thực chất có xuất xứ nước khác, nghĩa là không phải 100% “made in China”. Ngược lại, không phải 100% con số 43 tỷ USD mà Việt Nam ghi nhận nhập từ Trung Quốc là hàng hoá đến từ cảng Trung Quốc".
Tuy nhiên, cơ quan hải quan và thống kê cũng chưa bao giờ có kế hoạch bóc tách số liệu, làm rõ sự khác biệt này.
Có lẽ, đó cũng là lý do mà TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng, mức độ nhập khẩu lớn như vậy từ Trung Quốc thì khó có thể quy hết về sự khác biệt trong phương pháp hay phạm vi thống kê.