MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3,6 tỷ USD triển khai tuyến đường sắt cao tốc TPHCM-Cần Thơ chạy bằng… gió

Ngày 12.11, Viện khoa học Công nghệ Phương Nam và tập đoàn EDES (Hoa Kỳ) đã ký kết hợp tác triển khai tuyến đường cao tốc TPHCM-Cần Thơ với quy mô dự án 3,6 tỷ USD theo hình thức BOT.

Tuyến đường sắt chạy năng lượng gió

Tại buổi ký kết, ông Hà Ngọc Trường - Phó CT Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường TPHCM - thành viên Hội đồng khoa học tư vấn dự án tuyến đường sắt TPHCM-Cần Thơ cho biết: Tuyến đường sắt tốc độ cao này sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt đôi theo tiêu chuẩn cấp 1 cao tốc với khổ đường theo chuẩn quốc tế là khổ 1.435mm đáp ứng được tốc độ tối đa 200km/h.

Theo đó ưu điểm của tuyến đường sắt này sẽ sử dụng năng lượng gió (phong năng) là năng lượng chính để chạy tàu cao tốc, tại các ga sẽ sử dụng năng lượng mặt trời (quang năng).

Tuyến đường sắt có 2 phương án tuyến bao gồm: từ ga Tân Kiên (TPHCM) tuyến đường sắt sẽ đi song song với đường vành đai 2 đến nút giao Chợ Đệm rồi cặp theo đường cao tốc TPHCM-Trung Lương về Bến Lức, Cai Lậy đến cầu Mỹ Thuận bên bờ sông Tiền.

Hướng tuyến thứ 2 sẽ đi theo hướng từ ga Tân Kiên đi song song với đường vành đai 2 vượt qua cao tốc TPHCM-Trung Lương, vượt QL1A đi về phía Đông QL1A, vượt sông Vàm Cỏ Đông qua sông Vàm Cỏ Tây đi tiếp về phía Đông thị xã Tân An nối với ngã ba Trung Lương, quan Mỹ Tho (Tiền Giang) đến Mỹ Thuận.

Ngoài ra để phục vụ cho việc vận tải hành khách và hàng hóa sẽ có 10 ga được xây dựng, ga đầu là ga Tân Kiên, ga cuối là cảng Cái Răng (TP Cần Thơ), mỗi ga sẽ phát triển thành phố vệ tinh mới cho TPHCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ.

Nâng cao năng lực vận tải

Liên quan đến dự án này, ông Nguyễn Văn Thể - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: Tuyến đường sắt TPHCM-Cần Thơ nằm trong quy hoạch tổng thể Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050.

Các đại biểu ký kết hợp tác triển khai tuyến đường sắt TPHCM-Cần Thơ

Vì vậy Bộ GTVT đã thống nhất chủ trương giao Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam tiến hành nghiên cứu đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao TPHCM-Cần Thơ theo hình thức BOT.

Theo Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam khi triển khai dự án này thì sẽ phải xây dựng 2 cầu vượt đường sắt qua sông Tiền và sông Hậu.

Nhóm chuyên gia tư vấn nghiên cứu dự án đề xuất nên chọn phương án 1 vì rút ngắn được 100,8km thay cho phương án trước đây là 130km tiết kiệm được 900 triệu USD. Dự toán sơ bộ để xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao dài 134km cần hơn 3,6 tỷ USD chưa tính kinh phí bồi thường GPMB và tiền xây dựng 2 cầu vượt đường sắt bắc qua sông Tiền và sông Hậu.

Ông Phạm Chánh Trực - Chủ tịch Hội đồng Khoa học dự án tuyến đường sắt cho biết: Theo Nghiên cứu VITRANSS 2 do Đoàn Nghiên cứu JICA thực hiện, đến năm 2030 khối lượng vận tải hành khách trên hành lang TPHCM - Cần Thơ sẽ tăng gấp 4,58 lần so với năm 2008; khối lượng vận tải hàng hóa cũng sẽ tăng gấp 3 lần năm 2008.

Kinh nghiệm cho thấy không thể mở rộng mãi hệ thống đường bộ để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng cao, ngoài ra việc hạn chế khí thải để chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng do Việt Nam là nơi chịu tác động nhiều nhất cũng là yếu tố rất cần phải cân nhắc nếu tiếp tục mở rộng vận tải đường bộ.

Chìa khóa cho việc giải quyết các hạn chế năng lực cho hành lang này là cân bằng các phương thức vận tải, theo đó cần phát huy năng lực vận tải hàng hóa của vận tải thủy nội địa và xây dựng đường sắt tới Cần Thơ trong tương lai - ông Trực cho biết.

Theo Hà Anh Chiến

thanhhuong

Lao động

Trở lên trên