MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 ngành “hút” vốn ngoại tại Việt Nam

Theo tờ Vietnam Briefing, trong số những ngành công nghiệp chính của Việt Nam, 4 ngành thu hút đầu tư lớn bao gồm: Điện tử, Công nghệ thông tin và truyền thông, Dệt may, Thiết bị y tế.

Theo tờ Vietnam Briefing, trước thềm hội nhập mạnh mẽ vào Cộng đồng Asean, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư.

Trong số những ngành công nghiệp chính của Việt Nam, Vietnam Briefing đánh giá, 4 ngành thu hút đầu tư chính bao gồm: Điện tử, Công nghệ thông tin và truyền thông, Dệt may, Thiết bị y tế. Việc các nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực tìm kiếm điểm đến mới thay thế Trung Quốc tạo cơ hội lớn cho một quốc gia năng động như Việt Nam.

Điện tử

Điện tử đã trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam trong những năm gần đây, với tốc độ phát triển nhanh và tăng trưởng đáng ngưỡng mộ. Trước đây, điện tử là lĩnh vực thế mạnh của Trung Quốc do đất nước này có lực lượng lao động lớn với chi phí nhân công rẻ.

Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị xuất khẩu của Trung Quốc từ sản xuất hàng loạt sang sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, đồng nghĩa với chi phí lao động tăng lên, đã tạo điều kiện cho công xưởng thế giới chuyển dịch sang các quốc gia Đông Nam Á như Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Trước bối cảnh đó, đi lên từ con số 0, Việt Nam đã nổi lên như một thị trường xuất khẩu hàng điện tử quan trọng, với các sản phẩm điện, điện tử; vượt qua cà phê, hàng dệt may, gạo và trở thành mặt hàng xuất khẩu hàng đầu quốc gia năm 2012 và chiếm 6% thị trường thiết bị máy tính và viễn thông khu vực.

Gần đây, Việt Nam tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn – những “ông trùm công nghệ” trên thế giới như Samsung và Mitsubishi. Bên cạnh đó, giới phân tích cũng nhận định rằng một khi Thái Lan di chuyển chuỗi giá trị, Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ lĩnh vực này.

Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT)

Trước đây, đầu tư nước ngoài vào mảng công nghệ thông tin và truyền thông ở khu vực Đông Nam Á còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên đến nay, khi ASEAN tiến gần hơn đến việc thành lập cộng đồng kinh tế thống nhất, tiến trình hợp tác khu vực giữa các quốc gia khác nhau về trình độ công nghệ thông tin ngày càng được mở rộng; đồng thởi mở cửa cho phần còn lại của thế giới.

Một trong những sáng kiến đó là Asean ICT Masterplan 2015 nhằm mở rộng tầm với dịch vụ, như băng thông rộng và cơ sở hạ tầng viễn thông, phát triển năng lực sáng tạo và khuyến khích FDI. Từ khi ra mắt vào năm 2011, sáng kiến đã thu hút khoảng 60 dự án, từ xây dựng đến đào tạo năng lực để phát triển khuôn khổ cho hợp tác và phối hợp trong lĩnh vực an ninh, chính sách ...

Ngành công nghiệp này đang phát triển với tốc độ nhanh; thu hút hơn 11,7 triệu nhân sự toàn khu vực và tạo ra hơn 32 tỉ USD - chiếm hơn 3% GDP toàn khu vực ASEAN.

Thêm vào đó, dân số trẻ am hiểu công nghệ đang chuyển từ dùng điện thoại tính năng sang điện thoại thông minh - chiếm khoảng 66% thị trường di động Đông Nam Á. Thị trường này chưa có dấu hiệu bão hòa và hứa hẹn tiếp tục tăng trưởng với nhiều cơ hội hấp dẫn.

Dệt may

Trước thềm thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN – AEC 2015, dệt may hứa hẹn là ngành có tốc độ tăng trưởng và bứt phá mạnh nhất.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất hàng dệt may có giá trị gia tăng thấp với Trung Quốc. Theo thống kê của Tổ chức kinh tế thế giới – WTO, trái với các nhà xuất khẩu dệt may hàng đầu khu vực như Indonesia, Thái Lan và Malaysia, thị phần xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam liên tục tăng cao trong những năm gần đây.

Dệt may tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam; sử dụng 1,3 triệu lao động trực tiếp và hơn 2 triệu lao động phụ trợ khác. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp dệt may sẽ lên đến 25 tỷ USD và tạo việc làm cho khoảng 3 triệu lao động có liên quan.

Thiết bị y tế

Xét theo một khía cạnh nào đó, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh trong khu vực báo hiệu sự phát triển của ngành công nghiệp cung cấp thiết bị y tế trong tương lai. Theo Pacific Bridge Medical, thị trường thiết bị y tế của ASEAN năm 2013 đạt 4,6 tỷ USD và dự kiến tăng gấp đôi lên 9 tỷ USD vào năm 2019.

Bên cạnh đó, thị trường thiết bị y tế các nước trong khu vực Đông Nam Á gần đây cũng tăng trưởng 2 con số và hứa hẹn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ.

Vốn ngoại ồ ạt đổ vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Nguyệt Quế

huongtt

Vietnam Briefing

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên