6 thông tin kinh tế nổi bật tuần qua
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 11/2013, Việt Nam tiếp tục thâm hụt thương mại lớn nhất với thị trường Trung Quốc với mức thâm hụt lên tới hơn 2 tỷ USD.
Ông Dương Chí Dũng bị đề nghị án tử hình
Chiều ngày 13/12, với cáo buộc tham ô 10 tỷ đồng, cựu cục trưởng Hàng Hải Dương Chí Dũng và cựu tổng giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc bị VKSND Hà Nội đề nghị mức án tử hình.
Cùng tội tham ô, bị cáo Trần Hữu Chiều (nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines) bị đề nghị 9-10 năm tù, bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) 19-20 năm tù.
Theo cáo buộc, trong vụ chia chác hơn 28 tỷ đồng "lại quả" từ đối tác nước ngoài, ông Dũng và Phúc mỗi người nhận 10 tỷ đồng. Bị cáo Chiều nhận hơn 330 triệu đồng, và Sơn đút túi hơn 7 tỷ đồng.
Ở nhóm tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế trong việc mua ụ nổi 83M gây thiệt hại cho nhà nước hơn 366 tỷ đồng, ông Dũng và Phúc mỗi người bị đề nghị 20 năm tù, bị cáo Chiều 13-14 năm, Sơn 9-10 năm. 6 người còn lại từ 6 đến 10 năm tù, trong số này có kế toán trưởng của Vinalines là Bùi Thị Bích Loan và 3 cán bộ hải quan.
Theo cơ quan công tố, ông Dũng và Phúc không ăn năn, hối cải nên phải tăng nặng hình phạt. Tổng hợp hình phạt với mỗi người là tử hình.
Các TCTD kỳ vọng CPI tháng 12/2013 tăng 0,62%
Với tốc độ tăng CPI thực tế trong 11 tháng vừa qua cùng với mức kỳ vọng 0,62% trong tháng 12/2013, lạm phát cả năm 2013 có khả năng đạt khoảng 6,15%.
Đến nay, có thể nói mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm 2013 gần như đã thành hiện thực theo chỉ tiêu đề ra (tăng 8% theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 của Quốc hội và tăng 6-6,5% theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chỉnh phủ).
Kể từ tháng 6/2013 trở lại đây, tốc độ tăng CPI theo tháng có xu hướng tăng cao hơn so với đầu năm và đạt mức cao nhất trong 2 tháng cuối của quý III/2013 (tháng 8/2013: 0,83% và tháng 9/2013: 1,06%), tuy nhiên tốc độ tăng lại có biểu hiện giảm trong tháng 10/2013 (0,49%) và tiếp tục giảm mạnh trong tháng 11/2013 (0,34%). Kết quả cuộc điều tra kỳ vọng lạm phát mới đây cũng cho thấy, các TCTD kỳ vọng CPI tháng 12/2013 chỉ tăng 0,62% so với tháng 11/2013, cao hơn mức tăng cùng kỳ 2 năm trước (0,27% tháng 12/2012 và 0,53% tháng 12 năm 2011).
Với tốc độ tăng CPI thực tế trong 11 tháng vừa qua cùng với mức kỳ vọng 0,62% trong tháng 12/2013, lạm phát cả năm 2013 có khả năng đạt khoảng 6,15% và vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ.
Tăng trưởng GDP năm 2014 có thể đạt 5,67%
Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia phối hợp với Bộ KHĐT tổ chức hội thảo khoa học “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2014: Cộng hưởng hiệu ứng chính sách”.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra các dự báo và một số khuyến nghị cho điều hành kinh tế năm 2014. TS Đoàn Hồng Quang, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, trên cơ sở bình ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát đuợc kiềm chế, niềm tin của doanh nghiệp dần được khôi phục, chỉ số của các nhà quản lý mua sắm (PMI) tăng, những con số các doanh nghiệp mới hình thành… là những tín hiệu cho thấy năm 2014 nhiều khả quan hơn năm 2013.
Kịch bản tương đối khả thi được đưa ra là khi nền kinh tế giải quyết được những khó khăn, chính sách điều hành dần đi vào thực tế, những điểm nghẽn của nền kinh tế được giải quyết theo hướng tích cực, thì tốc độ tăng trưởng GDP năm 2014 có thể đạt 5,67%. Chỉ số CPI nhiều khả năng sẽ cao hơn năm 2013, đạt khoảng 7%; tăng trưởng GDP năm 2015 có thể đạt 6,03%, CPI khoảng 7,2%.
Chủ tịch Lê Hoàng Quân: CPI của thành phố năm 2013 dự kiến 5,1%
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng ngày 12/12/2013 của Đại biểu Hội đồng Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh, chủ tịch UBND TP – Ông Lê Hoàng Quân cho biết: trong những năm qua TP đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô của cả nước.
Liên tục 3 năm CPI của TP. Hồ Chí Minh đều thấp hơn tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng của cả nước. CPI thành phố năm 2011 đạt 4,1%; năm 2012 đạt 4,7%, năm 2013 dự kiến tăng 5,1%.
Nếu tháng 12/2013 CPI thành phố tăng khoảng 0,2%, cả năm 2013, CPI TP sẽ dưới 5%.
Đây là một nỗ lực rất lớn, góp phần kiềm chế lạm phát của cả nước. Đặc biệt, CPI tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố.
Tháng 11, nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 2 tỷ USD
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 11/2013, Việt Nam tiếp tục thâm hụt thương mại lớn nhất với thị trường Trung Quốc với mức thâm hụt lên tới hơn 2 tỷ USD.
Theo đó,số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 11/2013 đạt 22,98 tỷ USD, giảm 8,5% so kết quả thực hiện của tháng 10 trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 11,99 tỷ USD, giảm 4,9% và nhập khẩu là gần 10,99 tỷ USD, giảm 12,2%.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, khu vực doanh nghiệp có vồn đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất siêu hơn 1,4 tỷ USD trong tháng 11. Theo đó, trị giá xuất khẩu của khối này đạt 7,53 tỷ USD, giảm 6,6% và nhập khẩu là 6,13 tỷ USD, giảm 14,2% so với tháng trước đó.
Dự báo nhập siêu 0,5 tỉ USD trong năm 2013
Tại buổi họp báo giới thiệu Hội nghị tham tán thương mại 2013, diễn ra vào ngày 10/12 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết:
Nếu không có yếu tố đột biến, khả năng tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt khoảng 132 tỉ USD, tăng 15% so với năm 2012, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra 10%. Trong đó nhập siêu khoảng 0,5 tỉ USD, bằng 0,38% kim ngạch xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, trong bối cảnh kinh tế toàn thế giới đang trong thời kỳ khó khăn thì xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng trong hai năm qua. Có được điều đó là nhờ một phần hỗ trợ từ hoạt động kinh tế đối ngoại của các tham tán thương mại ở các nước nhằm đẩy mạnh hoạt động thị trường nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước.
Công Vân