6 thông tin kinh tế nổi bật tuần từ 14/07 - 19/07
World Bank cam kết tài trợ gần 4 tỷ USD vốn IDA cho Việt Nam, 6 tháng đầu năm, xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD Sẽ xóa nợ hơn 6.500 tỉ đồng tiền chậm nộp thuế...là những thông tin kinh tế nổi bật tuần qua
Petrolimex giữ giá xăng, giảm giá dầu điêzen 140 đồng/lít
Chiều ngày 18/7 vừa qua, Liên Bộ Tài chính Công Thương đã thông báo phương án điều hành giá xăng dầu trong thời điểm hiện tại.
Theo đó, từ 17h00, mức giảm tối thiểu đối với dầu điêzen 0,05S là 140 đồng/lít; dầu hỏa: 136 đồng/lít và dầu madút là 174 đồng/kg; Giá xăng được yêu cầu giữ ổn định như hiện hành đồng thời cho phép DN được sử dụng Quỹ BOG thêm 170 đồng/lít đối với mặt hàng xăng lên 670 đồng/lít.
Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh giá xăng thế giới có xu hướng giảm nhưng diễn biến phức tạp, bình quân 30 ngày vẫn ở mức cao. Do vậy, để đảm bảo nguyên tắc cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước đồng thời để góp phần bình ổn giá, việc điều hành giá xăng dầu trong nước thực hiện hài hòa giữa việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều chỉnh giảm giá bán lẻ phù hợp với mặt bằng giá cơ sở theo chu kỳ tính giá.
Nửa năm, Việt Nam xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD
Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 6/2014 (từ 16 - 30/06) đạt hơn 13,01 tỷ USD, tăng 10,7% tương ứng tăng gần 1,26 tỷ USD so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 6/2014.
Trong đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kim ngạch gần 7,51 tỷ USD, tăng 8,8% tương ứng tăng 607 triệu USD so với nửa đầu tháng 6/2014.
Với kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 6/2014 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến hết tháng 6/2014 đạt gần 140,71 tỷ USD, tăng 13,1% tương ứng tăng hơn 16,34 tỷ USD so với tháng 6 tháng đầu năm/2013.
Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tính đến hết tháng 6/2014 đạt hơn 82,72 tỷ USD, tăng 14,0% tương ứng tăng hơn 10,15 tỷ USD so với 6 tháng đầu năm 2013 và chiếm 58,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
World Bank cam kết tài trợ gần 4 tỷ USD vốn IDA cho Việt Nam
Ngày 17/7/2014 vừa qua, tại Văn phòng Chính phủ, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Văn Bình, đã ký với Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim các Hiệp định của 5 chương trình/dự án vay vốn WB với tổng trị giá 876 triệu USD.
Nguồn vốn 876 triệu USD được sử dụng để thực hiện 5 Chương trình/Dự án bao gồm: Chương trình Quản lý kinh tế và nâng cao hiệu quả cạnh tranh lần thứ hai (EMCC2) trị giá 250 triệu USD; Chương trình Đô thị miền núi phía Bắc trị giá 250 triệu USD; Dự án Giáo dục và Đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế trị giá 106 triệu USD.
Chương trình Hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành điện 3 trị giá 200 triệu USD và Chương trình Khoản vay Chính sách phát triển về Biến đổi khí hậu lần thứ ba (DPL 3) trị giá 70 triệu USD. Các chương trình/dự án này có trị giá chiếm 57% tổng vốn WB tài trợ cho Việt Nam trong tài khóa 2014 của WB (từ 1/7/2013 đến 30/6/2014).
Dự toán thu ngân sách từ xuất nhập khẩu phấn đấu tăng khoảng 6-8%
Bộ Tài chính ban hành Thông tư 84/2014/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015.
Dự toán NSNN năm 2015 xây dựng với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, mức tăng trưởng hợp lý; tiếp tục thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát; tăng chi cho quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; đảm bảo an sinh xã hội; ưu tiên đầu tư phát triển biển đảo, hỗ trợ ngư dân bám biển khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản.
Trên cơ sở đó, đặt mục tiêu huy động vào NSNN năm 2015 từ thuế, phí khoảng 18-19% GDP. Dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất) phấn đấu tăng bình quân khoảng 14-16% so với đánh giá ước thực hiện năm 2014 (loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách).
Dự toán thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu phấn đấu tăng bình quân khoảng 6-8% so với đánh giá ước thực hiện năm 2014. Mức tăng thu cụ thể tuỳ theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương.
Việt Nam đặt mục tiêu đến 2035 ngành ô tô sẽ đáp ứng được 78% nhu cầu nội địa
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Mục tiêu đặt ra là năm 2035, tổng sản lượng xe đạt khoảng 1.531.400 chiếc, trong đó: xe đến 9 chỗ khoảng 852.600 chiếc, từ 10 chỗ trở lên khoảng 84.400 chiếc, xe tải khoảng 587.900 chiếc, xe chuyên dụng khoảng 6.500 chiếc.
Tỷ lệ số xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa.
Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, giai đoạn đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô; phấn đấu đáp ứng khoảng 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.
Giai đoạn 2026 - 2035 đáp ứng trên 65% nhu cầu về link kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Chiến lược cũng phấn đấu năm 2035, tổng lượng xe xuất khẩu đạt khoảng 90.000 chiếc.
Sẽ xóa nợ hơn 6.500 tỉ đồng tiền chậm nộp thuế
Các khoản nợ thuế và lãi phát sinh trước 1/1/2014 của doanh nghiệp khó khăn tài chính sẽ được xóa, nếu được Chính phủ chấp thuận và Quốc hội thông qua.
Đây là một trong những giải pháp dự kiến được Bộ Tài chính trình Chính phủ về một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp (DN).
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết số tiền chậm nộp thuế và lãi phát sinh của tiền chậm nộp thuế từ cuối năm 2013 trở về trước nếu được xóa nợ ước khoảng 6.537 tỉ đồng.
Công Vân