MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7 sự kiện kinh tế vĩ mô nổi bật tuần từ 22/9 - 27/9

GDP cả nước tăng trưởng vượt dự báo sau 9 tháng, học phí đẩy CPI tăng vọt, FDI vào VN đạt hơn 11 tỷ USD ... là những tin đáng chú ý trong tuần.

GDP cả nước tăng trưởng 5,62% sau 9 tháng

Theo thông tin từ Tổng cục thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2014 ước tính tăng 5,62% so với cùng kỳ năm 2013. Đây là mức tăng cao so với mức tăng cùng kỳ năm 2012 (tăng 5,10%) và 2013 (tăng 5,14%). Đồng thời, mức tăng trưởng này đã vượt dự báo của Bloomberg cho rằng GDP 9 tháng đầu năm tăng trưởng 5,4% và vượt dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi dự ước tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 5,54%.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3%, cao hơn mức 2,39% của cùng kỳ năm 2013. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,42%, cao hơn mức 5,20% của 9 tháng năm 2013. Khu vực dịch vụ tăng 5,99%, mức tăng của cùng kỳ năm 2013 là 6,25. Trước đó, các tỉnh thành phố cũng đã công bố tình hình kinh tế, xã hội của từng địa phương. GRDP Thành phố HCM 9 tháng đạt mức tăng 8,9%, Hà Nội đạt 7,9% và Long An đạt 10,5%.

Học phí đẩy CPI cả nước tháng 9 tăng vọt

Theo Tổng cục thống kê, tháng 9/2014, CPI cả nước tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,62% so với tháng 9/2013. Như vậy, không tính 2 tháng đầu năm tăng cường chi tiêu phục vụ cho dịp Tết nguyên đán, thì tháng 9 ghi nhận mức tăng CPI kỷ lục của cả nước tính đến thời điểm hiện tại.

Đóng góp vào mức tăng này là sự gia tăng đột biến của nhóm giáo dục (tăng 6,38%) so với tháng trước do hầu hết các loại hình giáo dục trên cả nước đều tăng học phí theo Nghị định số 49. Ngoài giáo dục, các nhóm hàng hóa khác có tốc độ tăng nhẹ và ổn định, chỉ có 2/11 nhóm hàng có chỉ số giá tiêu dùng giảm so với tháng 8 là nhóm giao thông và nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng.

FDI vào Việt Nam đạt hơn 11 tỉ USD sau 9 tháng

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến ngày 20/9/2014 cả nước có 1.152 dự án mới được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký 7,64 tỷ USD và 418 dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 3,54 tỷ USD. Như vậy, tính chung 9 tháng năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 11,18 tỷ USD, bằng 74,5% so với cùng kỳ 2013.

Trong đó, các lĩnh vực đầu tư chính bao gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; xây dựng ...Về đối tác đầu tư, đã có 53 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 3,55 tỷ USD, chiếm 31,8%; sau đó là Hồng Kông, Nhật Bản và Singapore. Các dự án tập trung chủ yếu vào các tỉnh, TP như Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương ...

Lộ lương “khủng” của lãnh đạo cấp cao các tập đoàn kinh tế Việt Nam

Theo thống kê của Bộ công thương, mức lương của các lãnh đạo cấp cao ở các Tập đoàn phổ biến ở mức 40 - 65 triệu đồng/tháng. Trong đó, ông Đỗ Ngọc Khải, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp dầu thực vật có mức thu nhập cao nhất ở mức 74,72 triệu đồng.

Tiếp đến, mức lương lần lượt của các lãnh đạo như sau: ông Phùng Đình Thực - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí VN có mức lương 65,81 triệu đồng; ông Đỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí VN là 64,35 triệu đồng; ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực VN là 61,32 triệu đồng ...

Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc công khai mức lương là thành công bước đầu trong quá trình công khai, minh bạch. Tuy nhiên, ngoài lương, các lãnh đạo tập đoàn kinh tế lớn cũng cần công khai các khoản thu khác như tiền thưởng, tiền trợ cấp, công tác phí …

DN Việt mất 29 tỷ đồng tiền phí và phụ phí “trời ơi” mỗi năm

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu của VN đang bức xúc trước tình trạng hãng tàu nước ngoài lạm thu quá nhiều loại phí và phụ phí vận tải biển vô lý, áp đặt. Trong đó, các hãng tàu thu phí kẹt cảng từ 1 - 2,4 triệu đồng/container, vượt xa mức thu thực tế của cảng. Theo ước tính, chỉ riêng phí và phụ phí (không tính cước vận tải) trung bình một container hãng tàu ngước ngoài thu của doanh nghiệp Việt Nam khoảng 500 USD

Hiệp hội Da giày Việt Nam cho biết, phí và phụ phí phải nộp cho hãng tàu của ngành hàng này đã lên tới 110 triệu USD/năm. Mỗi năm, tương tương 1% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của ngành. Theo thống kê của các hiệp hội ngành hàng, chỉ riêng tiền phí và phụ phí, mỗi năm các hãng tàu nước ngoài thu của doanh nghiệp Việt tới 29.000 tỉ đồng.

Lọc hóa dầu tỷ đô ồ ạt vào Việt Nam

Theo Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam tới năm 2020, chỉ có 3 nhà máy lọc hóa dầu được đưa vào quy hoạch, gồm: Dung Quất (Quảng Ngãi); Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu). Tuy nhiên, cho đến nay, quy hoạch đã bổ sung thêm nhiều cái tên mới như nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô (Phú Yên); nhà máy Nam Vân Phong (Khánh Hòa), dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định) và một số dự án khác đang rục rịch xin đầu tư.

Đa phần các nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam vì tình hình chính trị và an ninh ổn định; vị trí địa lý thuận lợi để vận chuyển sản phẩm đi các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chính sách khuyến khích đầu tư tốt, có nhiều cảng nước sâu cho tàu lớn ra vào... Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng lo ngại về khả năng ô nhiễm môi trường và công nghệ lạc hậu.

Nghiên cứu bổ sung kinh doanh game online vào diện chịu thuế

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 25/9 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu bổ sung mặt hàng kinh doanh game online vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Theo đó, loại hình kinh doanh game hiện nay là mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi, tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia. Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá tác động về kinh tế, xã hội khi sửa đổi luật liên quan đến vấn đề thuế TTĐB này.


GDP cả nước tăng trưởng 5,62% sau 9 tháng, vượt các dự báo trước đó


Nguyệt Quế (Tổng hợp)

 

huongtt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên