MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7 thông tin kinh tế nổi bật tuần 8/6-14/6

WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6% trong năm 2015; Ôtô trong nước lại chịu thêm các loại phí mới; Quốc hội “nóng” chuyện dưa hành, buôn lậu và “kinh tế ngầm”… là những thông tin kinh tế nổi bật tuần qua.

Ôtô trong nước lại chịu thêm các loại phí mới?

Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn thu phí thử nghiệm khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu; phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu, lệ phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng đối với xe ôtô từ 7 chỗ ngồi trở xuống.

Như vậy, bên cạnh phí thử nghiệm khí thải đã được quy định trước đây tại Thông tư số 195/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 của Bộ Tài chính, các loại ôtô chở người từ 7 chỗ ngồi trở xuống sẽ phải chịu thêm phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu và lệ phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng.

WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6% trong năm 2015

Ngân hàng thế giới (World Bank) vừa công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu dự báo tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2015 và 2 năm tới, trong đó có kinh tế Việt Nam.

Theo đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ ở mức 6% trong năm 2015, tăng dần dần và lên mức 6,5% trong năm 2017 nhờ các khu vực sản xuất, xuất khẩu và đầu tư nước ngoài có diễn biến thuận lợi.

Gia nhập AEC: Việt Nam, Thái Lan, Indonesia sẽ hưởng lợi lớn nhất?

Phát biểu tại hội thảo "Cộng đồng kinh tế ASEAN: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam do BIDV tổ chức sáng 10/6, ông Jeffrey Pirie - Giám đốc điều hành Deloitte Singapore khẳng định, điều quan trọng nhất với Cộng đồng kinh tế ASEAN - AEC hiện nay chính là câu hỏi "khi nào và ở đâu".

Theo khảo sát của Deloitte cho thấy, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam sẽ là 3 quốc gia trong khu vực hưởng lợi lớn nhất từ AEC. Cụ thể, Indonesia và Thái Lan đứng đầu với 17% cơ hội; Việt Nam xếp thứ 2 với 15% cơ hội. Theo sau đó lần lượt là Singapore, Malaysia, Campuchia, Philipines, Myanmar, Lào và Brunei.

Chấn động nghị trường: 20 tỷ USD hàng TQ lọt vào VN không qua kiểm soát

Tại phiên thảo luận Quốc hội sáng 8/6, TS Mai Hữu Tín, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, ĐBQH tỉnh Bình Dương đã có bài phát biểu chấn động nghị trường về “một con số khổng lồ” trong thâm hụt thương mại VN - TQ, về một nền kinh tế ngầm và về “chiếc áo bảo vệ” nền kinh tế đang rách.

Công bố hàng loạt số liệu chính thức về thâm hụt thương mại VN-TQ theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK), theo ông Tín, sự mất cân đối rất lớn trong giao dịch thương mại với TQ là việc chúng ta đã nói nhiều, làm nhiều nhưng chưa có giải pháp hiệu quả.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Thừa nhận có buôn lậu và kinh tế ngầm

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 12/6, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: Số liệu thống kê của Việt Nam hiện nay là chính xác và chính thức. Toàn bộ số liệu đều được hải quan ghi nhận, thống kê từ các cửa khẩu chính thức.

“Việc chênh lệch số liệu là chắc chắn có buôn lậu và có kinh tế ngầm” – Người đứng đầu ngành Công Thương thừa nhận với đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, để đánh giá đầy đủ mức độ gây hại đến nền kinh tế thế nào thì hiện chưa có cơ sở, dù trong đó yếu tố có liên quan đến vấn đề đội ngũ quản lý thị trường là có.

Số doanh nghiệp dự kiến mở rộng sản xuất cao nhất kể từ năm 2012

Theo báo cáo của VCCI tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2015, có 46% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 50% doanh nghiệp FDI dự kiến sẽ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong thời gian tới – đây là mức cao nhất kể từ năm 2012 đến nay.

Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước còn chưa được cải thiện đáng kể. Gần 70% doanh nghiệp vẫn kinh doanh không có lãi và mặc dù khu vực kinh tế tư nhân trong nước đã đóng góp gần 50% GDP, nhưng riêng khu vực cá thể đã đóng góp tới 33% GDP, cho thấy khu vực kinh tế tư còn quá manh mún.

Bộ trưởng Thăng giải thích việc mua 13 đoàn tàu Trung Quốc

Tại cuộc gặp mặt báo chí hôm 9/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho hay ông từng “nhận nhiều điện thoại, e-mail, tin nhắn liên quan đến việc mua lô tàu Trung Quốc cho tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông”.

Theo Bộ trưởng, theo hiệp định đã ký, Trung Quốc là nước cho vay thông qua ngân hàng xuất nhập khẩu của Trung Quốc, đồng thời hiệp định cũng có nhiều điều kiện ràng buộc khác, nên "không thể muốn thay đổi là có thể thay đổi được".

Thảo Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên