MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7 thông tin kinh tế nổi bật tuần qua

Theo HSBC, trong tháng 5,chỉ số lạm phát, thương mại, bán lẻ và chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của HSBC đều cho thấy nhu cầu nội địa thấp đang đè nặng áp lực lên nền kinh tế.

Năm 2014 tăng trưởng GDP khoảng 6%, lạm phát 7%

Bộ Kế hoạch Đầu tư vừa hoàn thiện dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và lập dự toán ngân sách năm 2014.

Trong dự thảo chỉ thị này, Thủ tướng nêu nhiệm vụ phát triển kinh tế 2014 phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 6%, phấn đấu kiềm chế lạm phát ở khoảng 7%, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ xấu doanh nghiệp nhà nước; ngành công nghiệp phải phấn đấu lấy lại đà tăng trưởng cao, các cơ quan phải tăng cường cung cấp thông tin hỗ trợ doanh nghiệp…

Theo dự thảo chỉ thị cũng nêu năm 2014, sẽ tiếp tục “hạn chế tối đa bố trí vốn cho các dự án khởi công mới”. Với các dự án nhóm C khi bố trí vốn phải đảm bảo hoàn thành trong 3 năm, dự án nhóm B phải hoàn thành trong 5 năm.

ĐBSCL phấn đấu tăng trưởng GDP từ 11-12%/năm

Trong đó tỷ lệ nông nghiệp chiếm dưới 40%, công nghiệp gần 30% và dịch vụ trên 30%.

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, để nâng cao mức sống của nhân dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong thời kỳ hội nhập, từ nay đến năm 2020, toàn vùng phấn đấu đưa GDP tăng bình quân hàng năm 11 – 12%.

Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, ĐBSCL phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, thâm canh dựa trên lợi thế của từng tiểu vùng; hình thành các vùng cây chuyên canh có năng suất, chất lượng cao, đặc biệt là lúa, cây ăn trái, cây công nghiệp ngắn ngày.

HSBC hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống 5,1%

Ngân hàng HSBC trong thông cáo gửi đến các cơ quan báo chí đã “hạ mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2013 của Việt Nam từ 5,5% xuống còn 5,1% do tiêu dùng, đầu tư kém và tăng trưởng tín dụng yếu”.

Theo HSBC, trong tháng 5, chỉ số lạm phát, thương mại, bán lẻ và chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của HSBC đều cho thấy nhu cầu nội địa thấp đang đè nặng áp lực lên nền kinh tế.

Tuy nhiên, họ cũng cho rằng “việc bầu chọn bổ sung các quan chức lãnh đạo mới và phê chuẩn thành lập Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ có thể sẽ có nhiều cải tổ sắp tới”.

Cụ thể, hoạt động kinh tế của Việt Nam tiếp tục bị ảnh hưởng từ nhu cầu nội địa yếu. Chỉ số PMI ngành sản xuất của HSBC trong tháng 5 quay trở lại ngưỡng giảm sút do hoạt động kém trong nước.

VCBS dự báo lạm phát không đáng ngại trong trung hạn

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) vừa công bố báo cáo vĩ mô tháng 5.

Theo VCBS, CPI tháng 6 được kỳ vọng ở mức thấp hoặc không âm. CPI trong quý 3 được kỳ vọng có thể tăng nhẹ. Nhìn chung, lạm phát không đáng ngại trong trung hạn.

VCBS cũng cho rằng giai đoạn tự điều chỉnh của nền kinh tế vẫn tiếp tục với một số tín hiệu tích cực hơn so với đầu tháng 4. Nhiều chỉ số đã có xu hướng tăng dần trở lại và đạt mức cao nhất từ sau tết nguyên đán. Đơn vị phân tích độc lập này kỳ vọng tổng cầu, tăng trưởng tín dụng và các chỉ số kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực là động lực cho GDP có thể đạt mức 5,2% quý 2 và 5,5% vào cuối năm.

Thương vụ đầu tư kỷ lục từ Ấn Độ tại Việt Nam

Công ty Tata Power thuộc tập đoàn Tata của Ấn Độ đã giành hợp đồng trị giá 1,8 tỷ USD xây dựng nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 tại Sóc Trăng. Để có được hợp đồng này, Tata Power đã phải vượt lên các đối thủ đến từ Hàn Quốc và Nga.

Thông tin trên vừa được đăng tải trên trang Live Mint của Ấn Độ. Theo trang này, việc giành hợp đồng xây nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam sẽ mở đường thúc đẩy những tham vọng của Tata Power tại thị trường Đông Nam Á cũng như chính sách hướng Đông của Ấn Độ.

Việc tham gia vào Nhiệt điện Long Phú 2 có thể coi là một sự trở lại Việt Nam của Tập đoàn Tata. Trước đây, tập đoàn này đã lên kế hoạch đầu tư dự án thép 5 tỷ USD ở Hà Tĩnh, nhưng đến hiện tại vẫn chưa đạt được tiến triển gì.

Giải ngân vốn ODA tháng 5 ước đạt trên 1 tỷ USD

Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân vốn ODA đạt 1,5 tỷ USD, đạt 31,3% kế hoạch năm 2013.

Dẫn số liệu trước đó cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, vốn ODA giải ngân ước đạt 450 triệu USD. Như vậy, tính riêng trong tháng 5, giải ngân vốn ODA ước khoảng trên 1 tỷ USD, bằng hơn 2 lần so với 4 tháng trước đó.

Trước đó, trong cả năm 2012, lượng vốn ODA được giải ngân ước đạt trên 3,6 tỷ USD, cao kỷ lục từ trước đến nay. Trong khi đó, vốn cam kết năm 2012 đạt 7,3 tỷ USD (cam kết cho năm 2013 đạt gần 6,5 tỷ USD).

Số liệu từ Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện ước đạt 4,58tỷ USD, tăng 1,6%; vốn đăng ký ước đạt khoảng8,52tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ.

Chậm đóng Bảo hiểm xã hội, phạt tăng gấp 3 lần

Theo Bà Trần Thị Thúy Nga (Vụ trưởng BHXH) cho biết sẽ đề xuất tăng mức lãi suất doanh nghiệp chậm đóng BHXH lên gấp 3 lần hiện hành.

Ngày 4/6, tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức.

Theo đó, mức lãi suất doanh nghiệp chậm đóng BHXH sẽ được đề xuất tăng gấp 3 lần lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH hoặc 2 lần lãi suất liên ngân hàng. Hiện, vì lãi suất doanh nghiệp chậm đóng BHXH phải trả thấp nên nhiều doanh nghiệp cố tình chậm, nợ để lấy vốn kinh doanh. Điều này khiến NLĐ không được hưởng các chế độ đầy đủ.

Việc tăng mức lãi suất chậm đóng sẽ khiến các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc quy định về thời hạn đóng BHXH.

Công Vân

cucpth

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên