75% chủ nợ thông qua kế hoạch tái cơ cấu Vinashin
Hôm qua (12/3), một thông báo được gửi đến tất cả các chủ nợ cho biết Vinashin đã nhận được sự ủng hộ của 75% chủ nợ (theo giá trị khoản nợ họ nắm giữ) và 51% chủ nợ nếu xét theo số chủ nợ.
Theo thông tin được đăng tải trên International Financing Review Asia (IFR Asia), Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) sắp thực hiện hoán đổi khoản nợ 600 triệu USD sau khi phần lớn các chủ nợ thông qua đề nghị tái cơ cấu nợ mới được đưa ra.
Hôm qua (12/3), một thông báo được gửi đến tất cả các chủ nợ cho biết Vinashin đã nhận được sự ủng hộ của 75% chủ nợ (theo giá trị khoản nợ mà họ nắm giữ) và 51% chủ nợ nếu xét theo số chủ nợ.
Theo kế hoạch tái cơ cấu được Vinashin đưa ra, khoản nợ 600 triệu USD cùng với phần lãi suất tích lũy chưa trả (có giá trị 23 triệu USD) sẽ được hoán đổi bằng trái phiếu được bảo lãnh bởi Bộ Tài chính. Số trái phiếu này có kỳ hạn 12 năm và lợi suất ở mức 1%/năm, được trả khi đáo hạn cùng với số tiền gốc và số tiền lãi tích lũy.
Thỏa thuận được đưa ra hơn 2 năm sau khi chính phủ Việt Nam không có Thư Bảo Lãnh (Letter of Guaranty) mà chỉ có Thư Hậu Thuẫn (Letter of Comfort) cho khoản nợ trị giá 600 triệu USD với kỳ hạn 8 năm của Vinashin, khiến Vinashin vỡ nợ.
IFR Asia đánh giá việc kế hoạch tái cấu trúc được thông qua chứng tỏ rằng chính phủ Việt Nam vẫn sẵn sàng hậu thuẫn các nghĩa vụ nợ của Vinashin ở nước ngoài, mặc dù thời gian đáo hạn đã được kéo dài và lãi suất cũng được giảm xuống.
Tuy nhiên, các chủ nợ còn lại có thể từ chối thông qua thỏa thuận này. Nếu như điều đó xảy ra, thỏa thuận sẽ được thực hiện ở Anh và phải mất thêm 6 tháng nữa để hoàn tất. Các chủ nợ còn lại cũng được cho thêm thời gian để quyết định có thông qua lời đề nghị của Vinashin hay không. Thời hạn cuối cùng để các chủ nợ hồi âm là ngày 20/3.
KPMG là đơn vị tư vấn cho kế hoạch tái cơ cấu của Vinashin.
Minh Anh