99% dòng thuế giữa Việt Nam - EU sẽ về 0%
Chính thức kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA)...
- 02-12-201599% hàng rào thuế quan Việt Nam sẽ được xóa bỏ khi vào EU
- 01-12-2015Tăng thuế nhập khẩu một số dòng ô tô chở hàng
- 09-11-2015Xóa bỏ từ 78 - 95% dòng thuế khi TPP có hiệu lực
Hôm 2/12, tại trụ sở Uỷ ban Châu Âu ở Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại Liên minh Châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom đã ký tuyên bố chung, chính thức kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) sau 3 năm.
Lễ ký diễn ra dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Jean Claude Janker.
Từ năm 2001 đến 2014, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và EU đã tăng hơn 8 lần, từ mức 4,5 tỷ USD lên hơn 36,8 tỷ USD.
Riêng 9 tháng đầu năm 2015, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt 30,8 tỷ USD, tăng gần 15,5% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó Việt Nam xuất khẩu là 22,6 tỷ USD và nhập khẩu 8,2 tỷ USD.
Tính đến hết tháng 9/2015 đã có 23/28 nước thuộc EU đầu tư vào Việt Nam với 2.030 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký đạt gần 36 tỷ USD.
Ngược lại, đến nay Việt Nam đã có 57 dự án đang đầu tư tại 13 nước thuộc EU với tổng vốn đăng ký đạt gần 152 triệu USD
EVFTA được đánh giá là một hiệp định thương mại có chất lượng cao, toàn diện và cân bằng về lợi ích, trong đó cả EU và Việt Nam đều cam kết cắt giảm trên 99% thuế nhập khẩu, trong đó Việt Nam sẽ thực hiện việc cắt giảm thuế quan trong vòng 10 năm còn EU thực hiện trong vòng 7 năm.
Treo đổi nhanh với PV, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bùi Huy Sơn (Bộ Công thương) tin tưởng: “Chúng ta đã đủ sức để đối diện với sự cạnh tranh khi EVFTA có hiệu lực...”.
Còn khoảng hai năm để 28 nước thành viên của EU phê chuẩn EVFTA và đây chính là thời điểm quan trọng để Việt Nam nâng cao năng lực thông qua cải cách thể chế và chính sách - một trọng tâm của Chính phủ khi chuẩn bị cho việc thực thi hiệp định.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại cho rằng, bất kỳ một hiệp định nào đều có tác động tích cực và tiêu cực, nghĩa là vừa có cơ hội vừa có thách thức. Trong trường hợp EVFTA, nếu xét về thương mại hàng hóa, thì Việt Nam có cơ hội lớn hơn.
Trong thương mại hàng hóa các sản phẩm của Việt Nam và EU có tính bổ sung nhiều hơn là tính cạnh tranh. Các sản phẩm cạnh tranh chủ yếu là thịt lợn, thịt gà, sữa, giấy, ôtô, bánh kẹo, rượu và một số sản phẩm khác... Việt Nam là một nước đang phát triển, do đó tỷ lệ xóa bỏ thuế quan của EU lớn hơn Việt Nam.
Tuy nhiên, cơ hội không tự biến thành lợi ích, không tự chuyển thành sức cạnh tranh trên thị trường mà phụ thuộc vào chủ thể, ở đây là Nhà nước và doanh nghiệp.