ADB cho Việt Nam vay 90 triệu USD thoát nghèo
Người nghèo sẽ có cơ hội thoát nghèo khi ADB cho Việt Nam vay 90 triệu USD trong chương trình “Hỗ trợ phát triển tài chính vi mô” tại Việt Nam trong 3 năm từ tháng 6/2015 – tháng 6/2018.
- 21-08-2015ADB thông qua khoản vay 1 tỷ USD hỗ trợ kinh tế cho Kazakhstan
- 08-08-2015ADB viện trợ không hoàn lại 500.000 USD để cải cách ngành điện
- 04-07-2015TP.HCM đề xuất vay 1,7 tỷ USD vốn ADB cho nhiều dự án hạ tầng
Ngày 18/9, tại TP.HCM, Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức buổi tọa đàm về chính sách và tư vấn “Hỗ trợ phát triển Tài chính vi mô”.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ triển khai dự án Hỗ trợ kỹ thuật về chính sách và tư vấn “Hỗ trợ phát triển tài chính vi mô” do ADB tài trợ, nhằm cung cấp các dịch vụ tài chính chất lượng và phù hợp cho người có thu nhập thấp.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản tại một tổ chức tài chính chính thức của Việt Nam năm 2015 là 31%. Tỷ lệ này dù đã được cải thiện so với mức 21,4% năm 2012 nhưng vẫn còn rất thấp so với nhiều nước như Thái Lan (78,1%), Trung Quốc (78,9%), Singapore (96,4%).
Ông Eiichi Sasaki, cán bộ phụ trách dự án Phát triển tài chính vi mô Việt Nam của ADB cho biết, tỷ lệ phổ cập tài chính ở Việt Nam còn thấp là do kinh tế nông thông chủ yếu dựa vào tiền mặt, cơ sở hạ tầng còn hạn chế và chi phí giao dịch tài chính còn cao.
Sự hỗ trợ của ngân hàng Chính sách xã hội đối với người nghèo còn hạn chế, vì chi phí cho việc trợ cấp của nhà nước quá lớn dãn tới hiệu quả và tác động trực tiếp tới tay người vay rất nhỏ. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận các nhà đầu tư lớn hoặc các nguồn vốn thương mại của ngân hàng chính sách xã hội còn hạn chế khiến nguồn vốn cho vay đối tượng này chưa dồi dào.
Đánh giá về ngành tài chính vi mô của Việt Nam, ông Mariano A.Cordero, chuyên gia quốc tế ngành tài chính vi mô, Trưởng nhóm tư vấn dự án hỗ trợ chương trình phát triển tài chính vi mô cho rằng, hiện tại các thông tư hướng dẫn về quản trị điều hành và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô vẫn đang trong quá trình soạn thảo. Việt Nam cũng chưa có định hướng rõ ràng và hướng dẫn cụ thể trong việc củng cố và chính thức hóa các tổ chức tài chính vi mô bán chính thức.
Do vậy, chương trình phát triển tài chính vi mô và phổ cập tài chính của ADB sẽ giúp Việt Nam xây dựng môi trường chính sách pháp lý thuận lợi hỗ trợ ngành tài chính vi mô phát triển bền vững theo định hướng thị trường; tăng cường năng lực quản lý, giám sát ngành; tăng cường năng lực vận hành của các tổ chức cung ứng dịch vụ; phát triển cơ sở hạ tầng tài chính hỗ trợ ngành tài chính vi mô.
Bizlive