MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ADB lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong cả năm 2015 và 2016

ADB đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 của Việt Nam lên mức 6,5% và 6,6% cho năm 2016 – cao hơn so với dự báo mà ngân hàng này đã đưa ra vào đầu năm nay.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang công bố Báo cáo Cập nhật triển vọng phát triển Châu Á. Phần đánh giá về kinh tế của Việt Nam, tổ chức này nhấn mạnh: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2015 và 2016 sẽ vượt mức kỳ vọng, với các chính sách tiền tệ và tài khóa hợp lý góp phần khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô, những cải cách chính sách gần đây đã củng cố niềm tin của doanh nghiệp.

Cụ thể, ADB đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 của Việt Nam lên mức 6,5% và 6,6% cho năm 2016 – cao hơn so với dự báo mà ngân hàng này đã đưa ra vào đầu năm nay.

Trước đó, tổ chức này dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2015 sẽ đạt mức 6,1% và năm 2016 sẽ là 6,2%.

“Kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được cải thiện nhờ vào một loạt yếu tố, đặc biệt là sản lượng khu vực sản xuất công nghiệp tăng mạnh, chi tiêu tiêu dùng cũng tăng và ổn định kinh tế vĩ mô được cải thiện” – Ông Eric Sidgwick – Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nói.

Báo cáo cho biết, sản lượng trong khu vực sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng trưởng tốt, tăng 9,9% trong 6 tháng đầu năm nhờ các doanh nghiệp FDI đẩy mạnh sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Đà tăng trưởng này dự báo sẽ tiếp tục được duy trì khi tốc độ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 6 tháng đầu năm đạt mức kỷ lục.

Tốc độ tăng trưởng trong ngành xây dựng cũng tăng tốc, đạt 6,6% trong 6 tháng đầu năm nhờ có sự phục hồi trên thị trường bất động sản và đầu tư công vào lĩnh vực hạ tầng.

Mặc dù đạt được những thành này, song ADB cũng lưu ý Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một số thách thức kinh tế vĩ mô đang gia tăng.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam suy giảm ở Trung Quốc – một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Việt Nam – có thể kéo theo triển vọng thương mại ảm đạm hơn, trong khi giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục ở mức thấp sẽ làm giảm kim ngạch xuất khẩu đối với những ngành mũi nhọn như dầu lửa và nông nghiệp.

“Để giảm nhẹ tác động của những thách thức này, Việt Nam cần tiếp tục tái cơ cấu và cải cách khu vực tài chính sâu rộng hơn, nâng cao năng suất và đẩy mạnh năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam” – Ông Eric Sidgwick nhấn mạnh.

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên