MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ADB sẽ nghiên cứu thêm cơ hội hỗ trợ Việt Nam

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ tích cực nghiên cứu các cơ hội đồng tài trợ, hợp tác công tư, sử dụng bảo lãnh và nhiều khả năng sáng tạo khác dành cho Việt Nam trong tương lai.

Đây là lời khẳng định của Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda khi trả lời phỏng vấn của Vietnam+ bên lề Hội nghị bộ trưởng tài chính ASEAN lần thứ 14, vừa kết thúc tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa tối 8/4.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN, ADB có thể đưa ra những khuyến nghị gì cho các bộ trưởng về việc tạo lập các thị trường tài chính ổn định cho phát triển bền vững sau cuộc khủng hoảng toàn cầu vừa qua? ADB có quan điểm như thế nào đối với sáng kiến của ASEAN+3 về cơ chế trao đổi tiền tệ đa phương?

Ông Haruhiko Kuroda: Rõ ràng là giờ đây ASEAN đã vượt qua giai đoạn suy thoái. Trong bài phát biểu của mình trước các bộ trưởng tài chính ASEAN, tôi đặc biệt nhấn mạnh một điểm, là các chính sách cần phải được quản lý một cách thận trọng bởi các nguồn lực tăng trưởng cần phải được chuyển dần từ chính phủ và ngân hàng trung ương sang nhu cầu của khu vực tư nhân.

Tôi cũng nhấn mạnh rằng cần phải chú trọng hơn việc cân nhắc những con đường để xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN hoạt động hiệu quả vào năm 2015. Một thị trường và một cơ sở sản xuất chung có thể biến ASEAN thành một khu vực kinh tế toàn cầu có tính cạnh tranh cao. Nó sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển và cải thiện môi trường đầu tư. Để làm được điều đó, ASEAN phải củng cố cấu trúc về thể chế và thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các thành viên của mình.

Về hợp tác tài chính, các nước ASEAN+3 đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này, và, gần đây, đã phát triển và mở rộng thỏa thuận trao đổi tiền tệ thành thỏa thuận đa phương, được biết tới như Sáng kiến Đa phương hóa Chiang Mai (hay CMIM).

CMIM là một bước tiến đáng kể, bởi nó cho phép huy động các nguồn tiền sẵn có cho quốc gia có nhu cầu chỉ qua một quyết định chung duy nhất, thay vì phải đợi một loạt các quyết định phê chuẩn riêng rẽ. Điều này đảm bảo quá trình đưa ra quyết định và huy động vốn có thể được tiến hành nhanh và thuận lợi, và khiến cho Sáng kiến này trở thành một cơ chế mạnh mẽ hơn và đáng tin cậy hơn các thỏa thuận trao đổi tiền tệ song phương đã có trước đây.

Mặc dù CMIM là một bước tiến tích cực cho khu vực trong hợp tác tài chính song vẫn còn nhiều việc phải làm, không chỉ trong lĩnh vực tài chính, mà cả các lĩnh vực khác như thương mại và đầu tư.

Bên cạnh việc tư vấn chính sách, ADB còn cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các quốc gia ASEAN với một loạt các mục đích, trong đó có tái cấu trúc nền kinh tế và giảm nghèo. Trong tương lai, ADB sẽ dành những nguồn hỗ trợ tài chính nào cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng?

Ông Haruhiko Kuroda: Theo đã khẳng định trong khuôn khổ chiến lược dài hạn của ADB, Chiến lược 2020, ADB coi “việc huy động nguồn lực” như một trong những vai trò quan trọng của mình. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác phát triển để có thể huy động các nguồn lực của các đối tác đó dưới hình thức đồng tài trợ. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với khu vực tư nhân để tìm kiếm cơ hội lớn hơn cho quan hệ đối tác công tư, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chúng tôi cũng đã làm việc với các ngân hàng thuộc khu vực tư nhân trong lĩnh vực tài trợ thương mại và chúng tôi sẽ tích cực phối hợp để cung cấp bảo lãnh. Ngoài ra luôn có những nguồn lực sẵn có, đặc biệt trong lĩnh vực biến đổi khí hậu trong cộng đồng quốc tế và chúng tôi sẽ giúp các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng để khai thác những nguồn lực đó.

Đối với Việt Nam, trong năm 2009, ADB đã huy động hơn 2 tỷ USD từ các nguồn lực mới cho Việt Nam, bao gồm 500 triệu USD trợ giúp đặc biệt thuộc Quỹ Hỗ trợ chống khủng hoảng theo chu kỳ (CSF) được thành lập nhằm giúp các nước bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu, và 375 triệu USD tiền bảo lãnh cho các khoản vay dành cho khu vực tư nhân. Hướng tới tương lai, ngoài các khoản vay từ Quỹ Phát triển Châu Á rất ưu đãi của ngân hàng và Các nguồn Vốn vay Thông thường dựa trên lãi suất LIBOR, chúng tôi sẽ tích cực nghiên cứu các cơ hội đồng tài trợ, hợp tác công tư, sử dụng bảo lãnh và nhiều khả năng sáng tạo khác.
 
Một trong những nhân tố mà các nhà tài trợ cân nhắc trước khi đưa ra quyết định hỗ trợ là tỷ lệ giải ngân. Ông có quan điểm như thế nào về tỷ lệ giải ngân và tính hiệu quả của vốn vay ODA của Việt Nam? Theo ông, Việt Nam nên làm gì để có thể tiếp tục nhận được hỗ trợ từ cộng đồng các nhà tài trợ? Và khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, khả năng tiếp tục nhận được các nguồn lực từ bên ngoài sẽ như thế nào?

Ông Haruhiko Kuroda: Việc sử dụng hiệu quả ODA là một thách thức đối với Việt Nam. Chậm trễ trong khâu đầu tiên là hiện tượng phổ biến, và có liên quan đến quy trình phê duyệt kéo dài nhiều bước. Đơn giản hóa hệ thống sẽ không chỉ làm cho quá trình nhanh hơn, mà còn cho phép giao trách nhiệm ở phạm vi lớn hơn cho các bộ ngành và địa phương, cũng như cải thiện tính minh bạch. Về phía chúng tôi, Ngân hàng Phát triển châu Á đã giới thiệu các quy trình kinh doanh mới được sắp xếp lại trong năm nay. Các quy trình này được thiết kế để đơn giản hóa và tăng tốc độ làm việc của chúng tôi, và chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ tận dụng những thủ tục mới có khả năng hỗ trợ phần nào việc đổi mới hệ thống làm việc của mình.

Việc Việt Nam tiến lên một quốc gia thu nhập trung bình từ một nước thu nhập thấp tất nhiên sẽ làm thay đổi bản chất và thành phần của vốn ODA cho Việt Nam, và một số nhà tài trợ có lẽ sẽ dần chấm dứt hoạt động viện trợ không hoàn lại của mình.

Đồng thời, nhu cầu cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng sẽ ngày một tăng cao nên mức vốn hỗ trợ trong lĩnh vực này có khả năng sẽ tăng lên.

Khi từng bước chuyển từ nhận viện trợ sang các khoản vay có lãi suất thấp, và sau đó từ các khoản vay có lãi suất thấp tới các công cụ cho vay mang tính thị trường nhiều hơn, Việt Nam sẽ có thêm nhiều các nguồn tài trợ bên ngoài, bao gồm cả khu vực tư nhân và các công cụ tài chính khác như trái phiếu và bảo lãnh.

Tất nhiên cần lưu ý rằng trong trường hợp của Việt Nam, ODA không thực sự có vai trò chính đối với GDP. Đối với một nền kinh tế quy mô 100 tỷ USD, 8 tỷ USD cam kết hỗ trợ và 4 tỷ USD giải ngân thực tế là những con số khiêm tốn, mặc dù tôi tin ODA đã phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ sự phát triển của đất nước.

Trong tương lai, tôi tin rằng các nỗ lực hỗ trợ sẽ tập trung vào việc giúp đỡ chính phủ huy động thêm nguồn lực từ khu vực tư nhân cho nhu cầu phát triển đất nước.

Theo P.V (Vietnam+)

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên