MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

AEC: “Đường lớn” đã mở, nên đi thế nào?

Theo số liệu của Hiệp hội doanh nghiệp trẻ, hiện có tới 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam còn thờ ơ, không biết những gì đang chờ đợi họ trước thềm Cộng đồng kinh tế ASEAN...

Theo tiến trình hội nhập, đến cuối năm nay, ASEAN sẽ chính thức bước đi những bước đi đầu tiên trong việc hình thành Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) – một mái nhà chung ASEAN. ASEAN sẽ trở thành một thị trường chung thống nhất, khi đó hàng hóa Việt Nam đi các nước ASEAN cũng như hàng hóa Việt Nam đi từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh.

AEC sẽ là một trong 3 trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong tầm nhìn 2020: kinh tế, an ninh và văn hóa–xã hội ASEAN. AEC sẽ thống nhất nền kinh tế của các quốc gia thành viên thành một khối sản xuất thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung của khu vực.

Hàng rào thuế quan và phi thuế quan bị phá bỏ, các nhà đầu tư ASEAN sẽ đầu tư vào tất cả mọi lĩnh vực. Các chuyên gia và lao động có tay nghề sẽ được luân chuyển tự do trong khu vựcải quan và thương mại sẽ trở nên đơn giản hơn, giảm chi phí giao dịch.

Cơ hội mở rộng thị trường

Chia sẻ trong chương trình "Đối thoại chính sách: Cộng đồng Kinh tế ASEAN - Bước khởi đầu cho một thị trường chung thống nhất" hồi đầu tháng 2, TS Trần Đình Thiên- Viện Trưởng Viện Kinh tế Trung Ương cho biết, cộng đồng kinh tế là một liên kết cấp cao của một nhóm nước trong khu vực. Trên thế giới hiện nay mới rõ nhất là cộng đồng kinh tế EU. Đây là một thị trường chung, cơ sở sản xuất thống nhất, cơ sở tiền tệ, điều hành vĩ mô thống nhất (tỷ giá hối đoái, tỷ lệ lạm phát …)

Ông Thiên nhận định, trình độ phát triển của các nước ASEAN chưa thể bằng được EU nhưng đã hăng hái thành lập cộng đồng kinh tế, đây là một nỗ lực lớn trong việc tạo động lực phát triển cho cả khu vực.

AEC là một thị trường rộng lớn với khoảng 600 triệu dân. Khi tham gia AEC, thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam sẽ ngày càng mở rộng. Thêm vào đó, VN sẽ có cơ hội thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các nước có nền kinh tế phát triển cao hơn như Singapore, Indonesia…

ASEAN hiện là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của VN và là động lực giúp nền kinh tế nước ta duy trì tốc độ tăng trưởng và xuất khẩu trong nhiều năm qua. So với năm 2002, thương mại hai chiều Việt Nam – ASEAN năm 2013 đã tăng 5 lần; chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước. Giai đoạn 2002-2013, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của VN sang ASEAN đạt 28,4%/năm và nhập khẩu đạt 27%/năm.

Tăng cường xuất khẩu và thu hút đầu tư

Khi AEC được hình thành, các doanh nghiệp Việt Nam có thể bán hàng sang ASEAN gần như bán hàng trong nước với mức thuế suất gần về 0%. Bên cạnh đó, các thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục thông quan sẽ đỡ rườm rà hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Theo dự báo, trước thềm AEC, xuất khẩu của VN sang ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan với trên 99% dòng thuế của ASEAN-6 đã về mức 0% theo Hiệp định ATIGA.

Bên cạnh đó, cơ hội lớn nhất mà Việt Nam có thể nhận được sau khi AEC hình thành chính là khả năng thu hút đầu tư từ các nền kinh tế lớn và phát triển. Việc xây dựng một ASEAN thống nhất sẽ giúp các nhà đầu tư nhìn nhận ASEAN như một sân chơi chung, một công xưởng chung với nguồn nhân lực có kỹ năng và chi phí rẻ.

AEC cũng sẽ giúp Việt Nam cải thiện tốt hơn môi trường kinh doanh từ thủ tục hải quan, thủ tục hành chính tới việc tạo ra các ưu đãi đầu tư. Thu hút đầu tư nhiều hơn đồng nghĩa với quá trình chuyển giao công nghệ diễn ra nhanh và tích cực hơn; góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp; tạo đà cho nền kinh tế Việt Nam phát triển cân bằng với các quốc gia khác.

"Đường lớn" đã mở, nên đi thế nào?

Tại tọa đàm trực tuyến “Hóa giải thách thức từ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nếu đánh giá trên thang điểm 10 thì sự chuẩn bị về mặt vĩ mô của Việt Nam cho AEC đạt trên 5 điểm, song sự chuẩn bị của doanh nghiệp Việt Nam đạt dưới 5 điểm.

Phân tích thêm, ông Sơn cho rằng, những thách thức đặt ra cũng không phải là ít, nhất là sức cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn thấp nên nguy cơ bị mất thị trường nội địa rất dễ xảy ra. Một thực tế dễ nhận thấy là từ vài năm trở lại đây, hàng hoá của các nước trong khối ASEAN đã tràn ngập thị trường Việt Nam, nhiều thương hiệu bán lẻ lớn của Việt Nam thời gian qua đã bị thâu tóm, gần đây nhất là việc siêu thị Metro Việt Nam chuyển nhượng cho một doanh nghiệp từ Thái Lan.

Quan điểm của Việt Nam cho việc tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN thời gian qua là rất tích cực. Tuy nhiên, ông Sơn cho biết, theo kết quả điều tra khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội trong khuôn khổ đề tài về Cộng đồng kinh tế ASEAN, nhiều địa phương và doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng cho AEC.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (World Bank), môi trường kinh doanh của Việt Nam trong 2 năm qua đã được cải thiện, nhưng còn khá chậm. Trong khi nhiều doanh nghiệp lớn đã tích cực tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn đang “loay hoay”.

Trong khi đó, ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội nhận định, ở góc độ vĩ mô, Nhà nước và Chính phủ đã có sự chuẩn bị tốt cho việc gia nhập AEC. Tuy nhiên, một bộ phận không thể thiếu khi tham gia AEC chính là cộng đồng doanh nghiệp lại thiếu hẳn các “vũ khí”, kiến thức cho việc gia nhập AEC.

Theo số liệu của Hiệp hội doanh nghiệp trẻ, hiện có tới 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam còn thờ ơ, không biết những gì đang đợi họ trước thềm Cộng đồng kinh tế ASEAN. Do đó, doanh nghiệp Việt cần chủ động hơn nữa trong việc tìm kiếm cơ hội và tìm đường đi nước bước cho mình.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và xuất xứ hàng hóa. Để tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN thành công vào năm 2015 đòi hỏi nhiều nỗ lực không chỉ từ phía các cơ quan Chính phủ mà cần có sự chủ động và tích cực hơn nữa của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Đón đọc Bài 2: Cơ hội cần nắm bắt, nhưng khó khăn sẽ tự tìm đến!

Thảo Anh

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên