MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bà chủ Indonesia với tham vọng chinh phục thị trường Việt Nam: Cứ đi rồi sẽ đến!

Khởi nghiệp từ niềm đam mê với thời trang, từng thất bại vì mậu dịch tự do khiến hàng hóa Trung Quốc tràn sang Indonesia, gục ngã rồi đứng dậy…. Đến nay, trải qua 25 năm thăng trầm trong kinh doanh, bà Yati Law tin rằng: Cứ đi rồi sẽ đến!

Nội dung nổi bật:

- Bà Yati Law, Giám đốc một công ty may mặc của Indonesia chia sẻ về câu chuyện kinh doanh từ chính niềm đam mê thời trang của mình.

- Bà khởi nghiệp khá “êm đềm” cho đến khi mậu dịch tự do khiến hàng hóa Trung Quốc tràn sang Indonesia và đe dọa các sản phẩm của công ty bà.

- Trải qua 25 năm thăng trầm trong kinh doanh, bà tin rằng: Cứ đi rồi sẽ đến!


Ngày 6/3, tại Hà Nội, Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn Doanh nhân nữ ASEAN 2015 với chủ đề “Doanh nhân nữ ASEAN trong cộng đồng kinh tế ASEAN: Biến cơ hội thành hiện thực”. Diễn đàn có sự tham gia của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam cùng hàng trăm nữ doanh nhân đến từ các quốc gia trong khu vực ASEAN như Indonesia, Malaysia, Thái Lan…

Bên lề hội thảo, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Yati Law, Giám đốc một công ty may mặc của Indonesia về câu chuyện kinh doanh từ chính niềm đam mê thời trang.

Từng thất bại vì … mậu dịch tự do

Phóng viên: Bà có thể chia sẻ đôi chút về công ty và sản phẩm của mình. Con đường khởi nghiệp của bà có gặp khó khăn gì không?

Bà Yati Law: Cách đây 25 năm, tôi bắt đầu khởi nghiệp từ chính niềm đam mê thời trang. Trước khi khởi nghiệp, tôi luôn nỗ lực học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Và một ngày, tôi quyết định đã đến lúc phải làm một cái gì đó lớn hơn. Tôi thích thời trang, thích các hình ảnh và thương hiệu. Tôi tìm hiểu thật kỹ về tất cả những gì cần làm trước khi xây dựng một công ty.

Tôi học 1 năm tại trường Cao đẳng thời trang khá nổi tiếng ở Indonesia. Sau đó, tôi chính thức khởi nghiệp bằng việc tự thiết kế, may và bán các sản phẩm quần áo thủ công. Trong khoảng 10 năm đầu, công việc làm ăn của tôi khá “êm đềm” và không có điểm nhấn gì nổi bật cho đến khi mậu dịch tự do giữa các quốc gia được khuyến khích.

Hàng hóa từ Trung Quốc bắt đầu xâm nhập vào thị trường Indonesia với mẫu mã đa dạng và giá rẻ hơn. Công ty tôi khi đó còn khá nhỏ và giữa “cơn bão” mậu dịch tự do, các sản phẩm của chúng tôi mất dần lợi thế cạnh tranh. Tôi đã từng tuyệt vọng và định buông xuôi tất cả.

Tuy nhiên, niềm đam mê với thời trang không cho phép tôi gục ngã. Tôi đã cố gắng vực dậy từ chính thất bại. Một bước ngoặt lớn trong đời tôi là khi tôi tham gia vào Hiệp hội nữ doanh nhân Indonesia. Tại đây, tôi đã được học hỏi và hỗ trợ rất nhiều.

Tôi bắt đầu đem các sản phẩm của mình tham gia nhiều triển lãm giới thiệu sản phẩm đến với khách hàng. Những sản phẩm của tôi khác biệt so với hàng Trung Quốc tràn lan lúc bấy giờ vì chúng mang nét truyền thống của Indonesia. Khách hàng đến xem sản phẩm của tôi đều tỏ ra rất thích thú với những sản phẩm thủ công được may từ vải. Họ khen sản phẩm có chất lượng tốt.

Thông qua các triển lãm, có những lô sản phẩm của tôi chỉ tiêu thụ trong 2 tuần – một tốc độ nhanh chóng mặt. Tôi bắt đầu nhìn thấy con đường sáng phía trước.

Tôi quyết định mua máy móc và thuê thêm nhân viên. Những sản phẩm của tôi lúc đầu chỉ được tiêu thụ ở một số đảo nhỏ ở Indonesia đã bắt đầu đến với thủ đô Jakarta.

Sau đó, tôi tiếp tục thuê nhà xưởng, thuê các gian hàng trưng bày sản phẩm, tổ chức các buổi thuyết trình để giới thiệu về sản phẩm của mình... Đến nay, nhiều khách hàng từ Hồng Kong, Malaysia, Hoa Kỳ… đều rất hài lòng với sản phẩm của chúng tôi.

Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì sản phẩm của mình có chất lượng tốt và được khách hàng đón nhận. Mục tiêu cuối cùng của tôi chính là sự hài lòng của khách hàng từ khắp nơi trên thế giới. Hiện tại, công ty của tôi có 10 nhân viên may gia công và 2 nhân viên hỗ trợ bán hàng. Lợi nhuận hàng năm của chúng tôi đạt khoảng 300.000 USD.

Cứ đi rồi sẽ đến!

Tại sao bà lại chọn công việc này?

Tôi yêu công việc này. Tôi thích thời trang, thích những gì tự nhiên. Tôi có thể làm tất cả vì niềm đam mê của mình.

Việt Nam cũng là một quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu các sản phẩm dệt và may mặc ra thị trường thế giới. Bà đánh giá thế nào về điều này?

Theo tôi được biết, Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về các sản phẩm may mặc. Hàng may mặc của Việt Nam đều có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Tôi đã tìm hiểu khá kỹ về ngành may mặc của Việt Nam. Bản thân tôi cũng rất yêu thích các sản phẩm dệt may của Việt Nam.

Tôi thấy rõ sự khác biệt trên từng sản phẩm dệt may của Việt Nam. Tôi cũng đã từng rất ấn tượng với những sản phẩm “Made in Vietnam” được bày bán tại Indonesia. Lần này, tôi được chọn vào Đoàn đại biểu nữ doanh nhân Indonesia tham dự Diễn đàn tại Việt Nam. Tôi rất hạnh phúc khi được mang những sản phẩm của mình đến Việt Nam.

Nguyên phụ liệu hàng may mặc của công ty bà có được nhập khẩu từ các quốc gia khác không, như Trung Quốc chẳng hạn?

Hoàn toàn không. Sản phẩm của chúng tôi, từ vải, nguyên phụ liệu đến cả quá trình gia công, sản xuất đều tại Indonesia.

Hiện nay sản phẩm của công ty bà đang được xuất khẩu sang những quốc gia nào? Bà có kế hoạch xuất khẩu sản phẩm sang Việt Nam hay không? Nếu có thì chiến lược cạnh tranh của bà tại một đất nước đã có thế mạnh về hàng may mặc là gì?

Hiện nay, công ty tôi đang xuất khẩu sang một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Singapore… Ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên tôi mang sản phẩm của mình sang giới thiệu. Hôm nay đã có rất nhiều khách hàng tới mua sản phẩm của tôi. Tôi cảm thấy rất vui và có thể tôi sẽ xuất khẩu sản phẩm sang Việt Nam.

Về chiến lược, việc đầu tiên tôi cần làm là tìm kiếm một công ty đối tác tại Việt Nam. Bởi hiện nay chúng tôi chưa có văn phòng ở đây.

Bà có yêu cầu gì với công ty đối tác không?

Tôi không có yêu cầu gì đặc biệt. Bất cứ công ty nào trong lĩnh vực may mặc, phù hợp với chúng tôi thì tôi sẽ lựa chọn.

Là phụ nữ, bà đánh giá thế nào về những khó khăn, thách thức mà phụ nữ gặp phải trong lĩnh vực kinh doanh? Bà có lời khuyên nào dành cho những nữ doanh nhân bắt đầu khởi nghiệp?

Đối với phụ nữ làm kinh doanh, bất cứ điều gì đều có thể trở thành thách thức nếu như họ không đủ bản lĩnh để vượt qua. Muốn lên cao, chúng ta phải bắt đầu từ những vị trí thấp, phải học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và trưởng thành dần. Cứ đi rồi sẽ đến!

Tôi hạnh phúc với lựa chọn của mình. Mỗi ngày, tôi thiết kế những mẫu sản phẩm mà mình yêu thích. Với các bạn trẻ, những người đang ấp ủ dự định khởi nghiệp, tôi chỉ có một lời khuyên duy nhất: Hãy làm những gì mà bạn thích, chỉ cần bạn cảm thấy hạnh phúc!

Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!

Nguyệt Quế (thực hiện)

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên