Bài toán nan giải của giao thông Việt Nam
Bài toán đối với ngành giao thông vận tải hiện nay là nguồn vốn ở đâu để thực hiện các dự án nâng cấp mở rộng giao thông,trong bối cảnh ngân sách Nhà nước và các nguồn vay nước ngoài đều trở lên hạn hẹp.
Bàn luận xung quanh những ý kiến này, cũng như giải thích rõ hơn về chủ trương BOT của Chính phủ, trong chương trình Đối thoại chính sách,
phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng
Bộ Giao thông Vận tải và TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh
tế Quốc hội.
Dự kiến, hàng trăm nghìn tỷ đồng được sử dụng cho việc nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A và những tuyến giao thông huyết mạch. Với những dự án vừa được khởi công, BOT đã trở thành một hình thức huy động vốn hiệu quả để có thể hoàn thành toàn tuyến Quốc lộ 1A ngay trong năm 2016. Vấn đề lúc này làm sao tìm ra được cơ chế hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, chủ đầu tư, người dân và doanh nghiệp.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 đã xác định một trong ba khâu đột phá chiến lược là: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn”, đồng thời nêu rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2011 - 2015 là “Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, nhất là hệ thống giao thông”.
Triển khai chiến lược này, chỉ trong vòng 2 tháng trở lại đây, đã có ít nhất 10 dự án mở rộng Quốc lộ 1A, tuyến đường huyết mạch quan trọng nhất trong hệ thống đường bộ của Việt Nam đã được khởi công xây dựng theo hình thức BOT. Tức là doanh nghiệp bỏ tiền ra xây đường và sau đó được hoàn vốn bằng phí thu của các phương tiện lưu thông trên chính tuyến đường mà họ đã đầu tư.
Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hạn hẹp như hiện nay, việc huy động nguồn vốn hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng để hiện thực hóa chiến lược 10 năm về xây dựng kết cấu hạ tầng là điều không thể và việc huy động nguồn vốn bên ngoài bằng hình thức BOT là yêu cầu bắt buộc.
Trong khi đó, người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải lại cho rằng, không nên tiếp tục để người dân và doanh nghiệp lại phải tiếp tục gánh thêm các loại phí, bởi hiện giờ họ đã quá khó khăn.