Bẫy giăng phía trước
“Thế giới cảnh báo Việt Nam về bẫy thu nhập trung bình mà rất ít nước vượt qua được. Liệu chúng ta có rơi vào đó hay không?”
Việt Nam có thể sẽ sa vào bẫy thu nhập trung bình đang giăng sẵn trong chặng đường phát triển phía trước, nếu không giải quyết được những yếu kém nội tại của thể chế và nền kinh tế ngay trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra
Đây là khuyến nghị chính của một số học giả, nhà kinh tế hàng đầu đất nước trong buổi thảo luận với bốn văn phòng Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Chủ tịch nước trong ngày hôm qua tại Hà Nội nhằm tìm các giải pháp phát triển kinh tế xã hội sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Giám đốc viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nói: “Thế giới cảnh báo Việt Nam về bẫy thu nhập trung bình mà rất ít nước vượt qua được. Liệu chúng ta có rơi vào đó hay không?”
Dẫn chứng cho nhận định này, ông Thiên nêu kinh nghiệm của các nước Đông Nam Á đi trước như Malaysia, Thái Lan, hay bậc thấp hơn như Indonesia và Philippines đều không vượt khỏi cái bẫy này sau những kỳ tích phát triển đáng kinh ngạc suốt hai thập niên 1970 – 1980.
Trong khi đó, chỉ một số ít kinh tế Đông Á như Hàn Quốc, Đài Loan đã vượt qua bẫy bằng con đường phát triển hướng tới công nghệ cao trên nền tảng chất lượng nguồn nhân lực.
“Thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình là bài toán phát triển thuộc loại khó giải nhất, vì vậy phải tập trung làm rõ vấn đề này như là một trong những quan điểm chi phối cách tư duy chiến lược của ta trong giai đoạn tới với yêu cầu tối cao đặt ra là tái cấu trúc kinh tế”, ông nói.
Ông Thiên chỉ gợi mở vấn đề, nhưng phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa nhận định thẳng: “Tôi nghĩ, Việt Nam chúng ta sẽ sa vào bẫy thu nhập trung bình thôi. Lý do là chúng ta đã không tận dụng được các cơ hội khủng hoảng để phát triển. Trên thực tế, chúng ta đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội, và bây giờ khó có thể tận dụng được cơ hội như thế này”.
Ông Nghĩa nói, do không có cơ sở hạ tầng, nền tảng khoa học công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, thể chế quản lý vững mạnh để có thể tận dụng cơ hội tái cấu trúc kinh tế để vượt lên, nên Việt Nam sẽ vào nhóm nước thứ hai. “Tức là sau khủng hoảng chúng ta vẫn thế”.
Ông Thiên đồng ý điểm này. Ông nói, nền kinh tế bộc lộ nhiều điểm yếu đặc biệt trong hai, ba năm vừa rồi. Hàng loạt các vấn đề như doanh nghiệp nhà nước độc quyền làm méo mó thị trường; nguồn nhân lực đông, giá rẻ, thiếu việc làm trong khi hệ thống giáo dục thất bại trong cải cách; và thiếu năng lực quản trị vĩ mô đang gây cản trở Việt Nam tiến nhanh sau khủng hoảng.
Ông nói: “Cấu trúc thể chế thị trường ở Việt Nam không bình thường. Chúng ta đang phân vân, lựa chọn nền kinh tế thị trường không phát triển lành mạnh, cấu trúc méo mó…”. Ông Thiên nói: “Với mô hình phát triển hiện tại của ta thì tôi chưa thấy triển vọng không rơi bẫy”.
Liên quan đến mô hình phát triển, viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Đinh Văn Ân cho rằng, kinh tế thị trường vẫn là mô hình kinh tế có sức sống và phổ biến, dù có thất bại của mô hình kinh tế thị trường tự do kiểu Mỹ.
Ông cảnh báo: “Cách can thiệp ồ ạt và trực tiếp của Nhà nước mang tính chữa cháy cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ “thất bại nhà nước” trong tương lai, như làm tăng vấn đề rủi ro đạo đức, làm méo mó hơn vấn đề phân phối, phân bổ nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính”.
Ông Ân cho rằng, cuộc khủng hoảng lần này là khoảng lặng cần thiết để xem xét, đánh giá lại mô hình tăng trưởng của Việt Nam hiện nay. Hàng loạt các vấn đề, theo ông, cần được xem xét như làm lành mạnh hoá kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc các doanh nghiệp, và nền kinh tế.
Nhưng những gợi ý này có vẻ khó thực hiện. Ông nói: “Cho đến giờ này, chúng ta vẫn chủ yếu đi vào những vẫn đề trước mắt. Thời gian và công sức để thực sự tái cấu trúc, để nâng cao hiệu quả, chất lượng cạnh tranh doanh nghiệp chưa nhiều. Ở các nước khác, khủng hoảng sẽ giúp quét đi những gì không hiệu quả cho các mầm mới phát triển, nhưng ở ta thì khác. Các giải pháp kích cầu có vẻ chưa thích hợp cho tái cấu trúc”.
Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan đồng ý điểm này. Ông nói: “Tôi có cảm giác gói kích thích của chúng ta mang tính cào bằng, chưa tạo sức ép loại bỏ các doanh nghiệp kém để tập trung cho các doanh nghiệp mạnh. Không cơ cấu doanh nghiệp thì không thể cơ cấu nền kinh tế”.
Ông cho rằng, việc bỏ quên thị trường nội địa, nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn hiện hữu, cơ cấu thu chi ngân sách bất hợp lý cũng đang là những vấn đề đáng lo ngại cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Ông Vũ Khoan nói, sau khủng hoảng tài chính khu vực 1997, kinh tế nước ta phải mất tám năm mới lấy lại được tốc độ tăng trưởng, vậy lần này phải mất mấy năm? “Muốn phát triển lành mạnh, việc tái cấu trúc một cách cơ bản nền kinh tế nước ta, khắc phục những yếu kém bộc lộ trong thời khủng hoảng có ý nghĩa sống còn”.
Theo Tư Giang
SGTT