MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bên trọng - bên khinh?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, để phát triển doanh nghiệp trong nước và duy trì FDI cần phải gỡ từ thể chế chính sách, hạ tầng, nhân lực…

Trong đó kiểm soát giá rất quan trọng, vì nhân công ngày càng đắt theo đà tăng của lạm phát. Đặc biệt điều chỉnh chính sách phải phù hợp chứ không rượt đuổi.

Để mời gọi, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), rất nhiều ưu đãi đã được đưa ra, trong khi khu vực kinh tế tư nhân trong nước lại đang đối mặt với nhiều khó khăn. Trước bất cập này, trao đổi với Thời báo Ngân hàng Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, đã đến lúc cần phải đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng các chính sách đang quá nghiêng về khu vực FDI, trong khi các DN tư nhân trong nước vẫn phải tự thân vật lộn để tồn tại. Bà nghĩ sao về vấn đề này?

Đó đang là một bất cập trong môi trường kinh doanh hiện nay. Hiện các doanh nghiệp (DN) FDI đi đến đâu các địa phương cũng “trải thảm” đón chào, trong khi các DN tư nhân nội địa vô cùng khó khăn. Tôi biết các DN FDI có thể dễ dàng xin vài trăm hecta đất để xây dựng nhà máy ở bất cứ địa điểm nào, trong khi các DN tư nhân không được, hoặc nếu được thì cũng phải mất chi phí “bôi trơn”.

Chính sự “chiều chuộng” thái quá như vậy khiến các DN FDI tự cho mình những cách hành xử “đặc biệt” trong kinh doanh. Thậm chí DN FDI còn mặc cả cơ chế ưu đãi, “làm mình làm mẩy” với cả Nhà nước.

Đơn cử như hiện nay chúng ta đang tiến hành sửa Luật DN để hỗ trợ cho DN FDI. Sở dĩ như vậy do trước đây DN FDI hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài, đến năm 2005 Luật DN chung ra đời quy định họ phải chọn lựa đăng ký lại theo luật mới hoặc hoạt động theo giấy phép cũ thì sẽ không được gia hạn và mở rộng đầu tư và mạng lưới kinh doanh. Quy định ban đầu cho thời gian 2 năm, sau nâng lên 5 năm nhưng đến nay vẫn còn gần 3.000 DN không chịu đăng ký chuyển đổi.

Tôi được biết, việc đăng ký lại hoàn toàn không đụng chạm gì đến quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài làm ăn tại Việt Nam, chỉ đơn thuần là thủ tục pháp lý; thủ tục cũng hết sức đơn giản nhưng các DN FDI vẫn không thực hiện. Trước tình trạng này, Chính phủ đã đệ trình Quốc hội tiến hành sửa điều 170 Luật DN tạo điều kiện để các DN FDI tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu DN trong nước liệu có được hưởng đặc quyền như thế không?


Tập đoàn First Solar giới thiệu sản phẩm pin năng lượng mặt trời trong ngày đầu mở nhà máy tại TP. Hồ Chí Minh

Sự ưu ái này phải chăng là vì khối DN FDI đang đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, thưa bà?

Phải thừa nhận khu vực FDI hiện đang chứng tỏ vai trò và là nhân tố hết sức quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Riêng nguồn vốn FDI chiếm 17-18% tổng lượng vốn đầu tư trong năm 2012. 5 tháng đầu năm 2013, tổng số vốn FDI đăng ký của cả nước đạt trên 8,5 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong đó có nhiều dự án lớn, quy mô hàng tỷ USD như nhà máy của Samsung (Thái Nguyên)… Trong khi đó, 2 năm qua các DN trong nước đầu tư mới giảm sút đáng kể.

Xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2013 của các DN FDI đạt 32,7 tỷ USD (tăng 23,3% so cùng kỳ), trong khi khu vực kinh tế trong nước đạt 17,2 tỷ USD (tăng 2,1% so cùng kỳ).

Tuy nhiên, nếu chúng ta không có đối sách cụ thể mà cứ phụ thuộc vào họ thì chắc chắn những ưu đãi sẽ phải tăng lên theo thời gian.

Vừa qua Bộ Công Thương ban hành Thông tư 08/2013/TT-BCT giới hạn việc thu mua hàng hóa để xuất khẩu của các DN FDI. Bà bình luận thế nào về vấn đề này?

Theo Thông tư 08, DN FDI được cấp phép quyền xuất khẩu chỉ được mua hàng hóa qua thương nhân Việt Nam chứ không được tổ chức mạng lưới trực tiếp mua gom xuất khẩu. Quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng DN FDI lách luật, tranh mua tranh bán và thao túng thị trường gây tổn thương DN trong nước.

Tuy nhiên, Thông tư 08 dễ gây phản ứng đối với DN FDI. Bởi Việt Nam đã gia nhập WTO và nhiều thể chế kinh tế khác, nhất thiết phải hành động theo nguyên tắc thị trường (Nhà nước chỉ can thiệp khi thật cần thiết). Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài làm ăn ở trong nước cũng là DN Việt Nam nên được quyền mua gom sản phẩm như các DN khác.

Việc giới hạn DN FDI thu mua trực tiếp nguyên liệu hàng hóa trong nước sẽ dẫn đến những hiệu ứng tiêu cực cho sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Nhất là khi nhóm ngành này đang gặp phải rất nhiều khó khăn về vốn, công nghệ, kỹ thuật canh tác và khả năng quản lý, xuất khẩu.

Trong khi các DN FDI có ưu thế về vốn, sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống quản lý hiệu quả và đặc biệt hệ thống hạ tầng - kỹ thuật tiên tiến. Tất cả các yếu tố đó đảm bảo quan trọng cho yêu cầu đầu vào và đầu ra sản phẩm nông nghiệp.

Do đó, Thông tư số 08 trước mắt sẽ chưa mang lại nhiều lợi ích cho DN trong nước mà dẫn đến một số hệ lụy đáng lưu ý. (1) DN trong nước chưa đủ năng lực để phát triển một cách có hệ thống cho nông dân như các DN FDI đang làm. (2) Chúng ta không tôn trọng quyền chính đáng của nhà đầu tư, có thể DN FDI sẽ thu hồi dây chuyền công nghệ, nguồn nhân lực quản lý...

Từ đó có thể sẽ đẩy nông nghiệp Việt Nam từ chỗ "thiếu nguồn lực" sang tình trạng "khan hiếm nguồn lực". Chưa kể việc cắt giảm lao động sẽ diễn ra ở khối DN FDI, giữa lúc tỷ lệ thất nghiệp trong nước chưa giảm. Song cuộc sống người nông dân càng gặp khó khi thiếu vắng sự hỗ trợ đầu vào và đầu ra của DN FDI theo cơ chế bao tiêu, đặc biệt mất tính cạnh tranh đối với thị trường nông sản.

Như vậy bất cập nằm ở khâu chính sách, thưa bà?

Đúng vậy. Chúng ta cứ đổ lỗi cho các DN FDI chèn ép khối DN trong nước, nhưng tôi không đồng ý với ý kiến này. Theo tôi, Nhà nước cần nhìn nhận một cách công bằng giữa các đối tượng DN. Đúng là các DN FDI chưa mang lại tác động tích cực, hiệu quả chưa lan tỏa như chúng ta mong đợi, nhưng sự yếu kém của DN trong nước xuất phát từ nội tại nền kinh tế.

Ví dụ, thay vì đặt hàng các DN trong nước, các DN FDI vẫn chọn cách nhập vật tư bên ngoài vào Việt Nam. Điều này sẽ không tạo điều kiện để DN trong nước phát triển. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng, DN trong nước chưa đủ thực lực để các DN FDI tìm đến mình đặt hàng.

Bởi vậy, theo tôi, chúng ta phải bình tĩnh nhìn nhận khiếm khuyết của mình trước khi đổ lỗi cho ai đó. Về lâu dài phải có giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả cho DN trong nước để không phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài.

Vậy theo bà, cần phải làm gì để kích thích khối DN trong nước phát triển, nhưng không tạo ra bất bình đẳng với DN FDI?

Để phát triển DN trong nước và duy trì FDI cần phải gỡ từ thể chế chính sách, hạ tầng, nhân lực… Trong đó kiểm soát giá rất quan trọng, vì nhân công ngày càng đắt theo đà tăng của lạm phát. Đặc biệt điều chỉnh chính sách phải phù hợp chứ không rượt đuổi.

Ví như Thông tư 08 không thể nâng tính cạnh tranh năng lực cho DN Việt Nam mà lại thiếu động lực cạnh tranh, trong khi nhiều DN trong nước chưa có dấu hiệu cải thiện thì chính sách hỗ trợ chỉ khiến tâm lý dựa dẫm tăng lên. Giải pháp khôi phục bình ổn kinh tế vĩ mô phải căn cơ, để cải thiện môi trường kinh doanh trong nước. Kèm theo đó "lọc lựa" và loại bỏ các DN yếu kém để tái cấu trúc, xây dựng lại hệ thống kinh doanh.

Xin cảm ơn bà!

Theo Quỳnh Chi

cucpth

TBNH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên