MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BIDV: Tăng trưởng GDP năm 2014 sẽ cao hơn 2013, đạt khoảng 5,5 – 5,6%

Song nền kinh tế chưa thể lấy lại được đà tăng trưởng nhanh.

Trung tâm Nghiên cứu của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV vừa ra báo cáo “Dự báo tình hình Kinh tế Vĩ mô năm 2014 và một số đề xuất, kiến nghị”. 

Theo đó, BIDV cho rằng triển vọng tăng trưởng của năm 2014 có phần khả quan hơn năm 2013 song nền kinh tế chưa thể lấy lại được đà tăng trưởng nhanh. Tăng trưởng GDP dự kiến chỉ cao hơn khoảng 0,3 điểm % so với năm 2013 và đạt khoảng 5,5-5,6%.

BIDV cho biết nhận định trên dựa trên 4 điểm cơ bản sau đây:

Thứ nhất, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp (DN) tiếp tục phục hồi song với tốc độ chậm và còn nhiều khó khăn: (i) số DN giải thể, ngừng hoạt động trong 10 tháng 2013 vẫn tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2012; (ii) giá trị hàng tồn kho vẫn chiếm tới 74% giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo.

Chỉ số IIP 11 tháng chỉ tăng 5,6%, tuy cao hơn cùng kỳ năm 2012 song với cơ cấu trên 38% trong GDP, mức tăng này của khu vực công nghiệp chưa đủ bù với mức giảm của 2 khu vực còn lại của nền kinh tế là nông lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ để kéo mức tăng của GDP lên trên 5,6%;

Thứ hai, sức cầu của nền kinh tế yếu và hồi phục chậm, thể hiện rõ cả ở phía cầu tiêu dùng và cầu đầu tư.

Đối với cầu tiêu dùng: số liệu thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tuy có tăng song vẫn ở mức thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm gần đây (12,6% yoy). Tiêu dùng nội địa nền kinh tế so với GDP đạt 78,2% năm 2012 và xấp xỉ 80% GDP 9 tháng 2013, sức cầu trong nước còn yếu sẽ làm hạn chế mức tăng trưởng kinh tế 2014.

Đối với cầu đầu tư: trong khi nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI, FII) dự kiến ổn định và có chiều hướng gia tăng, nguồn vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước (chiếm tỷ trọng 76,4% tổng vốn đầu tư toàn XH) có chiều hướng giảm: vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước thực hiện 9 tháng 2013 chỉ tăng lần lượt là 4,2% và 8,5%, thấp hơn mức tăng của năm 2012.

Tổng mức đầu tư toàn XH năm 2014 cũng được định hướng ở mức ~30% GDP, tương tự mức năm 2013 và tiếp tục ở mức thấp nhất từ năm 2000 tới nay. 

Thứ ba, ưu tiên chính sách điều hành năm 2014 tiếp tục đặt trọng tâm vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý và tái cơ cấu nền kinh tế.

Việc đặt ưu tiên chính sách điều hành vào tăng trưởng ổn định thay vì theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao cũng là xu hướng chung của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới trong bối cảnh hiện nay.

Tái cơ cấu kinh tế là quá trình cắt gọt, bố trí lại các nguồn lực do vậy sẽ tạo ra một số xáo trộn có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng trong ngắn hạn.

Một số nguồn lực sẽ phải được sử dụng cho việc khắc phục, hạn chế các xáo trộn này nhằm đảm bảo an sinh xã hội thay vì phục vụ cho tăng trưởng (ví dụ tăng chi trợ cấp cho đào tạo lại nghề, ghi nhận lỗ khi thoái vốn đầu tư, tăng chi hành chính quản lý tái cơ cấu…).

Thứ tư, tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước dự toán năm 2014 chỉ tăng ở mức 2,9% so (thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,3% năm 2013 và 24,5% năm 2012), đây là hệ lụy tất yếu trong bối cảnh các nguồn thu đều giảm sút. Chi ngân sách giảm sẽ là yếu tố giảm hỗ trợ tăng trưởng của năm 2014.

Q. Nguyễn

quynhnn

BIDV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên