Bộ Công Thương: Siết quản lý nhập khẩu ô tô là để bảo vệ người tiêu dùng
Bộ Công Thương cho biết, siết quản lý nhập khẩu ô tô là biện pháp quản lý nhập khẩu đối với mặt hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu, bên cạnh đó còn nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn giao thông đường bộ.
- 01-12-2015Tăng thuế nhập khẩu một số dòng ô tô chở hàng
- 29-11-2015Năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc sẽ về 0%
- 17-11-2015Lào bãi bỏ thuế nhập khẩu xe ôtô có nguồn gốc xuất xứ tại ASEAN
- 23-08-2015Thuế nhập khẩu ô tô giảm: Toyota lại tính rời Việt Nam
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình gửi ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII như sau:
“Ngày 12/5/2011, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống chưa qua sử dụng. Tại Điều 1 của Thông tư này quy định: Thương nhân phải nộp bổ sung Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật và Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp.
Theo lý giải của Bộ tại Thông tư này thì quy định bổ sung như trên là nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn giao thông đường bộ.
Tuy vậy, về phía cử tri, đặc biệt là các doanh nghiệp cho rằng, quy định trên đã gây khó khăn cho đa số các doanh nghiệp kinh doanh xe ô tô nhập khẩu (loại 9 chỗ ngồi trở xuống), nhất là việc để được chỉ định hoặc ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh là cả một sự thách đố đối với nhiều doanh nghiệp. Theo đó, chỉ một số doanh nghiệp được độc quyền thao túng thị trường mặt hàng này, tạo nên sự thiếu lành mạnh trong cạnh tranh. Doanh nghiệp cho rằng, có dấu hiệu biểu hiện lợi ích nhóm trong vấn đề này.
Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của Bộ trưởng trước phản ánh trên và cách điều chỉnh của Bộ trưởng sắp tới như thế nào?”.
Vấn đề Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương chất vấn, Bộ Công Thương trả lời như sau:
Trong quản lý nhập khẩu, ô tô chở người dưới 9 chỗ ngồi trở xuống được xếp vào nhóm hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu.
Năm 2011, trong bối cảnh nhập siêu tăng cao, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về việc các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất (Thông tư số 20/2011/TT-BCT).
Việc thực hiện Thông tư số 20/2011/TT-BCT nêu trên là biện pháp quản lý nhập khẩu đối với mặt hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu, góp phần kiềm chế nhập siêu, không tạo độc quyền và lợi ích nhóm.
Đồng thời, quy định này cũng nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn giao thông đường bộ vì doanh nghiệp được ủy quyền đảm bảo cung cấp các sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn của hãng sản xuất ra sản phẩm đó; cung cấp chế độ bảo hành đúng theo quy định của hãng sản xuất; thực hiện việc thay thế linh kiện, phụ kiện theo chương trình của hãng sản xuất trong trường hợp có những đợt triệu hồi với quy mô lớn.
Quy định này giúp tránh tình trạng hàng hóa nhập khẩu từ nhiều nguồn gốc khác nhau và không được hãng sản xuất bảo đảm về chất lượng sản phẩm, không được cung cấp chế độ bảo hành cũng như không cung cấp linh kiện, phụ tùng thay thế cho người tiêu dùng.
Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Thông tư số 20/2011/TT- BCT đã đi vào nề nếp, các vướng mắc liên quan đã được Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời giải quyết hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong những trường hợp vượt thẩm quyền và cơ bản không có phản ứng từ phía doanh nghiệp cũng như dư luận quốc tế liên quan đến việc triển khai thực hiện Thông tư.
Trí Thức Trẻ