MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ GTVT được quyền định khung giá dịch vụ tại cảng

Khung giá cần rà soát các loại phí, lệ phí hàng hải và giá dịch vụ tạo sự thống nhất với dự án Luật phí, lệ phí và Luật giá 2012.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, Ủy ban pháp luật cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Bộ luật hàng hải Việt Nam và nhiều nội dung của dự thảo Bộ luật.

Ủy ban pháp luật tán thành việc Chính phủ mở rộng phạm vi sửa đổi Bộ luật với nhiều nội dung quan trọng nhằm phát huy vai trò của giao thông hàng hải đối với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của nước ta trong giai đoạn mới.

Cụ thể, việc vận chuyển nội địa bằng đường biển phải được chuyên chở bằng tàu biển Việt Nam nhằm bảo vệ quyền vận tải nội địa của doanh nghiệp trong nước, đồng thời góp phần quan trọng để phát triển đội tàu biển Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần có biện pháp quản lý nhà nước chặt chẽ để tránh dẫn đến độc quyền gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng dịch vụ vận chuyển nội địa bằng đường biển.

Đối với việc quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, Ủy ban pháp luật nhận thấy, Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã quy định cụ thể các trường hợp được cho thuê tài sản nhà nước, trường hợp không được cho thuê tài sản nhà nước, cơ chế tài chính đối với trường hợp cho thuê tài sản nhà nước…

Theo đó, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính không được sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích cho thuê; đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính có thể sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích cho thuê nhưng phải đáp ứng những điều kiện do luật định. Vì vậy, Dự thảo Luật cần làm rõ quy định này để bảo đảm thống nhất với Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các pháp luật khác có liên quan.

Đa số ý kiến Ủy ban pháp luật tán thành quy định về phí, lệ phí hàng hải và giá dịch vụ tại cảng như trong dự thảo Bộ luật. Việc giao Bộ GTVT có thẩm quyền định khung giá dịch vụ tại cảng tạo sự đồng bộ trong quản lý về lĩnh vực này, bảo sự linh hoạt và không trái với Luật giá. Tuy nhiên, cũng cần rà soát các loại phí, lệ phí hàng hải và giá dịch vụ tại cảng do nhà nước định giá, tránh bỏ sót và tạo sự thống nhất với dự án Luật phí, lệ phí và Luật giá năm 2012.

Một số ý kiến cũng cho rằng, để tạo sự thống nhất giữa các luật thì nên để Luật phí, lệ phí quy định các loại phí, lệ phí hàng hải; đối với các loại giá dịch vụ hàng hải nếu cần định giá thì bổ sung vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá theo quy định của Luật giá mà không nên quy định trong Bộ luật này.

Tại khoản 1, Điều 158 dự thảo Bộ luật đã bổ sung trường hợp tạm giữ tàu biển. Cụ thể, việc tạm giữ tàu biển được thực hiện trong các trường hợp: Không có đủ các điều kiện về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, Ủy ban pháp luật nhận thấy việc tạm giữ tàu biển theo thủ tục hành chính nêu trên là nội dung quan trọng ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường đầu tư, liên quan đến quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp.

Do đó, cần phải định lượng rõ mức độ vi phạm cụ thể như thế nào thì mới bị tạm giữ tàu biển; quy định trường hợp “Không có đủ các điều kiện về lao động hàng hải” mà tàu biển bị tạm giữ là vi phạm gì, tính chất, mức độ vi phạm...

Trình tự, thủ tục tạm giữ tàu biển; đồng thời, cần có quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân phải bồi thường thiệt hại nếu tạm giữ tàu biển trái pháp luật để tránh tình trạng tùy tiện, lạm quyền của người thi hành công vụ, bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động hàng hải.

Ủy ban pháp luật cơ bản tán thành luật hóa quy định về bắt giữ tàu biển trong dự thảo Bộ luật hàng hải Việt Nam và cho rằng, cơ bản đây là những nội dung được quy định trong Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển năm 2008, quá trình thực hiện đến nay đã có đủ cơ sở để luật hóa đưa lên quy định trong Bộ luật.

Tuy nhiên, việc bắt giữ tàu biển là vấn đề quan trọng, liên quan đến quyền sở hữu đã được quy định trong Hiến pháp, do đó, Ủy ban pháp luật đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá kỹ quá trình thực hiện Pháp lệnh này để xem xét sửa đổi, bổ sung, nâng lên quy định cụ thể trong Bộ luật./.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

Trở lên trên