Bỏ làng đi tha phương vì dự án nghìn tỷ 'chết yểu'
Dự án nhà máy xi măng Thanh Sơn nằm “đắp chiếu” nhiều năm nay khiến người dân nơi đây mất đất sản xuất, hàng trăm con em trong xã được đưa đi học nghề để về làm việc cho nhà máy lại không lấy được bằng, rơi vào cảnh thất nghiệp.
- 24-06-2014Dự án ngàn tỷ bỏ hoang, người dân vừa mất đất vừa thất nghiệp
- 17-04-2014Đà Nẵng: Nhiều dự án nhà ở cho người thu nhập thấp bị bỏ hoang
- 14-04-2014La liệt dự án bỏ hoang trên đất Mê Linh
- 30-10-2013Khu đô thị mới Thủ Thiêm: 7 dự án bị bỏ hoang
Học xong thất nghiệp
Thời điểm nhà máy xi măng Thanh Sơn về đầu tư xây dựng tại xã Thúy Sơn (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) thì địa phương này bị thu hồi 36ha đất hai lúa trên địa bàn 4 thôn Thanh Sơn, Lương Sơn, Hồng Sơn và Vân Sơn.
Ngày đó, theo chủ trương, nhà nào có đất bị thu hồi, nhà máy sẽ cho một suất đi học nghề sau về làm công nhân tại nhà máy.
Chính vì vậy mà ở xã Thúy Sơn có tới 260 người được nhà máy đưa đi học, có nhà được 2, 3 suất.
|
Ông Hòa đang kể về việc hai đứa con mình đi học về mà không có việc làm |
Ông Hoàng Văn Toản (trưởng thôn Vân Sơn) cho biết, thôn có 65 hộ, 261 nhân khẩu. Trước khi họ chưa về xây dựng nhà máy thì thôn này được coi là thôn có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất nhì xã, với diện tích khoảng 15ha.
Nhưng khi nhà máy về, diện tích đất đó bị thu hồi đến nay chỉ còn vỏn vẹn khoảng 3ha.
Thôn Vân Sơn thời điểm đó có 11 người trong diện được nhà máy cho đi học nghề, số người này cũng là con số tương đương với số hộ bị thu hồi đất.
Trung bình, mỗi nhà có diện tích đất bị thu hồi sẽ được một suất đi học, nhiều nhà bị thu cả đất ở lẫn đất ruộng thì được ưu ái hơn cho 2 suất.
Như nhà ông Phạm Đình Hòa, cả gia đình có hơn 4 sào ruộng đã bị thu hồi hết. Không những thế, đất ở của ông cũng nằm trong diện di dời. Hai đứa con ông được đưa đi học nghề với hi vọng sau này về làm trong nhà máy.
Ai ngờ, 'tiền mất tật mang', học hành xong xuôi hai đứa con ông lại quay về cảnh thất nghiệp.
“Con tôi được cho đi học trong hai năm, vị chi hết hơn 50 triệu đồng. Vậy là toàn bộ tiền đền bù đất đai của gia đình giờ lại quay về con số không. May hai vợ chồng còn kịp vay mượn thêm mua được đôi bò để chăn thả, làm vốn”, ông Hòa chia sẻ.
Nhiều gia đình muốn con cái sau này có công ăn việc làm ổn định, gần nhà đã không ngần ngại từ bỏ việc học hành hoặc có những trường hợp đang làm cán bộ xã cũng quay về đi học nghề của nhà máy xi măng. Cuối cùng, cũng rơi vào cảnh thất nghiệp.
Như gia đình anh Lê Ngọc Chức có con gái đang theo học CĐ Y Thanh Hóa. Thời điểm nhà máy xi măng về khởi công rầm rộ, ông Chức đã gọi con về đi học nghề cho bằng được để sau này làm công nhân nhà máy xi măng. Nhưng khi học xong, nhà máy “đắp chiếu”, việc chẳng có, con của ông lại phải đi làm thuê kiếm sống.
Bỏ làng tha phương
Ở xã vùng cao Thuý Sơn này, người vui nhất ở thời điểm đó phải kể đến nhà ông Đỗ Xuân Tám, Chủ tịch Hội nông dân xã.
Ông có tới 3 người con được công ty chấp nhận cho đi đào tạo để làm công nhân cho nhà máy.
Lúc đó nhiều người xì xào, có người còn ghen tỵ bởi nhà ông có tới 3 người sau này sẽ 'được làm trong nhà máy, hưởng lương cao ngất'. Thế nhưng niềm vui chẳng trọn vẹn khi dự án “chết yểu”, con cái thất nghiệp, vợ chồng ông khốn đốn lo trả nợ số tiền trên 80 triệu vay mượn cho các con ăn học.
|
Ông Toản trưởng thôn đang thống kê những hộ bỏ làng đi làm ăn xa |
Nhâm nhi chén nước chè, ông Hoàng Văn Toản (trưởng thôn Vân Sơn) chua xót nói, các cháu trong làng chạy đua theo học nghề, đến bây giờ tiền mất, tật mang.
Sở dĩ ông nói như vậy là vì trong số 260 người được nhà máy đưa đi học nghề, chẳng ai ra trường mà cầm được cái bằng trong tay.
Nghe đâu, Cty xi măng đang nợ tiền học phí ở nhà trường, vì vậy ai muốn lấy được bằng thì phải đóng vào 6 triệu nữa.
Chính vì vậy, ông Toản ví von, ở huyện Ngọc Lặc này chẳng có xã nào mà nhiều con em đi học nghề như Thúy Sơn, có điều học xong lại chẳng ai có bằng cả.
Chỉ khổ các bậc phụ huynh, nhà hai ba đứa con đi học, phải vay mượn khắp nơi chu cấp cho con. Đến bây giờ, chẳng ai có việc, họ lại phải nai lưng trả số tiền cả trăm triệu vay mượn trước đó.
Ông Toản bảo, bây giờ người dân thôn mình bần cùng, khốn khổ lắm. Đất không còn để sản xuất, con cái không có việc làm. Chính vì vậy mà từ khi nhà máy “đắp chiếu”, thôn đã có 7 hộ gia đình rời bỏ địa phương kéo nhau đi tha phương.
Trong số 147 người trong độ tuổi lao động, có tới gần 50% đi làm ăn xa.
Chia tay chúng tôi, người dân Thúy Sơn chỉ biết nói rằng: mong chờ và hi vọng nhà máy hoạt động trở lại, có như vậy thì họ mới bớt khổ được.
Vietnamnet