MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Công Thương tin tưởng TPP được ký kết năm 2015

Các nước tham gia Hiệp định TPP đã đặt ra mục tiêu kết thúc đàm phán toàn diện trong năm 2015 và đây là điều khả thi.

Kết thúc đàm phán TPP năm 2015 là khả thi

Tính đến hết năm 2014, đàm phán TPP đã trải qua 19 phiên đàm phán chính thức, nhiều phiên đàm phán cấp Trưởng đoàn, cấp Bộ trưởng và một số cuộc gặp cấp cao. Các nước đã kết thúc đàm phán các nội dung như Hợp tác và xây dựng năng lực; Doanh nghiệp nhỏ và vừa; Vì sự phát triển, gắn kết môi trường chính sách, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng; Hải quan; Vệ sinh an toàn thực phẩm và Kiểm dịch động thực vật; Viễn thông; Chính sách cạnh tranh (không bao gồm các vấn đề doanh nghiệp nhà nước).

Mặc dù đã đạt nhiều tiến triển trong đàm phán, nhưng đến nay, bước sang đầu năm 2015, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, “vẫn còn một số vấn đề quan trọng cần giải quyết. Đối với các vấn đề này, với sự tham gia trực tiếp của các Bộ trưởng, các nước đã xác định được hướng xử lý, tạo tiền đề cho việc kết thúc đàm phán”.

Với thực tế như vậy, đàm phán TPP đang bước vào giai đoạn kết thúc. Tại cuộc gặp các nhà Lãnh đạo các nước tham gia Hiệp định TPP tổ chức bên lề Hội nghị cấp cao APEC tại Bắc Kinh vào tháng 10/2014, các nhà Lãnh đạo đã đặt ra mục tiêu phấn đấu sớm kết thúc đàm phán. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết thêm: “Sau cuộc gặp này, các nước tham gia Hiệp định TPP đã cụ thể hóa chỉ đạo của các nhà Lãnh đạo bằng việc đặt ra mục tiêu kết thúc đàm phán toàn diện trong năm 2015 và đây là điều khả thi”.

Nếu tiến trình đàm phán kết thúc vào năm nay và Hiệp định TPP được ký kết, là một động thái đáng mừng và được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của nước ta, đặc biệt là về thương mại. Song, câu hỏi ngày càng được nhiều người quan tâm, đó là sau khi Hiệp định TPP được ký kết, nó sẽ tác động như thế nào đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam? Người dân sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định này như thế nào?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng phân tích: Hiệp định TPP là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, chất lượng cao, tạo ra sân chơi giữa các nền kinh tế hiện đóng góp 40% GDP toàn cầu và chiếm 1/3 kim ngạch thương mại thế giới. Đối với Việt Nam, việc tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu lớn thông qua việc ký kết các Hiệp định khu vực thương mại tự do FTA có ý nghĩa quan trọng.

Hiện nay, chúng ta đang tích cực triển khai đàm phán TPP và đang chuẩn bị kết thúc chính thức đàm phán FTA với EU, cũng như chuẩn bị ký tắt FTA với Hàn Quốc và Liên minh Hải quan. Các Hiệp định FTA đã và đang đàm phán, đặc biệt là TPP, được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thu hút đầu tư, mở rộng các hoạt động dịch vụ, tạo tiền đề cho phát triển sản xuất trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hơn nữa, thông qua lộ trình cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan theo cam kết tại các Hiệp định này, hàng hóa Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận các thị trường các quốc gia đối tác trong FTA.

Việc có quan hệ FTA với Hoa Kỳ, EU… sẽ giúp Việt Nam có cơ cấu xuất nhập khẩu cân bằng hơn và đa dạng hóa hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ có lợi thế trong trung hạn trước nhiều đối thủ cạnh tranh khi xâm nhập các thị trường. Đây là các lợi ích có ý nghĩa chiến lược trong quan hệ thương mại.

Giúp Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu nền kinh tế

Bên cạnh những cơ hội nêu trên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Việc tham gia các FTA cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho kinh tế và thương mại trong nước bởi các hiệp định này, cụ thể là Hiệp định TPP không chỉ có phạm vi điều chỉnh rất rộng mà còn là một hiệp định có mức độ tự do hóa cao và sâu.

Tham gia các FTA, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với những yêu cầu, tiêu chuẩn cao về chất lượng hàng hóa, chịu sức ép phải tuân thủ các điều khoản quy định về vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ… Đây vừa là cơ hội để tự nâng cao năng lực, vừa là thách thức đối với doanh nghiệp của Việt Nam.

Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra là làm sao để các doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng được tối đa các lợi ích mà các FTA này mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường. Hiện nay, “vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến các FTA này. Sự thiếu quan tâm này làm cho doanh nghiệp mất đi lợi ích về thuế, khả năng cạnh tranh, hàng hóa trên thị trường quốc tế”- Bộ trưởng Công Thương lưu ý.

Việc ký kết Hiệp định TPP cũng là “cơ hội để người dân Việt Nam được tiếp cận với nguồn hàng hóa có chất lượng, phong phú, đa dạng về chủng loại và giá cả. Hiệp định TPP cũng giúp tạo ra môi trường chính sách rõ ràng, minh bạch và ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư và kinh doanh, qua đó, giúp Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ đó đem lại nhiều lợi ích cho người dân Việt Nam”- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định.

Được biết, trong thời gian tới, bên cạnh việc đàm phán mở cửa thị trường, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới doanh nghiệp, Hiệp hội về các Hiệp định đã và đang ký kết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi ích từ các Hiệp định mang lại, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án trong chuỗi cung ứng, sản xuất hàng xuất khẩu, hướng tới tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm xuất khẩu.

Theo Xuân Thân

PV

VOV

Trở lên trên