MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Tài chính chia sẻ về những khó khăn năm 2014

Từ bài học cụ thể được tổng kết từ năm 2013, ngành Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2014.

Thành tích nổi bật năm 2013 của ngành tài chính là đã “cán đích” nhiệm vụ thu ngân sách vào những ngày cuối cùng trong năm trong bối cảnh kinh tế trong nước tiếp tục khó khăn. Nhân dịp đầu Xuân Giáp Ngọ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của chúng tôi.

PV: Thưa Bộ trưởng, năm 2014 có nhiều chính sách mới được áp dụng như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông từ 25% xuống còn 22% và giảm xuống 20% đối với doanh nghiệp có doanh thu dưới 20 tỷ đồng/năm; nâng mức chiết trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/người nộp thuế thu nhập cá nhân… thực hiện giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình gia nhập WTO, và các hiệp định thương mại có hiệu lực sẽ khiến mức thu ngân sách giảm đi. Ông có lo ngại về việc phải hoàn thành kế hoạch thu ngân sách của năm 2014 không?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự toán thu cân đối NSNN năm 2014 là 782.700 tỷ đồng. Trên cơ sở đánh giá kết quả thu NSNN thực hiện cả năm 2013, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan phấn đấu thu NSNN năm 2014 vượt dự toán đã được giao.

Tôi cho rằng, để đạt được các chỉ tiêu phấn đấu này cũng không dễ dàng, do kinh tế trong nước đã bước đầu phục hồi đà tăng trưởng nhưng vẫn mức độ còn chậm, nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, việc điều chỉnh chính sách thu theo hướng giảm mức nghĩa vụ đóng cho cho doanh nghiệp và người dân, cũng như thực hiện cam kết hội nhập quốc tế; mặt khác, kinh tế thế giới vẫn còn những áp lực nhất định và ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.

Do đó, để hoàn thành dự toán thu ngân sách của ngành, ngay từ đầu năm Bộ Tài chính đã báo cáo với Chính phủ giao nhiệm vụ cho các hệ thống lớn trong ngành. Trong đó hệ thống Thuế phấn đấu hoàn thành Nghị quyết của Quốc hội và Thủ tưởng giao phấn đấu đạt vượt dự toán được giao tối thiểu 5% và Hải quan vượt dự toán phấn đấu là 3%.

Tôi tin rằng, tuy nhiệm vụ được giao là hết sức nặng nề, nhưng với các giải pháp và bài học cụ thể được tổng kết, đúc rút từ năm 2013, ngành Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ tài chính ngân sách của mình được Quốc hội và Chính phủ giao cho, tạo nguồn lực lâu dài cho phát triển kinh tế của đất nước.

PV: Nói về kết quả thu ngân sách năm 2013, theo Bộ trưởng đâu là nguyên nhân chính để có được kết quả này?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương; động viên sự vào cuộc thật sự của các ngành, các cấp, đặc biệt là cấp ủy và chính quyền các địa phương.

Trước những dự báo khó khăn trong thu NSNN, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có thư trực tiếp gửi tới Tỉnh ủy, UBND các địa phương đề nghị phối hợp chặt chẽ trong công tác thu chi NS. Kết quả, 63/63 địa phương đều có Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch của Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND tỉnh về tổ chức triển khai thực hiện dự toán thu chi NSNN năm 2013.

Một nguyên nhân hết sức quan trọng không thể không nhắc tới đó chính là sự đóng góp của cộng đồng DN thông qua thuế TNDN, thuế TNCN để động viên vào NSNN. Năm 2013 tình hình sản xuất kinh doanh của DN đã có những bước khởi sắc quan trọng thể hiện dựa trên số liệu thành lập mới và số liệu DN ngừng nghỉ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 2013, trong khi số DN ngừng, nghỉ, giải thể, phá sản là 61.000 DN thì số DN được thành lập mới là 79.000 DN. Như vậy, với 18.000 DN hoạt động sản xuất kinh doanh tăng thêm trong năm 2013 đã nâng mức DN đang hoạt động lên con số 173.000 DN, qua đó có đóng góp không nhỏ vào nguồn thu NSNN.

Ngoài ra, toàn ngành Tài chính đã quyết liệt triển khai công tác chống thất thu, đẩy nhanh việc xử lý để giảm nợ đọng thuế; chấn chỉnh công tác hoàn thuế GTGT. Qua công tác thanh kiểm tra đã chuyển sang cơ quan điều tra những hồ sơ có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng để tiếp tục điều tra xử lý hình sự

Cuối cùng, đó là sự nỗ lực của toàn ngành Tài chính, trong đó nhiệm vụ thu chính thuộc về cơ quan thuế và cơ quan hải quan. Xác định được nguồn thu khó khăn nên trong 2013, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nợ đọng thuế tập trung vào các DN có nhiều dấu hiệu rủi ro. Qua thanh kiểm tra 54.000 DN đã xử lý thu về cho NS 13.400 tỷ đồng. Đối với nhóm DN có dấu hiệu chuyển giá, xử lý trên 230 DN, đấu tranh giảm lỗ ở nhóm DN này thêm 4.600 tỷ và tăng thu thêm cho NS 2.300 tỷ.

Bên cạnh đó, ngành cũng đã đấu tranh để chống lại việc lợi dụng chính sách thông thoáng, tạo điều kiện hoạt động cho DN để mua bán hóa đơn và trục lợi từ việc hoàn thuế GTGT. Trong năm cũng đã phối hợp với cơ quan công an để thanh tra 120 DN, chuyển cơ quan công an hồ sơ của 54 DN có dấu hiệu vi phạm, khởi tố 34 DN và bắt 21 đối tượng.

PV: Thưa ông, năm 2014 tình hình kinh tế - xã hội dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, khó khăn do những tác động từ bên ngoài và từ nội tại nền kinh tế. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ngành Tài chính sẽ triển khai các nhiệm vụ tài chính – ngân sách như thế nào?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Để hoàn thành nhiệm vụ tài chính – NSNN, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra, Bộ Tài chính xác định chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ các ưu tiên chiến lược như: tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp về tài chính – NSNN để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu ngân sách.

Cộng đồng DN là thành tố quan trọng góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành nhiệm vụ tài chính-ngân sách của ngành Tài chính trong năm 2013, những chính sách đã được Quốc hội Chính phủ ban hành và Bộ Tài chính nghiên cứu, triển khai thực hiện trong suốt năm 2013 cũng chỉ với mục tiêu cao nhất tháo gỡ khó khăn cho DN, cho sản xuất kinh doanh, tạo tiềm lực cho DN vượt khó để phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho NSNN.

Ngành Tài chính cũng sẽ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về điều hành NSNN, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ thu, chi theo dự toán đã được Quốc hội quyết định. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; không ban hành, điều chỉnh chính sách làm giảm thu và tăng chi, ảnh hưởng đến cân đối NSNN và an ninh tài chính quốc gia. Điều hành bội chi NSNN theo kế hoạch

PV: Công tác điều hành giá cả được ngành Tài chính quan tâm chỉ đạo như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Công tác điều hành giá cả được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, điều hành giá cả theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của các loại thị trường.

Bên cạnh đó, ngành Tài chính cũng tiếp tục thực hiện quản các nhiệm vụ lớn như quản lý nợ công đảm bảo đúng cam kết trả nợ, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Tăng cường quản lý tài chính doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công, giá dịch vụ công. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Vũ Hạnh

cucpth

VOV online

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên