MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bức tranh FDI 10 tháng: Bứt phá mạnh

Số liệu báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho thấy, 10 tháng đầu năm khu vực có FDI bứt phá mạnh với sự tăng toàn diện của vốn đăng ký mới, vốn tăng thêm và vốn giải ngân.

Bức tranh vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 10 tháng đầu năm cũng cho thấy công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực hút mạnh vốn đầu tư.

Tăng toàn diện

Tính đến hết ngày 20/10, Việt Nam thu hút được 1050 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký đạt 13,077 tỷ USD, tăng 79% so với cùng kỳ 2012. Cùng với đó là 393 dự án FDI đăng ký tăng vốn, với tổng số vốn đầu tư đăng ký tăng thêm đạt 6,158 tỷ USD, tăng 42,5% so với cùng kỳ.

Như vậy, tính chung cả cấp mới và tăng vốn, 10 tháng đầu năm 2013 Việt Nam thu hút được 19,234 tỷ USD vốn FDI, tăng 65,5% so với cùng kỳ 2012 và vượt xa mục tiêu thu hút của cả năm 2013 là đạt khoảng 13 tỷ USD.

Dòng vốn FDI giải ngân trong 10 tháng đầu năm cũng tăng khá. Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2013, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 9,58 tỷ USD, tăng 6,4% với cùng kỳ năm 2012.

Cùng với sự tăng lên của vốn thu hút, vốn giải ngân, tình hình sản xuất kinh doanh của khu vực FDI cũng được dự báo khả quan thông qua hoạt động xuất- nhập khẩu tăng so với cùng kỳ. Theo đó, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) trong 10 tháng đầu năm đạt 71,085 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ và chiếm 66,76% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 66,141 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ, chiếm 61,26% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu của khu vực FDI đạt 61,990 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ, chiếm 57,31% kim ngạch nhập khẩu.

Công nghiệp vẫn là điểm nhấn

Trong tổng số 19,234 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 10 tháng đầu năm thì lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút 14,923 tỷ USD, chiếm 77,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Không chỉ thu hút được nhiều vốn đầu tư, các dự án lớn đầu tư vào Việt Nam trong 10 tháng đầu năm cũng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Điển hình là các dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) của nhà đầu tư Nhật Bản điều chỉnh tăng vốn 2,8 tỷ USD; dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân của nhà đầu tư Trung Quốc với tổng vốn đầu tư 2,018 tỷ USD; 2 dự án của tập đoàn Samsung tại Thái Nguyên trị giá 3,2 tỷ USD;…

Lý giải về lý do lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo hút mạnh đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, đây là lĩnh vực Việt Nam có nhiều lợi thế. Trong đó, lao động dồi dào, tài nguyên thiên nhiên phong phú và những chính sách mở cửa trong thu hút đầu tư vào công nghiệp là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư. Cục Đầu tư nước ngoài cũng dự báo, thời gian tới, vốn FDI vào công nghiệp vẫn tiếp tục tăng lên./.

10 tháng đầu năm, có 52 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, Nhật Bản dẫn đầu với tổng số vốn đầu tư đạt 4,842 tỷ USD, chiếm 25,5% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đạt 4,019 tỷ USD, chiếm 20,9% tổng vốn đầu tư; Singapore đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đạt 3,985 tỷ USD, chiếm 20,7% tổng vốn đầu tư.

10 tháng đầu năm, có 51/63 tỉnh thành của Việt Nam thu hút được FDI. Trong đó, Thái Nguyên là địa phương dẫn đầu với 3,408 tỷ USD, chiếm 17,7% tổng vốn đầu tư; Thanh Hóa xếp thứ 2 với 2,921 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư; Bình Thuận đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đạt 2,03 tỷ USD, chiếm 10,6% tổng vốn đầu tư.

Theo Nguyễn Hòa


cucpth

Báo kinh tế Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên