MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cả nước có hơn 30% địa bàn XK đạt 1 tỷ USD trở lên

Quy mô và tốc độ tăng của kim ngạch xuất khẩu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có các địa bàn xuất khẩu.

Trong khi cần mở rộng để khai thác lợi thế của các địa bàn trong cả nước để “góp gió thành bão”, cần tôn vinh các địa bàn đạt kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên.

Theo cơ sở dữ liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của các địa bàn đạt từ 1 tỷ USD trở lên gồm 19 tỉnh, thành phố:

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Như vậy, cả nước đã có trên 30%, tức là có gần 1/3 tổng số địa bàn- đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên; có gần 14,3% địa bàn đạt trên 2 tỷ USD trở lên; có 4 địa bàn đạt trên 10 tỷ USD, đặc biệt có 2 địa bàn đạt trên 25 tỷ USD là TPHCM và Bắc Ninh.

Trong 6 vùng kinh tế của Việt Nam, đã có 5 vùng có thành viên nằm trong “câu lạc bộ” các địa bàn có kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên (chỉ có 1 vùng là Tây Nguyên không có tỉnh nào, nhưng có Đắk Lắk đạt xấp xỉ (982,7 triệu USD).

3 vùng có số thành viên nhiều nhất (5 thành viên) là đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Có 2 vùng có 2 thành viên là vùng núi và Trung du phía Bắc và duyên hải miền Trung.

Kim ngạch xuất khẩu của 19 thành viên “câu lạc bộ” đạt trên 115,7 tỷ USD, chiếm 87,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ở góc độ này cho thấy, do tỷ trọng lớn như trên, nên sự tăng/giảm kim ngạch xuất khẩu của “câu lạc bộ” có tính chất quyết định đến quy mô và tốc độ tăng/giảm tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Một điểm đáng chú ý đây cũng là các địa bàn có lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn của cả nước.

Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước về lượng vốn FDI (33,35 tỷ USD), cũng là địa bàn đứng đầu về xuất khẩu. Bắc Ninh tuy chỉ đứng thứ 12 (với gần 4,58 tỷ USD) nhưng đứng thứ 2 cả nước về xuất khẩu; nếu tính bình quân đầu người thì tỉnh này đứng thứ nhất; với lượng vốn FDI bổ sung và khả năng mở rộng thị trường, thì Bắc Ninh trong thời gian không lâu sẽ vượt qua TP Hồ Chí Minh lên đứng đầu cả nước về quy mô xuất khẩu.

Bình Dương với gần 18,7 tỷ USD FDI, đứng thứ 5 về FDI, nhưng đã đứng thứ 3 về xuất khẩu. Đồng Nai đứng thứ tư về FDI (với gần 20,7 tỷ USD), đồng thời cũng đứng thứ tư về xuất khẩu.

Hà Nội có lượng vốn FDI đứng thứ 3 cả nước (với trên 21,7 tỷ USD), với thế mạnh về nhiều loại hàng hóa xuất khẩu... sẽ nhanh chóng vượt qua mốc 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Hải Dương tuy là tỉnh nông nghiệp, nhưng với lượng vốn FDI đứng thứ 10 cả nước (6 tỷ USD), nhưng đã có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 6.

Hải Phòng đứng thứ 7 về FDI (với gần 9,1 tỷ USD) và cũng đứng thứ 7 về xuất khẩu. Long An đứng thứ 16 về FDI (gần 3,7 tỷ U SSD), nhưng nằm trong vùng trọng điểm về lúa, thủy sản,..., nên đã đứng thứ 8 về xuất khẩu. Bà Rịa- Vũng Tàu đứng thứ 2 về FDI (23,4 tỷ USD) và đứng thứ 9 về xuất khẩu.

Quảng Ninh tuy đứng thứ 13 về FDI (với 4,2 tỷ U SSD) nhưng nhờ có thế mạnh về xuất khẩu than (năm nay lượng xuất khẩu bị giảm 15,7%, giá xuất khẩu giảm sâu hơn với 37,7%, kim ngạch xuất khẩu than giảm 26,1%), nên tổng kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 10 cả nước.

Một số địa bàn có lượng vốn FDI lớn (như Hà Tĩnh đứng thứ 6, Thanh Hóa đứng thứ 8, Phú Yên đứng thứ 9, Quảng Nam đứng thứ 11, Quảng Ngãi đứng thứ 14, Thái Nguyên đứng thứ 17, Bình Thuận đứng thứ 18, Kiên Giang đứng thứ 19, Thừa Thiên- Huế đứng thứ 22, Nghệ An đứng thứ 25), nhưng do các dự án còn đang đầu tư xuất khẩu, hoặc sản phẩm chủ yếu còn tiêu thụ nội địa... nên chưa có vị thế lớn về xuất khẩu.

Một số địa bàn thuộc vùng trọng điểm nông nghiệp cũng đạt quy mô xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, một số địa bàn nằm trong vùng trọng điểm nông nghiệp, nhưng do kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng năm nay bị giảm, nên tổng kim ngạch xuất khẩu chưa đủ cao để tham gia vào “câu lạc bộ”, nhất là một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, một số tỉnh ở Tây Nguyên.

Trong các tỉnh/thành phố của cả nước, có 42 địa bàn xuất siêu, lớn nhất là Bắc Ninh 3,480 tỷ USD, Bình Dương 3,073 tỷ USD, Cà Mau 1,043 tỷ USD, An Giang 915 triệu USD, Cần Thơ 861 triệu USD, TP Hồ Chí Minh 859 triệu USD, Đắk Lắk 837 triệu USD, Long An 733 triệu USD, Tây Ninh 626 triệu USD, Khánh Hòa 593 triệu USD, Tiền Giang 552 triệu USD, Kiên Giang 527 triệu USD,...

Kỳ vọng năm 2014 sẽ có thêm các địa bàn đạt 1 tỷ USD trở lên, khi các dự án FDI đưa vào thực hiện, khi xuất khẩu nông lâm- thủy sản tăng trở lại, khi các doanh nghiệp tận dụng các lợi thế tăng trưởng kinh tế thế giới phục hồi và khi Việt Nam ký FTA với châu Âu, gia nhập TPP...

Theo Minh Ngọc

cucpth

Chinhphu.vn

Trở lên trên