MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các dự án được cấp bảo lãnh Chính phủ đều trả nợ đúng hạn

Theo Bộ Tài chính, đến 31-10-2013, tổng số dự án được cấp bảo lãnh vay nước ngoài là 102 dự án với tổng trị giá 15,38 tỷ USD.

Đa số các dự án được cấp bảo lãnh Chính phủ đều trả nợ đúng hạn, đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ đang bảo lãnh 80 dự án vay nước ngoài

Tính đến cuối năm 2012, nợ được Chính phủ bảo lãnh là 342.036 tỷ đồng, trong đó nợ bảo lãnh vay nước ngoài là 150.586 tỷ đồng (chiếm 44%), nợ bảo lãnh vay trong nước là 191.450  tỷ đồng (chiếm 56%).

Trong tổng số 102 dự án được cấp bảo lãnh vay nước ngoài (trong đó có 22 dự án đã kết thúc trả nợ, còn 80 dự án vẫn đang trong giai đoạn được bảo lãnh). Cụ thể, thuộc các lĩnh vực điện (49 dự án chiếm 53,68% tổng giá trị vốn vay được chính phủ bảo lãnh), hàng không (7 dự án chiếm 1,87%), xi măng (17 dự án chiếm 8,96%), dầu khí (7 dự án chiếm 4,65%), giấy và bột giấy (5 dự án chiếm 2,83%), bảo lãnh phát hành trái phiếu quốc tế cho DATC (1 dự án chiếm 4,08%) và các lĩnh vực khác với tổng trị giá 15,38 tỷ USD.

Đối với các dự án vay nước ngoài, đến 31-10-2013, tổng số các dự án gặp khó khăn và Quỹ Tích lũy phải ứng vốn cho vay trả nợ là 9 dự án, chiếm 8,91% trên tổng số các dự án được cấp bảo lãnh với tổng dư nợ là 0,35 tỷ USD. Lĩnh vực gặp khó khăn trả nợ chủ yếu và Quỹ Tích lũy phải ứng vốn trả nợ là xi măng. Hiện nay, tổng số tiền cho vay tạm ứng từ Quỹ Tích lũy trả nợ cho các dự án là 251 triệu USD.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nhìn chung, đa số các dự án được cấp bảo lãnh Chính phủ đều trả nợ đúng hạn. Việc Chính phủ bảo lãnh cho các dự án vay vốn nước ngoài đã hỗ trợ cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp hơn doanh nghiệp tự vay và có thể vay với trị giá lớn (các dự án trong lĩnh vực điện, hàng không) góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Địa phương trả nợ đúng hạn

Về nợ Chính quyền địa phương, tính đến 31-12-2012, tổng dư nợ chính quyền địa phương ở mức 20.886 tỷ đồng, trong đó vay tồn ngân kho bạc là 11.630 tỷ đồng, phát hành trái phiếu là 8.569 tỷ đồng và vay khác là 687 tỷ đồng.

Dự kiến tổng số dư nợ vốn huy động của ngân sách các địa phương đến thời điểm 31-12-2013 ước khoảng 43.890 tỷ đồng, bao gồm các nguồn vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, tạm ứng vốn nhàn rỗi Kho bạc nhà nước, vay ngân hàng thương mại, vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, và vay từ các nguồn khác.

Riêng trái phiếu Chính quyền địa phương, tính đến 30-9-2013, dư nợ trái phiếu chính quyền địa phương đạt 14.369 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc huy động vốn cho đầu tư phát triển của ngân sách địa phương về cơ bản đã thực hiện đúng theo quy định của Luật NSNN, Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn dưới Luật. Nhìn chung, các địa phương đã chủ động bố trí kế hoạch ngân sách hàng năm để trả nợ đúng hạn.

Thời gian tới, nhằm tăng cường quản lý nợ công, được biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, với việc giảm dần hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ, chỉ xem xét cấp bảo lãnh vay trong nước đối với các dự án cấp bách, công trình trọng điểm quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp bảo lãnh.

Đồng thời, tập trung hoàn thiện hệ thống các chính sách, chế độ về huy động vốn, sử dụng và trả nợ vốn vay của Chính quyền địa phương một cách đồng bộ, thống nhất. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay về cho vay lại với việc tăng cường cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và doanh nghiệp/nhà đầu tư, giữa Chính phủ và chính quyền địa phương đối với các khoản vay nước ngoài của chính phủ về cho vay lại. Mở rộng cơ chế cho vay lại cho chính quyền địa phương để nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của địa phương, đồng thời bảo đảm đối xử công bằng giữa các địa phương.

Theo Minh Anh

cucpth

Báo Hải Quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên