MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cân bằng lợi ích người lao động và doanh nghiệp

Việc tăng lương tối thiểu là cần thiết. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) đang rất khó khăn. 7 tháng đầu năm 2014, số đơn vị giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.

 Nếu tăng mức lương tối thiểu cao có thể khiến DN thêm khó khăn và người lao động (NLĐ) cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Nhiều ý kiến trái chiều

Nếu đề xuất nâng lương tối thiểu vùng cho năm 2015 tăng từ 300.000 đến 400.000 đồng của Hội đồng Tiền lương quốc gia được Chính phủ đồng thuận thông qua thì dự kiến từ ngày 1-1-2015, mức lương tối thiểu bình quân áp dụng tại các công ty, DN là 3.100.000 đồng/tháng, tăng 15,1% so với hiện hành. Việc này là rất cần thiết.

Theo nghiên cứu của Viện Công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), mức lương tối thiểu ở các vùng như hiện nay không thể bảo đảm đời sống tối thiểu của NLĐ. Lộ trình đặt ra, đến năm 2017, mức lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Như vậy, từ nay đến thời điểm đó, việc tăng lương hằng năm là phù hợp.

Song, mức đề xuất lương tối thiểu trong năm 2015 mà phía Tổng Liên đoàn lao động đưa ra tăng tới 23%. Con số này được xây dựng dựa trên 3 yếu tố bao gồm: Bù trượt giá, bù năng suất lao động và bảo đảm lộ trình cải cách tiền lương mà Chính phủ đã phê duyệt.

Đồng tình phải tăng lương tối thiểu, song, đại diện phía DN cho rằng, nếu tăng mức lương tối thiểu như thế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ổn định của DN. Số lao động của Việt Nam khá lớn. Nhiệm vụ mỗi năm, nền kinh tế phải tạo ra được ít nhất 1,6 - 2 triệu việc làm. Do vậy, chỉ khi DN tồn tại và phát triển mới có thể tạo ra việc làm cho NLĐ.

Trong khi đó, việc đa dạng hóa thị trường để giảm bớt sự lệ thuộc vào nước ngoài cũng đang phát sinh nhiều chi phí và cần phải có thời gian. Khả năng hấp thụ vốn của DN, của nền kinh tế còn khó khăn. Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, chỉ nên tăng 14% lương tối thiểu cho NLĐ để không làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, tiếp tục khuyến khích và thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước, nhắm tới mục tiêu dài hạn là kinh tế phát triển mạnh, tạo việc làm nhiều hơn, qua đó có điều kiện tăng lương từ thực lực DN.

Mặt khác, cũng cần hiểu, với mức tăng lương tối thiểu 14% thì thực tế DN phải chi trả nhiều hơn, khoảng 20%, vì ngoài trả lương tăng thêm còn đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và hàng loạt chi phí khác tăng theo.

Lo thu không đủ chi

Người lao động là tài sản lớn nhất của DN. Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đã là tài sản lớn nhất, DN phải chăm lo, giữ gìn cho tốt. Nếu để NLĐ phải chấp nhận một mức sống quá thấp, trong khi vẫn phải gắng sức làm việc 8h/ngày, thậm chí đến 10-12h/ngày thì NLĐ sẽ bị sa sút nghiêm trọng về sức khỏe, dẫn đến năng suất và chất lượng kém, ảnh hưởng trực tiếp tới DN.

Song, quay trở lại cơ chế chính sách hiện hành, lương tối thiểu được coi là mức sàn để DN, NLĐ thỏa thuận tiền công lao động, mục tiêu đề ra là để tránh tình trạng DN trả công lao động không tương xứng. Nhà nước khuyến khích DN trả lương cho NLĐ cao hơn mức lương tối thiểu quy định. Cũng theo xu hướng đang áp dụng thì lương tối thiểu là công cụ tham chiếu khi DN xây dựng bảng lương và tính bảo hiểm xã hội cho NLĐ.

Mức lương thực nhận như thế nào được quy định bởi chính thị trường. Ở thời điểm hiện tại, khá nhiều DN đã trả mức cao hơn lương tối thiểu đang áp dụng. Như vậy, câu hỏi đặt ra là, thực chất NLĐ sẽ được thụ hưởng như thế nào từ chủ trương tăng lương tối thiểu?

Có lẽ rất khó đo đếm vấn đề này vì sẽ có nhiều công nhân đang hưởng lương chỉ khoảng 2 - 2,5 triệu đồng/tháng trông chờ vào việc nâng lương tối thiểu tới đây. Nhưng, nhìn tổng thể, mức lương DN trả phần nhiều đã cao hơn lương tối thiểu hiện hành. Việc có nâng lương tiếp tục không còn phụ thuộc rất lớn vào sức khỏe DN, vốn đang phải chịu sức ép rất lớn về tái cấu trúc, chi phí đầu vào cũng tăng.

Vốn sản xuất, lương công nhân phụ thuộc vào tiêu thụ hàng, nếu không tiêu thụ được thì cũng không có tiền. Thế nên, nếu tăng lương tối thiểu quá cao có thể gây áp lực trở lại với chính NLĐ. Có thể, DN phải tính đến biện pháp cực đoan là giảm thưởng, giảm lao động, dẫn đến hiệu quả mục tiêu của việc tăng lương sẽ giảm. Khi đó, câu chuyện tăng lương - đời sống công nhân, sức khỏe DN có tăng như một vòng luẩn quẩn không có lối thoát.

Trước những phản ứng trái chiều từ phía bảo vệ quyền lợi và chủ sử dụng lao động, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm, cần tính toán ngưỡng tăng lương phù hợp nhằm cân bằng lợi ích của NLĐ và DN. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nếu Chính phủ quyết phương án tăng lương tối thiểu khoảng 15% sẽ phù hợp với tình hình hiện nay hơn cả.

Ngoài tăng lương tối thiểu thì việc quan trọng hơn là bảo đảm tiền lương thực tế. Nếu nâng mức lương trên danh nghĩa mà việc chiếm dụng BHXH vẫn gia tăng, không thực hiện đồng bộ một số chính sách về an sinh xã hội như nhà ở, y tế, giáo dục, không kiềm chế được tốc độ lạm phát và đi đôi với duy trì mức tăng trưởng của nền kinh tế thì đời sống của NLĐ chắc chắn không được cải thiện.

Riêng về việc khắc phục tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội ngày càng phổ biến gây ảnh hưởng đến công tác an sinh xã hội, được biết Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề xuất phương án ngăn chặn khá triệt để: Tăng mức lãi suất chậm đóng lên gấp 2 lần lãi suất liên ngân hàng; quy định tội chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của NLĐ vào Bộ luật Hình sự, chứ không đơn thuần là vi phạm hành chính như trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Hy vọng, với những giải pháp này đời sống NLĐ từng bước được cải thiện một cách bền vững.

>>>Mổ xẻ tương quan lương tối thiểu - đời sống thật

Theo Hà Phong

cucpth

Hà nội mới

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên