MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cân nhắc tăng giá

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đánh giá lạm phát đã không còn là mối lo ngại lớn trong năm 2013 và có khả năng cả năm sẽ kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012.

Trong bức tranh kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2013, có lẽ việc kiềm chế lạm phát ở mức thấp được xem là một kết quả nổi bật.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 6 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đánh giá lạm phát đã không còn là mối lo ngại lớn trong năm 2013 và có khả năng cả năm sẽ kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012.

Chỉ số CPI tháng 6 tăng nhẹ 0,05% so với tháng trước, 6,69% so cùng kỳ năm trước và 2,4% so tháng 12-2012. Mặc dù, lạm phát theo tháng dao động tương đối lớn nhưng chủ yếu do tính mùa vụ nên lạm phát so cùng kỳ năm trước khá ổn định từ quý IV-2012, duy trì ở mức trên dưới 7%.

Nguyên nhân giúp lạm phát được duy trì ổn định do tổng cầu yếu khi giá mặt hàng thiết bị và đồ dùng gia đình, nhà ở và vật liệu xây dựng, giao thông, cùng hàng hóa thế giới đều có xu hướng giảm (nhất là giá lương thực và giá dầu thô).

Nếu không có sự tăng giá mạnh của nhóm hàng dược phẩm, y tế và giáo dục, lạm phát chung sẽ không những ổn định mà còn có xu hướng giảm: tốc độ tăng trung bình (không có trọng số) của giá nhóm các hàng hóa ngoài dược phẩm, y tế, giáo dục, đã giảm từ 5,9% trong tháng 1-2013 xuống còn 4,7% trong tháng 6-2013.

Tại bản báo cáo kinh tế vĩ mô vừa công bố, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định: trong 6 tháng cuối năm, khi giá hàng hóa thế giới được dự báo ổn định và cầu trong nước chậm khôi phục, nếu không có những thay đổi về chính sách kinh tế vĩ mô cũng như giá các mặt hàng cơ bản, nhiều khả năng lạm phát sẽ tăng thấp trong 6 tháng cuối năm 2013 và lạm phát cả năm 2013 sẽ ở mức khoảng 5%.

So với mục tiêu lạm phát điều hành của Chính phủ 6-6,5% của năm 2013, mức lạm phát dự báo khoảng 5% (nếu không điều chỉnh giá hàng hóa cơ bản) cho phép một dư địa nhất định để điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản.

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), giá điện tăng 1% sẽ có ảnh hưởng làm tăng CPI 0,07% (trong đó 0,04% tăng do ảnh hưởng trực tiếp và 0,03% do ảnh hưởng gián tiếp).

Trên cơ sở đó, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng giá điện có thể điều chỉnh trong phạm vi 10-15% (bao gồm cả điều chỉnh tiếp giá than bán cho điện). Ngoài ra vẫn còn dư địa để có thể áp dụng tỷ giá linh hoạt hơn trong những tháng cuối năm.

Về mặt lý thuyết, kiến nghị trên có vẻ hợp lý. Nhưng xem xét kỹ, việc cho phép tăng giá các mặt hàng cơ bản vào lúc này cần được cân nhắc thấu đáo. Trên thực tế, khó khăn của nền kinh tế trong gần 2 năm qua không chỉ làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kiệt quệ, mà còn có tác động không nhỏ tới đời sống của đại bộ phận người dân.

Năm 2012 chỉ số CPI theo thống kê được kiềm chế ở mức 6,81%, và 6 tháng qua chỉ tăng thêm 2,4%. Rõ ràng đây là mức lạm phát khá thấp, nhưng với những ai phải chi tiêu cho đời sống gia đình hàng ngày sẽ thấy rõ khó khăn. Với mức thu nhập 4-6 triệu đồng/tháng (có thể xem là mức thu nhập trung bình trong xã hội), nhiều người phải chật vật mới chi trả được cho các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.

Bởi vậy, dù lạm phát có giảm, niềm tin vào chính sách, vào nền kinh tế vẫn rơi vào tình trạng khủng hoảng. Trong bối cảnh đó, nếu tiếp tục cho phép tăng giá các mặt hàng cơ bản, nhất là giá điện với mức tăng tới 10-15% người dân liệu có chịu nổi không? Niềm tin vốn đã giảm, nay sẽ tiếp tục phải chịu tổn thương? Muốn có câu trả lời, chỉ cần nhìn vào việc tăng giá xăng trong thời gian gần đây.

Trong nửa tháng qua, giá bán lẻ xăng dầu đã liên tục tăng lên 2 lần, dù mỗi lần tăng không quá cao nhưng cũng đủ để khiến người dân và dư luận phản ứng. Đương nhiên, điều hành giá các mặt hàng có tác động lớn tới nền kinh tế cần hướng theo thị trường, nhưng lúc này việc lấy lại niềm tin dường như quan trọng hơn.

Nói về định hướng trong 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ sẽ tập trung điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp các giải pháp tiền tệ, tài khóa, thị trường giá cả để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng.

Như vậy, dù lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, nhưng kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được Chính phủ đặt ra như một nhiệm vụ ưu tiên. Với quan điểm đó, chắc chắn việc tăng giá các mặt hàng cơ bản cần được cơ quan điều hành cân nhắc kỹ để có giải pháp phù hợp không gây sốc thị trường, vừa không tạo thêm gánh nặng cho người dân.


cucpth

Theo Sài gòn đầu tư

Trở lên trên