Cần tái cơ cấu cả khu vực doanh nghiệp tư nhân
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng sau 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, kinh tế Việt Nam vẫn chứa đựng nhiều vấn đề.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2014 tổ chức tại Ninh Bình ngày 27-28/9/2014, những nhận định của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đã phác họa lên một bức tranh kinh tế Việt Nam đầy thách thức.
TS. Lê Đăng Doanh nhận định, việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng thời gian qua triển khai nhiều mảng cắt khúc, riêng lẻ, thiếu tính đồng bộ và cho đến nay chưa giải quyết những cản trở chính.
Cụ thể, việc xử lý nợ xấu vẫn chưa đánh giá đầy đủ quy mô nợ xấu, cơ cấu nợ xấu nằm ở đâu: bất động sản, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu chéo ở hệ thống ngân hàng, hay chất lượng tài sản thế chấp? Thêm nữa, mô hình VAMC với số vốn 400 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước ứng ra thực chất không khai thông được nợ xấu!
Các vấn đề phức tạp về sở hữu chéo, chất lượng tín dụng, nhà đầu tư góp vốn vào ngân hàng để huy động số vốn cao hơn nhiều lần từ ngân hàng đó vi phạm các quy định pháp luật về tổ chức tín dụng vẫn chưa có lời giải.
“Không có tiền tươi thóc thật "cục máu đông" nợ xấu vẫn còn cản trở quá trình lưu thông của tín dụng trong nền kinh tế”, ông Doanh nói.
Trong khi đó, thị trường bất động sản được Công ty Nomura đánh giá lên đến 21 tỷ USD lại chôn một số vốn tín dụng khổng lồ với rất nhiều yếu tố tiêu cực như lừa đảo, chiếm dụng vốn, tỷ lệ đút lót, lại quả rất cao. Đề án 30.000 tỷ đồng được giải ngân rất chậm, theo ông Doanh thì gói cứu trợ này hiện không có ý nghĩa nhiều trong việc giải tỏa tồn kho bất động sản. Kết quả là bong bóng bất động sản tiếp tục tác động đến cục máu đông nợ xấu, sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng.
“Nếu như các hành vi đầu cơ trong bất động sản không bị xử lý, những nhà đầu cơ được an toàn trong tương lai không xa sẽ có những làn sóng đầu cơ mới gây tác hại lớn cho kinh tế và xã hội”, ông Doanh cảnh báo.
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thời gian qua chủ yếu tập trung vào cổ phần hóa tuy nhiên tiến độ cổ phần hóa vẫn rất chậm chạp, tỷ lệ vốn huy động thấp. TS. Lê Đăng Doanh lấy ví dụ việc duy trì một tỷ trọng vốn nhà nước quá cao trong các đề án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chỉ bán cổ phần khoảng 25%-30%, nếu trừ đi phần cổ phần ưu đãi bán cho công nhân, viên chức thì tỷ lệ bán ra thị trường chỉ còn 15%-20%, không cho phép các nhà đầu tư chiến lược có đủ tỷ lệ cổ phần để tham gia Hội đồng quản trị, tác động vào nhân sự, chiến lược và quản trị của doanh nghiệp cổ phần hóa thì sẽ không có nhà đầu tư chiến lược nào sẵn sàng bỏ tiền ra để bộ máy cũ sử dụng tiền của họ mà họ không có tiếng nói nào.
Trong khi đó, các vấn đề khác rất quan trọng như đại diện chủ sở hữu, tách bạch rõ quản lý nhà nước với đại diện chủ sở hữu và bổ nhiệm nhân sự, thực hiện công khai minh bạch vẫn chưa được giải quyết. Theo đó, Ngân sách nhà nước bội chi vượt xa dự toán, nợ công tăng nhanh, phải vay mới để trả nợ cũ là những đòi hỏi bức bách phải tái cơ cấu ngân sách nhà nước.
Một khuyết điểm nữa của tái cơ cấu kinh tế, ông Doanh cho rằng các đề án tái cơ cấu kinh tế chủ yếu tập trung vào khu vực kinh tế nhà nước trong khi khu vực kinh tế dân doanh, động lực quan trọng của nền kinh tế và là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất cho xã hội, gặp rất nhiều khó khăn, Nhà nước chưa có hỗ trợ cũng chưa có đề án tổng thể nào về tái cơ cấu khu vực này. Theo thống kê, hơn 200.000 doanh nghiệp đã phải tuyên bố phá sản trong năm 2013!
“Để tồn tại và tiếp tục phát triển trong môi trường cạnh tranh gay gắt của hội nhập quốc tế, khu vực kinh tế dân doanh cần có một đề án tái cơ cấu và phát triển toàn diện. Vấn đề đặt ra là liên kết các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị với nông dân - ngư dân - doanh nghiệp chế biến - xuất, nhập khẩu - khoa học - công nghệ - giáo dục, đào tạo, ngân hàng, vận dụng công nghệ và quản trị tiên tiến đang rất cần được giải quyết”, ông Lê Đăng Doanh cho hay.
Ông Doanh vạch rõ hai yếu điểm trong tái cơ cấu kinh tế. Một là, vai trò của khoa học - công nghệ hầu như chưa được đề cập đến như một nhiệm vụ hàng đầu để thúc đẩy hiệu quả, năng lực cạnh tranh.
Việc thay đổi các chính sách đòn bẩy, cải cách thể chế để chuyển động lực phát triển kinh tế hiện nay chủ yếu dựa vào các mối "quan hệ", khai thác nguồn tiền vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, khai thác chênh lệch giá của đất đai, tài nguyên mỏ, rừng, biển... sang phát huy khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh chưa được đề ra.
Thực tế của số ít ỏi các doanh nghiệp vươn lên nhờ vận dụng khoa học - công nghệ cho thấy các doanh nghiệp có tiềm năng lớn chưa được khai thác và để vận dụng thành công khoa học-công nghệ, doanh nghiệp rất cần vai trò hỗ trợ và “bà đỡ” của nhà nước. Việc đề ra các yêu cầu đổi mới và vận dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong tái cơ cấu kinh tế là hết sức cần thiết và hoàn toàn có tính khả thi.
Tái cơ cấu là cơ hội để thúc đẩy tiến bộ khoa học-công nghệ, giảm tiêu hao vật tư, nguyên, nhiên liệu, xử lý ô nhiễm môi trường, rác thải, nâng cao năng lực cạnh tranh, đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, sản phẩm...
Hai là, tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam chưa xét đến các yếu tố hội nhập quốc tế. Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới: AEC, TPP ... sẽ là thách thức rất to lớn đối với nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam như các yêu cầu về hợp tác, liên kết, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, hợp tác với các tập đoàn lớn nước ngoài, đáp ứng các yêu cầu sở hữu trí tuệ, vệ sinh an toàn thực phẩm, đón nhận những thay đổi về thị trường lao động.
>>> Đại phẫu ngân hàng có triệt để được nợ xấu?
Hướng Dương