MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần Thơ đầu tư 8.000 tỷ đồng để xây dựng hệ thống thủy lợi

Từ nay đến năm 2020, Cần Thơ đầu tư 8.000 tỷ đồng xây dựng hệ thống thủy lợi ứng phó với biến đổi khí hậu, chủ yếu là chống ngập úng nhằm giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ kiêm Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch xây dựng đô thị địa phương này, cho biết từ nay đến năm 2020, Cần Thơ đầu tư 8.000 tỷ đồng xây dựng hệ thống thủy lợi ứng phó với biến đổi khí hậu, chủ yếu là chống ngập úng nhằm giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Số tiền trên được huy động từ ngân sách trung ương, địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA.

Theo Sở Xây dựng Cần Thơ, kế hoạch từ nay đến cuối năm 2015, tỉnh sẽ xây dựng hệ thống công trình thủy lợi chống ngập úng cho vùng trung tâm thành phố với các hạng mục 24 cống tiêu thoát nước với tổng khẩu độ 259m, hai âu thuyền tại sông Trà Nóc, Bình Thủy với khẩu độ 10m mỗi âu, nạo vét 109km kênh trục, kênh cấp I; nâng cấp 133,5km đê bao cấp I; xây dựng mới sáu trạm bơm tiêu với 15 tổ máy (loại 10.800 m3/giờ ); nâng cấp, xây dựng mới hệ thống kênh và bờ bao cấp II, kênh nội đồng.

Riêng phần ngoài đô thị, tỉnh dự kiến sẽ nạo vét 175km các kênh trục và kênh cấp I để tăng cường khả năng tiêu thoát.

Cũng theo Sở Xây dựng Cần Thơ, giai đoạn từ năm 2016 -2020, toàn tỉnh sẽ xây dựng hệ thống thủy lợi còn lại của khu trung tâm thành phố với các hạng mục 152 cống tiêu thoát nước với tổng khẩu độ 555m; nạo vét 129km kênh trục, kênh cấp I; nâng cấp, bổ sung 156km đê bao cấp I; xây dựng mới 29 trạm bơm tiêu với 93 tổ máy (loại 10.800 m3/giờ); nâng cấp, làm mới hệ thống kênh cấp II và kênh nội đồng.

Phần ngoài đô thị, tỉnh sẽ nạo vét 205km kênh trục, kênh cấp I, nâng cấp, bổ sung 614km đê bao cấp I, hệ thống kênh cấp II, cống tiêu, kênh nội đồng, bờ bao cấp II, cầu giao thông.

Toàn bộ khu đô thị được phân thành 18 ô bảo vệ, rộng 48.000ha (chủ yếu theo kênh cấp I) với diện tích từ 600ha đến 4.300ha mỗi ô. Trong đó, khu vực trung tâm thành phố Cần Thơ rộng 17.700ha, bao gồm quận Ninh Kiều, Bình Thủy, một phần của quận Ô Môn và huyện Phong Điền.

Các công trình bảo đảm dung tích nước trữ cho vùng nội thành tối thiểu là 10% và 20% đối với khu vực đô thị đang phát triển thuộc các quận, huyện còn lại; tạo bề mặt thấm, vùng đệm, vùng đất ngập nước nhằm trữ nước mưa, gia tăng lượng nước bổ sung cho tầng nước ngầm, giảm sự hình thành dòng chảy mặt, hạn chế tình trạng ngập úng cục bộ do mưa lớn thời đoạn ngắn, giảm tải cho hệ thống thoát nước của thành phố.

Hệ thống tiêu nước bảo đảm tiêu thoát nước, tự chảy cho diện tích đất trồng lúa hai vụ.

Đối với đất trồng lúa ba vụ, bố trí thêm máy bơm phục vụ tiêu thoát khi cần thiết. Đối với vườn cây ăn trái ở các huyện Phong Điền, Ô Môn, Thốt Nốt, ven sông Cần Thơ, sông Hậu, được bao ô theo hệ thống sông rạch tự nhiên, tại mỗi cửa lấy nước đều có cống đóng mở hai chiều.

Mùa mưa lũ, các cống được đóng khi triều lên và mở ra khi triều xuống. Phần ngập lũ trong mưa không có khả năng tự chảy sẽ được giải quyết bằng bơm.

Hệ thống ao nuôi thủy sản sẽ được bố trí theo kiểu liên hoàn ao xử lý sơ bộ, ao nuôi chính và ao chứa nước thải. Giải pháp tiêu chủ yếu là sử dụng các trạm bơm.

Đối với thủy sản nuôi trên ruộng thì áp dụng biện pháp tiêu nước tự chảy kết hợp bơm.

Theo khảo sát của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, từ năm 2008 đến nay, hiện trạng ngập úng tại thành phố Cần Thơ năm sau thường cao hơn năm trước và ngày càng nghiêm trọng.

Hầu hết các quận, huyện trên địa bàn thành phố đều bị ngập khi triều cường hoặc mưa lớn. Ngập nghiêm trọng nhất là các quận trung tâm như Ninh Kiều, Bình Thủy (sâu 40-50cm), thời gian ngập khoảng 2-3 giờ.

Hàng trăm tuyến hẻm tại hai quận này ngập từ 20-50cm khi mưa lớn và triều cường song lại kéo dài tới 3-4 giờ, có nơi kéo dài cả ngày gây khó khăn rất lớn cho cuộc sống của người dân.

Ngoài ra, tại quận Cái Răng, Ô Môn và huyện Phong Điền, độ ngập phổ biến từ 20-40 cm, nước chỉ rút sau mưa khoảng 2-3 giờ. Các khu ruộng lúa tại đây bị ngập từ 70-80cm, có nơi ngập sâu từ 1-1,2m, thời gian ngập từ 1-2 tháng trong mùa lũ. Nguyên nhân ngập úng ngày càng nghiêm trọng như vừa nêu là do tác động tổng hợp của các yếu tố thủy triều dâng, lũ và mưa nội vùng cùng với biến đổi khí hậu.

huongtt

TTXVN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên