Cẩn trọng khi nói kinh tế đang giảm phát
“Đến giờ phút này chưa thể chắc chắn có giảm phát hay không, mà cần có những chính sách mạnh dạn, quyết liệt hơn nữa”.
Ông Trương Văn Phước:Tôi xin trả lời bằng một ví dụ. Con vừa thi đỗ đại học, bà mẹ bảo: Đó là công của tôi, ngày xưa sinh nó ra, kèm nó học. Còn ông đi làm xong thì về làm thơ… Ông bố lại nói: Bà buồn cười, tôi là người giám sát quá trình nuôi dạy con của bà. Tôi can thiệp đúng nơi, đúng lúc….
Theo tôi, không phải tranh cãi nữa, con cái thi đỗ đại học là điều đáng mừng rồi. Cũng tương tự, ổn định kinh tế vĩ mô cũng là điều đáng mừng cho đất nước chứ đừng ngồi kể công người này, người kia.
Tình hình thế giới hiện nay cũng có những tác động thuận chiều cho mình, nhưng đồng thời mình cũng đã khôn ngoan hơn. Chính phủ cũng có nhiều kinh nghiệm hơn.
Một cách khoa học, bất cứ cái gì cũng có cái tự thân và cái bên ngoài. Các ổn định của chúng ta cũng có những thuận chiều của kinh tế thế giới sau khi dần phục hồi, sức cầu nền kinh tế dần tăng. Một mặt, nếu nhanh quá thì nó làm cho nền kinh tế phát triển, nhưng mặt tiêu cực của nó có thể tạo ra những biến động bất ổn, nhất là về lạm phát.
Chuyện phục hồi của nền kinh tế với sức cầu yếu cũng làm cho những tác động phục hồi của nền kinh tế chậm lại.
Ngoài ra, chúng ta cũng có kinh nghiệm hơn trong áp dụng các biện pháp về tiền tệ, chính sách tài khóa, đầu tư công… Đầu tư công bây giờ dừng lại các công trình, làm lạm phát giảm, nhưng ngược lại không tạo sức cầu, luân chuyển hàng hóa trong nền kinh tế bị chậm lại. Hai mặt này luôn tương thích, được cái này mất cái kia. Đó là sự đánh đổi.
PV:Trong sự đánh đổi ấy, theo ông chúng ta được nhiều hay mất nhiều hơn?
Ông Trương Văn Phước:Đứng ở góc độ nào đó, tôi cho rằng, được nhiều hơn. Đương nhiên, nếu được nhiều quá thì cái hơn ấy nhiều khi phản tác dụng. Cái khôn ngoan của chính sách là biết điều chỉnh kịp thời và chủ động.
Các quyết định của mình ra tương đối chậm nhưng bù lại nó được bảo hiểm tương đối vững chắc. Thế nhưng sự vững chắc này nhiều khi lại làm mất thời cơ.
PV:Theo ông, cần tạo một cú “hích” để tăng sức mua của nền kinh tế?
Ông Trương Văn Phước :Giá cả hàng hóa phụ thuộc vào sức mua. Sức mua là nhu cầu của con người. Sức cầu của nền kinh tế phải tạo ra sự hưng phấn. Đó là hành vi, thái độ của người tiêu dùng và nhà đầu tư sản xuất. Đó là niềm tin. Đáng tiếc chúng ta thiếu những chính sách làm nên niềm tin, kỳ vọng, đủ mức, đủ độ để có thể tạo ra sự hưng phấn đó. Phải có chính sách đột phá, đột biến để tạo niềm tin.
Do sức cầu, sự hưng phấn và chính sách của chúng ta không tạo ra kỳ vọng mạnh mẽ và theo lý thuyết kinh tế học hành vi thì nó tác động đến các phần tử thị trường. Nhiều khi người ta mua sắm chỉ vì niềm tin, mong ước một cái gì đó chứ chưa phải nhu cầu thực sự.
Thực tế hiện nay, tổng mức bán lẻ tăng nhưng CPI giảm. Vì sao lại như vậy? Thông thường, bán lẻ tăng thì CPI tăng, ở đây ngược lại. Vì khái niệm bán lẻ của chúng ta trong thống kê là rất tương đối. Một lực lượng hàng bán lẻ đó thực chất là hàng tư liệu sản xuất, đi vào và lại ra thị trường. Ở Mỹ người ta thống kê qua PPI – giá sản xuất. Nếu hàng đi vào sản xuất nhiều thì giá sẽ tăng.
PV:Có ý kiến cho rằng, chúng ta đang có vẻ như quá “nghiện” tăng trưởng. Ông bình luận gì?
Ông Trương Văn Phước:Tác động của lạm phát thấp, tăng trưởng thấp… ảnh hưởng gì đến Việt Nam? Trong khi chúng ta đang cầu mong nền kinh tế thế giới tốt đẹp, cùng sự nỗ lực của mình, mình cũng sẽ nhận được sự lan tỏa đó thì sẽ có sự tốt đẹp hơn.
Thế nhưng, bây giờ kinh tế thế giới đang tăng trưởng thấp với mức lạm phát thấp, thì ta cũng được hưởng lợi một phần nào đó, nhưng phần chúng ta mơ ước, kỳ vọng sẽ không được như thế. Trước tình hình như vậy, nền kinh tế Việt Nam phải làm gì đây? Vì nói gì thì nói, GDP của Việt Nam vẫn nhỏ bé, khoảng 130-140 tỷ USD thì việc tăng trưởng vẫn là mong muốn số 1.
Bây giờ phải "chạy" thật nhanh, đương nhiên cần sự ổn định vĩ mô, nhưng nền kinh tế như thế này mà không tăng trưởng thì sẽ ra sao? Phải tăng trưởng, nhưng phải hạn chế bất ổn của nền kinh tế. Nếu phải có những bất ổn ở chừng mức chúng ta kiểm soát được thì đó cũng là sự đánh đổi tất yếu cho sự tăng trưởng kinh tế. Phải chấp nhận mất cái gì để được cái gì đó.
Từ đầu năm, Thủ tướng đã có thông điệp rõ ràng về việc cho người nước ngoài mua nhà, nới biên độ cho nước ngoài nắm tỷ lệ cổ phần, cổ phiếu thị trường chứng khoán, dòng vốn bên ngoài vào… tạo ra sự hưng phấn hơn. Chúng ta cứ nói niềm tin. Nhưng niềm tin là gì? Không họa sĩ nào vẽ được niềm tin, vậy thì phải hành động đi.
Những vấn đề chúng ta đã thấy rồi thì phải làm nhanh hơn. Còn đương nhiên, không có gì đúng hay sai 100% cả.
PV:Xin cảm ơn ông!
Theo Vũ Hạnh