MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần ứng xử đúng trước những thông tin hiệp hội DN nước ngoài công bố

Theo khảo sát của EuroCham, 20% số doanh nghiệp được hỏi có ý định chuyển công việc kinh doanh sang một nước khác ở ASEAN...

 Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường và Giá cả, hiện là chuyên gia kinh tế cao cấp của Bộ Tài chính, cho hay muốn thu hút doanh nghiệp nước ngoài rót vốn vào Việt Nam, cơ quan quản lý về đầu tư cần có số liệu thống kê chính xác cũng như ứng xử đúng trước những thông tin, số liệu mà các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài công bố.

Lo sợ lạm phát tăng

Mới đây, Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam có công bố số liệu họ khảo sát doanh nghiệp trong đó có điểm đáng chú ý là 20% doanh nghiệp thuộc tổ chức này có ý định chuyển hướng đầu tư từ Việt Nam sang một nước khác. Ông đánh giá như thế nào về số liệu này?

- Đó mới chỉ là con số khảo sát của EuroCham. Nhưng nếu đúng con số 20% doanh nghiệp châu Âu rời khỏi Việt Nam thì đó là cả một vấn đề. Trong đó còn có một thông điệp nữa là số doanh nghiệp này rời khỏi Việt Nam không phải về nước họ mà là chuyển sang đầu tư ở một nước khác, có thể là Indonesia hoặc Myanmar. Điều đó cho thấy có thể họ rút khỏi Việt Nam không phải xuất phát từ khó khăn của bản thân họ mà là từ thị trường Việt Nam.

Một điều nữa trong bản số liệu do EuroCham công bố cho thấy họ quan tâm đến rất nhiều vấn đề; trong đó, lo lắng nhất là tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam như lạm phát, phát triển kinh tế... Họ đánh giá khá tiêu cực hai vấn đề này.

Về mặt con số là như vậy. Còn nếu muốn tìm hiểu kỹ thì cần phải phân tích kỹ 20% đó bao gồm những doanh nghiệp thuộc ngành nghề nào, tại sao rút…

Cần phải có câu hỏi riêng cho số 20% doanh nghiệp này đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam. Tôi nghĩ, nếu mình quan tâm, EuroCham sẽ có nhiều số liệu liên quan.

Theo khảo sát của EuroCham, 20% số doanh nghiệp được hỏi có ý định chuyển công việc kinh doanh sang một nước khác ở ASEAN; 43% doanh nghiệp lo ngại tình trạng lạm phát đe dọa đến kinh doanh; 48% doanh nghiệp lo ngại về sự suy thoái của kinh tế vĩ mô…

Tuy nhiên, kết quả khảo sát có điểm đáng mừng là 61% doanh nghiệp hy vọng doanh thu tăng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước; 47% doanh nghiệp có ý định tuyển thêm nhân viên, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này, nếuxảy ra, sẽ tác động như thế nào tới môi trường đầu tư của Việt Nam, bởi doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vai trò rất quan trọng đối với kinh tế Việt Nam?

- Nói ảnh hưởng rất lớn thì không hẳn. Bởi xét về mặt quy mô, doanh nghiệp FDI đóng góp chưa tới 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam, góp ¼ tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, doanh nghiệp FDI đóng góp vào xuất khẩu rất lớn.

Doanh nghiệp châu Âu chưa phải là những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam mà lớn nhất phải kể đến những nhà đầu tư từ Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Đặc biệt, năm nay, doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam rất nhiều. Cho nên ở đây cũng cần phải chú ý liệu rằng có phải con số 20% doanh nghiệp châu Âu thấy đối thủ cạnh tranh cùng ngành nghề đến từ Nhật khiến họ rút hay không. Cho nên, tôi nhấn mạnh, con số 20% là đáng báo động nhưng tại sao như thế thì cần tìm hiểu, đi sâu hơn để biết cái gì là lỗi phía mình, cái gì từ phía họ để kịp điều chỉnh.

Linh hoạt trong thu hút đầu tư nước ngoài

Rõ ràng, với những số liệu mà EuroCham đưa ra, môi trường đầu tư của Việt Nam ít nhiều cũng bị ảnh hưởng?

- Cũng chưa thể nói là bị ảnh hưởng được. Tại sao thời gian gần đây các nhà đầu tư từ Singapore, Đài Loan lại đầu tư vào Việt Nam nhiều đến thế?

Có thể các nhà đầu tư ở đây thích ứng với môi trường đầu tư ở Việt Nam tốt hơn doanh nghiệp châu Âu. Có thể doanh nghiệp châu Á có chung văn hóa Á Đông, thích ứng tốt hơn với những rào cản hành chính, thủ tục so với doanh nghiệp châu Âu.

Tiếp xúc nhiều, tôi nhận thấy doanh nghiệp đến từ Anh, Pháp, Đức khó có thể vận dụng linh hoạt nhiều thứ ở môi trường Việt Nam được. Cái đó cũng là lý do khiến họ rút khỏi Việt Nam. Cần phải có cái nhìn tổng, toàn diện mới có thể đánh giá môi trường đầu tư ở Việt Nam được.


Nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhắm vào thị trường phân phối của Việt Nam - Ảnh: Trung Hiếu

Từ số liệu đó của EuroCham, cơ quan chức năng cũng cần quan tâm để tìm hiểu chứ?

- Mình cần phải tôn trọng thông tin đó bởi EuroCham đại diện cho một bộ phận doanh nghiệp đến từ châu Âu. Đáng ra, những khảo sát như thế phía Việt Nam cũng phải làm. Hiện mình có cơ quan quản lý về FDI như Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam. Đáng ra, những cơ quan này phải cung cấp thông tin tương tự.

Một điều nữa chúng ta cần bàn là cách ứng xử trước thông tin. Cơ quan quản lý cần tìm hiểu đằng sau thông tin đó là gì. Ý định bỏ Việt Nam để đầu tư nơi khác xuất phát từ nguyên nhân khách quan nhưng cũng có thể là nguyên nhân chủ quan. Như trong bản khảo sát mà EuroCham đưa ra, họ lo sợ tình trạng tham nhũng ở Việt Nam và đây là một lý do để chuyển đi nơi khác, trong đó có Myanmar.

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ thì tham nhũng ở Myanmar còn hơn ta. Vấn đề ở chỗ là tại sao doanh nghiệp châu Âu lại có ý định chuyển sang Myanmar. Chúng ta cần tìm hiểu rõ điều này.

Cảm ơn ông!

Theo Trung Hiếu

thunm

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên