Cần xử lý hình sự doanh nghiệp nợ BHXH
Nhiều ý kiến đề nghị phải xử lý hình sự tội danh chiếm dụng BHXH để răn đe các doanh nghiệp chây ỳ
- 11-09-2014Ký hợp đồng lao động 1 tháng cũng phải đóng BHXH
- 06-09-2014Lúng túng xử lý nợ BHXH tại các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn
- 20-08-2014Nộp BHXH chỉ còn 108 giờ/năm
- 13-08-2014Luật BHXH sửa đổi: 'Viết thế này thì vỡ hết quỹ, mất hết tiền'
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến bổ sung tội danh về BHXH, BHYT vào Bộ Luật Hình sự (sửa đổi).
Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính; nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp- chuyên gia cao cấp tư vấn Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) Phạm Quý Tỵ; đại diện các vụ chức năng liên quan thuộc Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Ban soạn thảo, Tổ biên tập Bộ Luật Hình sự (sửa đổi)…
5 triệu lao động chưa được tham gia BHXH, BHYT
Báo cáo tình hình vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, ông Phan Văn Mến, Trưởng Ban Pháp chế BHXH Việt Nam, cho biết trong những năm gần đây, các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT đang gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp, tinh vi. “Các hành vi vi phạm này không chỉ gây thiệt hại đến quỹ BHXH, BHYT, mà còn đặc biệt ảnh hưởng tới những quyền quyền lợi thiết yếu của người lao động (NLĐ)”- ông Mến nói.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính từ năm 2007 đến hết năm 2013, số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp luôn tăng cao. Cụ thể, năm 2007 số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 1.734 tỷ đồng; đến hết năm 2013 tổng số nợ là trên 6,4 nghìn tỷ đồng (trong đó, nợ BHXH bắt buộc trên 4,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,34% tổng số phải thu); tính đến 31/08/2014, tổng số nợ là trên 11,5 nghìn tỷ đồng. Số nợ tăng cao, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của NLĐ, dẫn đến tình trạng NLĐ khiếu nại, tố cáo, thậm chí có nơi còn tổ chức đình công, ảnh hướng đến trật tự an toàn xã hội.
Đại diện Bộ LĐ-TB-XH cho biết hiện nay, số đối tượng có quan hệ lao động thuộc diện tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp bắt buộc là 16 triệu người nhưng mới có gần 11 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc, còn khoảng 5 triệu lao động chưa được tham gia BHXH, BHYT. Điều này cũng đồng nghĩa với việc quỹ BHXH, BHYT sẽ không thu được khoảng 56.000 tỷ đồng/năm, làm cho trên 5 triệu người mất quyền được đảm bảo các chế độ an sinh xã hội cơ bản.
Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện có trên 300.000 đơn vị, doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, nhưng chi có 150.000 đơn vị, DN đăng ký tham gia BHXH. Như vậy, đã có đến 50% số đơn vị, DN trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ.
Căn cứ vào thực tế vi phạm, có thể chia những vi phạm về BHXH, BHYT thành 3 nhóm chính, bao gồm: Nhóm hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT (Người sử dụng lao động (NSDLĐ) không tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ; không đóng đủ số lao động và số tiền phải tham gia BHXH, BHYT; NSDLĐ đã khấu trừ tiền đóng BHXH, BHYT vào lương của NLĐ nhưng chiếm dụng và không nộp cho cơ quan BHXH;…); Nhóm hành vi vi phạm quyền thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT (gian lận BHXH, tổ chức gian lậnvà tạo điều kiện cho người khác gian lận BHXH); Nhóm hành vi vi phạm liên quan đến việc quản lý và thực hiện BHXH, BHYT (thông đồng với cơ sở KCB để trục lợi; giải quyết hưởng BHXH không có sổ BHXH;…).
Chế tài, xử phạt chưa nghiêm
Để khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, ngành BHXH đã áp dụng triệt để và đồng bộ nhiều giải pháp. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều đại biểu, việc chế tài xử phạt về vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT hiện nay còn thiếu tính răn đe nên chưa phát huy được hiệu quả. “Việc chế tài xử phạt chưa nghiêm đã tạo ra hiệu ứng "nhờn luật" tại các DN, đơn vị.
Cụ thể, NSDLĐ không đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ thuộc diện tham gia bắt buộc, chỉ bị quy mức xử phạt tối đa 75 triệu đồng, thì một DN có thể lựa chọn không đóng, trốn đóng, thậm chí chiếm dụng vốn từ chính nguồn tiền trích đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ của DN mình làm chi phí quay vòng sản xuất kinh doanh- khi tình hình kinh tế khó khăn”- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính, nêu thực tế.
Từ thực trạng trên, nhiều đại biểu thống nhất, nếu chỉ sử dụng các biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH sẽ không hạn chế được tình trạng nợ đọng BHXH kéo dài và ngày càng gia tăng trong nhiều năm nay.
Do đó, việc bổ sung tội danh về BHXH, BHYT vào Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) là biện pháp mạnh, mang tính răn đe nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của đối tượng. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, khi đưa tội danh này vào Bộ Luật Hình sự, sẽ không chặn đứng được tình trạng vi phạm chính sách BHXH, BHYT, nhưng chắc chắn sẽ từng bước hạn chế tình trạng này.
Theo Trực Ngôn