Chỉ khoảng 10 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ
Trong tổng số 258 tỷ USD vốn đầu tư của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam, chỉ có khoảng 10 tỷ USD được rót vào ngành công nghiệp hỗ trợ.
- 20-07-2015Thu hút FDI giảm: DN “ngại” vì phải “đi đêm”?
- 13-05-2015Công nghiệp hỗ trợ: Góc nhìn của người trong cuộc
- 24-02-2015Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cần doanh nghiệp tự khẳng định mình
Theo ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến nay Việt Nam đã thu hút được 258 tỷ USD vốn FDI, với trên 18.000 dự án còn hiệu lực.
Vốn FDI hiện chiếm khoảng 20 – 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, bổ sung nguồn lực quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội; chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu; đóng góp khoảng 18 – 20% vào GDP; và chiếm trên 20% tổng thu ngân sách.
Thay đổi chiến lược thu hút FDI
Đại diện của Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng hoạt động đầu tư của DN FDI đã giúp cho hiệu quả sản xuất chung của nền kinh tế được cải thiện. Chỉ số đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh thay đổi tích cực. Tuy nhiên, một vấn đề được ông Quang đặt ra là đóng góp thực chất của FDI với nền kinh tế.
Việc thu hút vốn FDI sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới, song chính sách thu hút đang có những chuyển hướng chiến lược quan trọng. Cụ thể, từ việc thu hút vốn FDI mang tính dàn trải, nặng về số lượng sẽ tập trung vào các dự án, đối tác đầu tư có chất lượng hiệu quả.
Trong đó, tập trung vào các dự án sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và đặc biệt là tăng thêm giá trị gia tăng tại Việt Nam.
Đặt trong bối cảnh có tới hơn 90% DN của Việt Nam là DN nhỏ và vừa, GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cũng cho rằng rất khó để Việt Nam xây dựng được các DN mang tầm quốc tế trong thời gian ngắn.
Vấn đề là, làm thế nào để thu hút FDI chất lượng cao, tạo tính kết nối trong chuỗi liên kết giữa DN Việt Nam với DN FDI để thu về giá trị gia tăng lớn hơn cho Việt Nam.
Dẫn chứng từ câu chuyện Samsung, GS. Mại cho biết trong năm nay tập đoàn này dự kiến xuất khẩu khoảng 30 tỷ USD.
Trong đó, giá trị gia tăng mà Samsung tạo ra khoảng 30%, tức là tương đương với 10 tỷ USD. Song các DN phụ trợ của Việt Nam chỉ chiếm được khoảng 35 triệu USD - một con số khá ít ỏi. Do đó, việc tạo tính liên kết, kết nối giữa DN phụ trợ Việt Nam với Samsung và các tập đoàn FDI khác là rất cần thiết.
Giải bài toán chính sách công nghiệp hỗ trợ
Theo thống kê chưa đầy đủ thì hiện khối FDI mới chỉ đầu tư khoảng 10 tỷ USD vào công nghiệp hỗ trợ. Đây là con số rất nhỏ trong tổng vốn đầu tư vào Việt Nam là 258 tỷ USD theo đánh giá của ông Quang.
Do đó, GS. Mại cho rằng chính sách thu hút đầu tư, chính sách phát triển cần phải đặc biệt ưu tiên và tập trung đến phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Hiện Việt Nam đang đưa ra các chính sách khá đồng bộ trong phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bao gồm Dự thảo Nghị định về công nghiệp hỗ trợ, Quỹ hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ, quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa cùng nhiều chính sách khác…
Trong đó, một số chính sách đáng lưu ý như những DN làm phụ trợ cho các tập đoàn lớn như Samsung cũng được hưởng ưu đãi như các FDI; xây dựng quỹ hỗ trợ cho DN với số vốn ban đầu khoảng 3200 tỷ đồng…
Tuy nhiên, một “băn khoăn” lớn nhất mà GS. Mại chỉ ra là mức lãi suất cho công nghiệp hỗ trợ theo dự thảo đưa ra là còn quá cao.
Trong đó, có thời điểm lãi suất lên tới 80% của lãi suất ngoài thị trường, được đánh giá là mức lãi suất chưa hấp dẫn và chưa khuyến khích được các DN công nghiệp hỗ trợ phát triển.