Chính phủ yêu cầu quản lý chặt chẽ nợ công
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, theo dõi diễn biến tình hình và chủ động tính toán các phương án bảo đảm nguồn thu và cân đối NS năm 2015 trong trường hợp giá dầu có biến động lớn.
Trong Nghị Quyết 01 vừa được Chính phủ ban hành đã yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nợ công, cơ cấu lại nợ công.
Thường xuyên theo dõi, đánh giá về an toàn nợ công, định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc theo yêu cầu báo cáo Chính phủ. Bảo đảm nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn theo quy định của pháp luật.
Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, quản lý chặt chẽ Quỹ tích lũy trả nợ.
Tăng cường kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay; kiểm soát chặt chẽ việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, giảm dần hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ, tiến tới thu hẹp để tập trung hỗ trợ của Chính phủ cho các dự án, chương trình trọng điểm, chuyển dần sang kênh bảo lãnh của các ngân hàng thương mại, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo quy định; mở rộng cơ chế cho vay lại cho chính quyền địa phương.
Đồng thời, cơ cấu lại các khoản vay nợ ngắn hạn, chuyển sang các khoản vay nợ trung và dài hạn, giảm chi phí vốn vay.
Từ năm 2015, phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 05 năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, giảm mức vay đảo nợ.
Theo dõi diễn biến tình hình và chủ động tính toán các phương án bảo đảm nguồn thu và cân đối ngân sách năm 2015 trong trường hợp giá dầu có biến động lớn.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương phân bổ, quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Quyết định Thủ tướng Chính phủ. Bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhất là các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA;
Tập trung vốn đầu tư cho các công trình quan trọng, cấp bách có khả năng hoàn thành trong năm 2015 để sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả. Bảo đảm vốn đối ứng cho các dự án ODA.
Rà soát tình hình và tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân các chương trình dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, nhất là các dự án quan trọng, cấp bách; tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung kế hoạch vốn ODA trong trường hợp cần thiết; Đổi mới chính sách, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, các hình thức đầu tư; đẩy mạnh hợp tác theo hình thức công tư (PPP) và các hình thức đầu tư không sử dụng vốn nhà nước để huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Đầu tư công, đặc biệt các quy định về chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu giai đoạn 2011-2015; rà soát tổng thể cắt giảm, lồng ghép, thu gọn các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 theo đúng tinh thần Chỉ thị số 22/CT-TTg về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.
Đặc biệt, theo dõi diễn biến tình hình biến động giá dầu, sản lượng khai thác, đánh giá các tác động ảnh hưởng đến tăng trưởng, đầu tư, lạm phát và đề xuất giải pháp ngay từ đầu năm.>>> Chính phủ yêu cầu năm 2015 phải đẩy mạnh xuất khẩu hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu
Khánh Nhi (lược ghi)