MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CHK quốc tế Phú Quốc sẽ được cho thuê như thế nào?

Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) vừa hoàn tất Đề án thí điểm cho thuê Cảng hàng không (CHK) quốc tế Phú Quốc.

Chỉ cho thuê tài sản gắn liền với đất, không bao gồm sân đỗ

Một trong những điểm đáng lưu ý lần này tại Đề án do ACV xây dựng là chỉ cho thuê tài sản gắn liền với đất thuê, không bao gồm sân đỗ của sân bay Phú Quốc trong khoảng thời gian tối đa là 30 năm.

Cụ thể, việc xác định giá trị cho thuê sân bay Phú Quốc sẽ được ACV căn cứ theo phân tích giá trị đầu tư, dòng tiền doanh thu, chi phí khai thác, lợi nhuận trong tương lai với thời hạn dự kiến là 30 năm quy đổi về giá trị thời điểm hiện tại cũng như phân tích giá trị đóng góp của CHK quốc tế Phú Quốc trong hệ thống mạng lưới cảng hàng không, sân bay. Giá trị này cũng phải đảm bảo duy trì việc khai thác khu bay và phương án đầu tư phát triển mở rộng CHK quốc tế Phú Quốc.

“Việc định giá cho thuê hạ tầng sân bay sẽ do tổ chức tư vấn chuyên nghiệp đánh giá”, đại diện ACV khẳng định và cho biết, sau khi cho thuê, nhà đầu tư phải lập ra công ty mới để cung cấp dịch vụ hàng không tại nhà ga hành khách, phương án xử lý lao động hiện tại. ACV sẽ thành lập lại công ty cảng giữ vai trò là người khai thác sân bay để quản lý khai thác các phần còn lại.

Về đối tượng cho thuê, đề án lần này của ACV tiếp tục khu biệt trong phạm vi các doanh nghiệp hoặc tổ hợp doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực tài chính, được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ hàng không tương ứng theo quy định của pháp luật. Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư sẽ tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 30/2015 ngày 17/3/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Thuê tư vấn ngoại lập hợp đồng

Theo đánh giá của Cục Hàng không VN, việc ACV đề xuất chỉ cho thuê tài sản gắn liền với đất thuê, không bao gồm khu bay đảm bảo “không ảnh hưởng đến hoạt động khai thác khu bay của ACV sau khi cho thuê”.

* Hiện tại, có hai “tên tuổi lớn” đã có văn bản chính thức bày tỏ mong muốn được thuê CHK quốc tế Phú Quốc là Tập đoàn T&T của “bầu” Hiển và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) của “vua hàng hiệu” Jonathan Hạnh Nguyễn.

* CHK quốc tế Phú Quốc được đưa vào khai thác từ tháng 12/2012, đạt tiêu chuẩn cấp 4E, công suất 2,65 triệu khách/năm, có thể đón được tàu bay B747-400. Năm 2014, CHK này đón hơn 1 triệu lượt hành khách, tăng 46,13% so với năm 2013 với 8.468 lượt hạ, cất cánh.

Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh khẳng định: “Việc xây dựng và thực hiện Đề án cho thuê sân bay Phú Quốc không làm ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa Công ty mẹ ACV”.

Cũng theo ông Thanh, để đảm bảo thực hiện Đề án cho thuê sân bay Phú Quốc, cần tiếp tục làm rõ một số vấn đề như định hướng về tăng giá phục vụ hành khách, đảm bảo công tác quản lý thực hiện quy hoạch, đảm bảo việc đầu tư đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ làm tăng giá trị của nhà ga như dịch vụ cung cấp suất ăn, xăng dầu, bảo dưỡng ngoại trường… Đặc biệt, theo ông Thanh, ACV cần thuê tư vấn nước ngoài soạn thảo hợp đồng cho thuê.

Xin được nhắc lại, hồi đầu tháng 8, ACV đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Dự án mở rộng nhà ga hành khách, CHK quốc tế Phú Quốc. Theo đó, nhà ga hành khách Phú Quốc sẽ được mở rộng thêm gần 12 nghìn m2 (từ hơn 24,3 nghìn m2 lên hơn 36,1 nghìn m2); tăng thêm: Bốn cầu ống, 8 cửa ra máy bay, một băng chuyền hành lý, ba đảo băng chuyền hành lý… để có thể nâng công suất lên 4 triệu hành khách/năm (hiện là 2,65 triệu hành khách).

Nếu được Bộ GTVT phê duyệt, việc nâng công suất nhà ga dự kiến tốn khoảng 1.001 tỷ đồng, sẽ bắt đầu thi công vào tháng 3/2016 và hoàn thành, đưa vào khai thác vào tháng 4/2017.

Theo Thanh Bình

Báo Giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên