MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuẩn bị “khoảng đệm” an toàn cho nền kinh tế

Trước những diễn biến phức tạp hiện nay trên biển Đông, cần có những giải pháp chuẩn bị nào cho nền kinh tế? Đó là vấn đề được nhiều vị ĐBQH trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội sáng 24-5.

  • Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách PHÙNG QUỐC HIỂN: Chuẩn bị nhiều phương án cho nền kinh tế

Chúng ta luôn phải giữ vững vị thế là một nền kinh tế độc lập. Trên thị trường hôm nay là bạn hàng, nhưng ngày mai không phải bạn hàng nữa cũng là chuyện bình thường. Chúng ta không nên nghĩ chỉ duy nhất xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc mà có thể tìm kiếm những thị trường khác. Nhưng trong hội nhập, các nền kinh tế đều có sự lệ thuộc lẫn nhau, có ảnh hưởng và tác động qua lại. Nếu bế quan tỏa cảng thì tất cả đều khó khăn chung.

Tôi cho rằng, vấn đề then chốt là tìm ra được lĩnh vực nào, khâu nào có lợi thế, chứ không phải cái gì cũng làm. Bây giờ, phân công lao động xã hội không chỉ bó hẹp trong phạm vi một nước mà đã mở rộng ra toàn thế giới. Vì thế, không nên quá lo chuyện bị “chặn” mọi cửa phát triển. Điều đáng tiếc với Việt Nam là liên tiếp gặp phải bài học cũ, mà không rút ra được cách giải quyết mới. Ví dụ như dưa hấu, đã rất nhiều năm cứ đến mùa lại xếp hàng, ứ đọng ở cửa khẩu. Vì thế, giờ đây chúng ta phải chuẩn bị nhiều phương án. Kinh tế luôn phải gắn với quốc phòng an ninh, chỉ khi chúng ta đảm bảo được chủ quyền quốc gia, đất nước, an ninh quốc phòng thì kinh tế mới phát triển được. Trong điều kiện hiện nay, phải có biện pháp hỗ trợ ngư dân. Đó là những cột mốc chủ quyền sống của chúng ta. Những chính sách sâu rộng hơn nhằm tạo điều kiện cho ngư dân để họ vừa làm kinh tế trên biển vừa bảo vệ chủ quyền đất nước là một ưu tiên đặc biệt quan trọng.

  • ĐBQH VŨ VIẾT NGOẠN, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Phải tái cơ cấu toàn diện

Đến thời điểm này, yêu cầu phát huy nội lực để đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của nền kinh tế Việt Nam đã trở thành yêu cầu cấp thiết. Để làm được việc đó, mục tiêu đầu tiên là phải nâng cao được năng suất lao động và hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Dù rằng không có vấn đề gì từ bên ngoài thì đó vẫn là yêu cầu có tính khách quan và có tính chất lịch sử. Sau mấy chục năm đổi mới, trước đây động lực cho phát triển kinh tế là thay đổi quan hệ sản xuất. Sau Đại hội V của Đảng, chúng ta trao quyền tự chủ nhiều hơn cho người nông dân trong phát triển nông nghiệp và tạo điều kiện cho phát triển khu vực tư nhân, công nhận 5 thành phần kinh tế… là động lực cho kinh tế phát triển. Giờ đây, những nhân tố đó không còn dư địa để tạo những thay đổi có tính đột phá, mà phải nâng cao chất lượng và năng suất lao động.

Chính vì vậy, phải tái cơ cấu toàn diện. Trong đó, về thể chế phải loại bỏ tất cả những rào cản để phát huy được tính năng động, sáng tạo của mọi thành phần kinh tế và mọi chủ thể kinh tế. Mấy năm gần đây, do khó khăn, tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, suy thoái kinh tế, cộng với yếu tố nội tại của mình có nhiều bất cập nên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu là khu vực có vốn nước ngoài. Tuy nhiên, chính điều đó phần nào làm mất đi tính tự chủ của chúng ta; không tạo ra sự ổn định kinh tế bền vững, lâu dài. Phát triển quá lệ thuộc vào xuất khẩu mà không dựa vào thị trường trong nước thì cũng dẫn đến mất cân đối, ổn định.

Cũng liên quan đến xuất khẩu, yêu cầu giảm nhập siêu của Việt Nam, nhất là từ Trung Quốc, đã được đặt ra nhiều năm nay. Chúng ta nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều máy móc, nguyên liệu phục vụ sản xuất như dệt may, da giày. Ngoài ra, chúng ta còn nhập khẩu cả những mặt hàng mà trong nước hoàn toàn có khả năng sản xuất được. Vì vậy, phải nghiên cứu phát triển sản xuất trong nước, tập trung vào mặt hàng ta toàn hoàn có thể chủ động được, không nên nhập khẩu những hàng hóa tiêu dùng không thật sự cần thiết. Nhập khẩu nguyên liệu sản xuất cũng cần cân nhắc, nghiên cứu để đa dạng hóa thị trường, đảm bảo mức giá cạnh tranh. Cần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc… cùng với họ phát triển công nghiệp phụ trợ, giúp Việt Nam tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất toàn cầu để góp phần hạn chế nhập siêu. Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, các nền kinh tế đều phụ thuộc nhau. Bản thân Trung Quốc cũng cần có sự phát triển, ổn định trong mối tương quan thương mại, kinh tế, chính trị, ngoại giao với tất cả các nước trên thế giới.

Theo ANH THƯ

thanhhuong

Sài Gòn giải phóng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên