Nhiều Bộ trăn trở
Theo dự thảo Luật, các vấn đề của DNNN được quy định tại Chương VII, xác định vai trò và chức năng của DNNN và từng DNNN, xác định nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước trong doanh nghiệp, quy định cụ thể về tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu vốn Nhà nước trong doanh nghiệp, nguyên tắc quản trị DNNN dưới hình thức công ty TNHH MTV; yêu cầu công khai thông tin định kỳ và bất thường.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho rằng đây sẽ là cách làm dễ gây “phản cảm” bởi bản thân Luật Doanh nghiệp phải được hiểu là văn bản quy định về loại hình pháp lý doanh nghiệp, không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế.
Do vậy, nếu quy định riêng rẽ như thế sẽ làm sai lệch kết cấu, bản chất và chức năng vốn có của Luật Doanh nghiệp, có thể tạo ra sự bất bình đẳng với các doanh nghiệp khác.
Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu từng bày tỏ đồng tình với quan điểm không nên cố ép việc quản lý doanh nghiệp Nhà nước vào một chương, vì "vừa không đầy đủ, hoặc có thể lại bị trùng với điều khác".
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chỉ nên dừng ở quan điểm quy định những vấn đề đặc thù quản trị, còn lại nên đưa vào Luật Đầu tư và quản lý vốn Nhà nước trong doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu |
Theo ông Hiếu, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chỉ nên dừng ở quan điểm quy định những vấn đề đặc thù quản trị, còn lại nên đưa vào Luật Đầu tư và quản lý vốn Nhà nước trong doanh nghiệp.
Trong phiên họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật ngày 21/3, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đưa ra kiến nghị tương tự.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng tuy cho rằng cần có chương riêng, nhưng để tránh gây “phản cảm”, hiểu nhầm DNNN là một loại hình pháp lý mới hay có sự phân biệt đối xử, Thứ trưởng Tụng đề nghị đổi tên chương “Doanh nghiệp Nhà nước” thành “Một số quy định đặc thù trong quản trị đối với doanh nghiệp có cổ phần vốn góp chi phối của nhà nước”.
Chính phủ ủng hộ
Trước đó trong cuộc họp hồi giữa tháng 3 góp ý sửa đổi dự thảo luật Doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh từng cho rằng, vẫn nên thiết kế Chương về DNNN tại dự Luật.
Bởi “Ý tứ của quy định này là tiền của Nhà nước giao cho doanh nghiệp tiêu thì Nhà nước phải có cách biết được số tiền đó được dùng có hiệu quả không? Do vậy, cần làm rõ những hoạt động nào của DNNN khác với các doanh nghiệp khác”.
Còn về vấn đề “phản cảm”, theo PTT Vũ Văn Ninh, chỉ cần quy định vấn đề quản trị đặc thù chứ không có quy định về quyền lợi cho DNNN thì sẽ không còn gây ra những cảm giác phân biệt đối xử DNNN với các thành phần kinh tế khác.
Nói kinh tế nhà nước là chủ đạo, DNNN là nòng cốt thì có phải khẳng định trong luật không? Luật Doanh nghiệp mà không nói đến DNNN thì DNNN nói ở đâu?” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng |
Tại cuộc họp của Chính phủ sáng 21/3, PTT Vũ Văn Ninh vẫn nhắc lại quan điểm này và các Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đưa ra những ý kiến đồng tình.
Cụ thể theo PTT Đam, vì DNNN có nhiều đặc thù khác các loại hình doanh nghiệp khác nên luật Doanh nghiệp vẫn cần có chương riêng để quản lý hiệu quả. Còn quan điểm của PTT Phúc, nếu đưa vào luật mà có ích cho việc quản lý DNNN thì nên có chương riêng.
Chốt lại các ý kiến trong nội các, người đứng đầu Chính Phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt câu hỏi “Nói kinh tế nhà nước là chủ đạo, DNNN là nòng cốt thì có phải khẳng định trong luật không? Luật Doanh nghiệp mà không nói đến DNNN thì DNNN nói ở đâu?”.
Không đồng tình đề xuất của Bộ Tư pháp (đổi tên chương “Doanh nghiệp Nhà nước” thành “Một số quy định đặc thù trong quản trị đối với doanh nghiệp có cổ phần vốn góp chi phối của nhà nước”), Thủ tướng yêu cầu giữ nguyên tên chương là DNNN như Dự thảo, trong đó quy định DNNN cũng nằm trong các loại hình doanh nghiệp nói chung nhưng cơ chế quản lý đặc thù hơn.
Cơ quan thẩm tra của Quốc hội không tán thành
Cũng trong ngày 21/4, tại phiên họp của UB Thường vụ Quốc Hội về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đưa ra quan điểm tương tự với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Cụ thể, “DNNN có đặc thù riêng, nếu không đưa vào đây thì không biết đưa vào đâu. Dự thảo Luật Đầu tư và quản lý vốn Nhà nước chỉ là quy định quản lý kinh doanh vốn, còn ở đây là quy định về quản trị doanh nghiệp”.
Bởi vậy theo ông, việc quy định về doanh nghiệp Nhà nước tại luật này không thể coi là phân biệt đối xử hay bất bình đẳng với các thành phần doanh nghiệp khác.
“DNNN có đặc thù riêng, nếu không đưa vào đây thì không biết đưa vào đâu. Dự thảo Luật Đầu tư và quản lý vốn Nhà nước chỉ là quy định quản lý kinh doanh vốn, còn ở đây là quy định về quản trị doanh nghiệp”. PCT QH Uông Chu Lưu |
Liên quan đến vấn đề đang nói ở trên, đơn vị thẩm tra Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi cho biết, ngay trong nội bộ Ban Ủy ban kinh tế cũng có những ý kiến trái chiều.
Những người đề nghị không nên có chương riêng quy định về DNNN thì đưa ra lập luận cho rằng, số lượng, tỷ trọng khối này sẽ giảm dần theo chủ trương chung về tái cơ cấu, do đó việc thành lập, tổ chức và hoạt động doanh nghiệp Nhà nước phải tuân thủ như tất cả các doanh nghiệp khác để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng của các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế.
Một số ý kiến ở chiều ngược lại, thì cho rằng thực trạng yếu kém của các DNNN đặt ra những yêu cầu cấp thiết cần quy định rõ và chặt chẽ hơn về quản trị doanh nghiệp, về hạn chế ngành nghề đăng ký kinh doanh, về yêu cầu công khai hóa thông tin ở mức độ cao hơn, nên không thể không dành hẳn một chương riêng cho đối tượng đặc thù này.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết Thường trực ủy ban tán thành các ý kiến phản đối.
Ông Giàu cho rằng " Luật Doanh nghiệp chỉ quy định về loại hình pháp lý của doanh nghiệp nói chung, không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế. Do vậy, dành hẳn chương riêng về DNNN có thể làm sai lệch kết cấu, bản chất và chức năng vốn có của Luật này”.
"Dành hẳn chương riêng về DNNN có thể làm sai lệch kết cấu, bản chất và chức năng vốn có của Luật Doanh nghiệp” Chủ nhiệm UBKTQH Nguyễn Văn Giàu |
Ủy ban kinh tế của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát những nội dung về thành lập và tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước để chuyển hóa vào các phần tương ứng trong dự án Luật.
Các nội dung nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật cần cân nhắc đưa vào dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và các luật khác có liên quan.
Hồng Anh